, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 15/12/2022, 06:00

"Khơi thông" đầu ra cho các sản phẩm OCOP

THÙY LINH
(chinhphu.vn)
Để tháo gỡ khó khăn và “khơi thông” đầu ra cho các sản phẩm OCOP, thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP đến các nhà phân phối bán lẻ và người tiêu dùng Thủ đô trong các tháng cuối năm.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP TP. Hà Nội năm 2022 do HPA tổ chức. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Nan giải tìm đầu ra

Từ lâu, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề luôn là vấn đề được các cấp, ngành và người dân Thủ đô quan tâm. Đây cũng là trăn trở của nhiều địa phương thuộc Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, Thạch Thất có 122 sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao. Các sản phẩm này đã có nhiều cải tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc… nhưng việc tiêu thụ vẫn hết sức khó khăn.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang thông tin, rất nhiều chủ thể tham gia OCOP chưa tìm được cách thức liên kết để tiêu thụ sản phẩm nên không thể mở rộng quy mô sản xuất; sản phẩm chỉ tiêu thụ tại địa phương hiệu quả kinh tế chưa cao...

Ở góc độ cơ sở, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dị Nậu (huyện Thạch Thất) Nguyễn Thị Thành cho biết, mỗi năm doanh thu từ phát triển kinh tế của xã Dị Nậu đạt khoảng 640 tỷ đồng, trong đó đóng góp từ nghề mộc truyền thống được chế tác rất tinh xảo chiếm tới 70%.

Cùng với nghề truyền thống, Dị Nậu còn sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng, như: Gạo nếp, đu đủ, rau sạch... Song, đến nay việc tiêu thụ vẫn hạn chế nên giá trị đạt thấp.

Trong khi đó, có một thực tế là nhiều doanh nghiệp bán lẻ chưa "gặp" được các chủ thể có sản phẩm tốt để kết nối tiêu thụ. Giám đốc Công ty CP xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch cho biết, doanh nghiệp cần một lượng lớn sản phẩm nông nghiệp, làng nghề đạt chuẩn OCOP để cung cấp cho các bếp ăn trường học; bán tại các sàn thương mại điện tử và khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của công ty... Do đó, đơn vị mong muốn được kết nối với các nhà sản xuất uy tín và có thể cung cấp sản