, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 13/07/2021, 07:00

Khởi nghiệp xanh từ tài nguyên bản địa

ANH KHOA

Tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc TP.HCM năm 2014 với một công việc ổn định, nhưng Phạm Xuân Thành (sinh năm 1991) vẫn quyết định rời bỏ nơi “phồn hoa đô hội” trở về với quê hương Cà Mau để viết nên câu chuyện thú vị khởi nghiệp xanh “từ tài nguyên bản địa”.

Phạm Xuân Thành (phải) tư vấn cho khách hàng.

Tại ấp Ông Quyền (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) gia đình Thành có 9ha rừng ngập mặn và đã gắn bó với nghề nuôi tôm ở đấy cũng gần 30 năm nay. Cách đây khoảng 3, 4 năm, ba mẹ Thành có ý định chuyển nhượng hoặc cho thuê lại diện tích nuôi tôm vì tuổi đã cao trong khi con cái lập nghiệp ở Sài Gòn. Tiếc công ba mẹ bấy lâu, Thành thuyết phục ông bà giữ lại vuông tôm và tranh thủ ngày nghỉ dong xe về trông coi. Sau một thời gian “giữ nghề truyền thống”, Thành quyết định phải tìm cách phát triển sự nghiệp của ba mẹ.

Từ đam mê con tôm rừng…

Nghề nuôi tôm ở quê Thành đặc biệt bởi người dân canh tác hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm truyền đời từ ông bà để lại. Rừng đước ngập mặn là môi trường hoàn hảo để họ nuôi tôm thuận theo tự nhiên. Thức ăn cho các loài thủy sản ở đây là các loài sinh vật phù du vốn có sẵn theo từng đợt thủy triều từ biển lên và rút trong ngày. Giống như một quy tắc ngầm để bảo vệ sự đa dạng sinh thái của rừng ngập mặn, cư dân rừng đước khai thác nguồn lợi thủy sản 2 lần/tháng, lúc con nước lên vào ngày rằm và ba mươi. Phạm Xuân Thành chia sẻ: “Thiên nhiên ưu đãi khiến con tôm nuôi ở đây có những thế mạnh mà tôm nuôi công nghiệp không thể nào có được, đó chính là luôn đảm bảo “3 không”: không thức ăn công nghiệp, không thuốc kháng sinh và không có chất kích thích tăng trưởng”.

Tận dụng thế mạnh hiếm có đó, bên cạnh sản phẩm tôm tươi và món mắm tôm truyền thống của gia đình, Thành đã phát triển thêm 2 sản phẩm là tôm tươi đông lạnh và tôm khô. Với tôm khô, Thành kiên quyết chỉ sử dụng củi khô để luộc tôm chứ không dùng gas và phơi nắng chứ không sấy bằng máy. Thành cho biết gia vị duy nhất trong quá trình chế biến tôm khô được dùng là một chút muối: “Tôm luộc bằng củi ngon hơn, tiết kiệm nguyên liệu hơn và phơi nắng bảo quản được lâu, hương vị ngon, khô đều và khi ăn vẫn mềm trong khi tôm sấy thường chỉ khô bên ngoài và bị cứng”.

Có sản phẩm tốt nhưng trong 3 năm đầu khởi nghiệp, có tháng Thành bán chỉ được vài kí tôm. Chàng kiến trúc sư xoay xở rao bán hàng trên mạng, chào bán cho người quen, thậm chí mang ít kí tôm lẻ đi chào bán tại vỉa hè chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú, TP.HCM)… Khó khăn cho đầu ra của sản phẩm đã buộc Thành phải có sự lựa chọn: “Vừa làm công việc kiến trúc sư, vừa đi bán tôm hay dành hết thời gian cho con tôm”?

Tháng 09/2016, Thành dứt khoát nghỉ việc để thành lập Công ty TNHH Con Tôm và đăng ký thương hiệu, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết kế mẫu mã, bao bì chuyên nghiệp để có thể phát triển doanh nghiệp một cách bền vững. Thị trường vốn ít người biết đến tôm thiên nhiên Cà Mau, người tiêu dùng lại có thói quen chuộng các sản phẩm tươi sống, vì thế 2 sản phẩm chính là tôm khô và tôm đông lạnh mà Thành đang tập trung phát triển thật sự khó tìm đầu ra. Thành tìm đến các hội chợ triển lãm sản phẩm nông sản ở nước ngoài (như hội chợ Thaifex chuyên về thực phẩm lớn nhất Thái Lan) để học hỏi kinh nghiệm.

 Anh đưa sản phẩm đi giới thiệu tại các diễn đàn, hội chợ triển lãm trong nước như Phiên chợ xanh tử tế, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao Foodexpo, Mekong Connect 2020… để tìm kiếm đối tác và khách hàng. “Khi chào hàng, tôi phải giải thích và giới thiệu kỹ lưỡng về mô hình con tôm rừng thì khách hàng mới dần hiểu và dần chấp nhận”. - Thành chia sẻ.

Phạm Xuân Thành kiểm tra tôm sấy trong nhà lưới. TIN NÀY CÓ SỰ

Đến cái duyên với Con Tôm eco homestay

Trong 60.000ha rừng ngập mặn của tỉnh Cà Mau, diện tích lớn nhất tập trung ở 2 huyện Ngọc Hiển và Năm Căn, nơi đang bảo tồn một cách tuyệt vời sự đa dạng thảm thực vật rừng ngập mặn với các loài thực vật đặc hữu như: mắm, đước, vẹt, chà là… và sự phong phú của các loại thủy sản như: tôm, cua, ghẹ, cá, các loại ốc nhỏ… Ngoài ra đây còn là lá phổi xanh và là nơi có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. 

Thành cho biết, mô hình du lịch cộng đồng Con Tôm eco homestay của anh bắt nguồn từ mô hình Con Tôm Rừng - mô hình người dân trồng rừng và thu lại nguồn lợi thủy hải sản từ rừng ngập mặn Cà Mau. “Khi bắt đầu làm du lịch thì tôi chưa có homestay đâu, chỉ là dẫn bạn bè đi chơi, theo kiểu bạn bè thôi, rồi dẫn khách hàng tham quan vùng nuôi tôm. Dần dần, thấy mô hình này có thể đầu tư và phát triển nên cuối năm 2018 tôi bắt đầu mở homestay và đón khách”. - Thành chia sẻ.

Một góc Ecohomestay.

Ở Con Tôm eco Homestay, Thành đưa ra nguyên tắc “3 không”: không rượu, không bia và không thuốc lá. Đây là khu vực bảo tồn hệ sinh thái gắn liền với kế sinh nhai của người dân, nên hầu hết các nguyên, vật liệu mà Con Tôm eco Homestay sử dụng đều có nguồn gốc từ thiên nhiên, dịch vụ, ẩm thực theo mùa từ nguồn sản vật tự cung, tự cấp của địa phương. Thành tâm sự: “Doanh thu từ sản phẩm con tôm rừng và homestay của tôi chỉ khoảng 100 triệu đồng/tháng, nhưng điều quan trọng là tôi bắt đầu tin mình có lý do để bỏ phố trở về đây’’.

Chàng trai tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc ngành quy hoạch vùng và đô thị giờ đã thực sự trở thành người nông dân “chân lấm, tay bùn” và đang “quy hoạch đồng ruộng” để gia tăng giá trị sản vật quê hương. Nhất định bạn trẻ này sẽ viết thêm nhiều chương mới hấp dẫn trong hành trình khởi nghiệp xanh của mình.

Theo Tổng cục Thủy sản, mô hình Tôm - Rừng là phương thức nuôi tôm gắn với bảo vệ rừng và trồng rừng ngập mặn, quan tâm đến tăng trưởng nguồn carbon xanh phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới. Khi mở rộng quy mô Tôm - Rừng với những thay đổi tích cực như đảm bảo tỷ lệ rừng ít nhất là 60% còn 40% mặt nước nuôi tôm, thì diện tích rừng ngập mặn đã tăng tương ứng. Nếu thực hiện được mục tiêu phát triển Tôm - Rừng, chỉ tính ở tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, với 88.526ha theo tỷ lệ rừng chiếm 60% là đã có 45.763ha rừng. Vì vậy đây là hướng đi hiệu quả để tạo sinh kế ổn định cho đông đảo người dân, định hình phát triển bền vững cho tương lai.
Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất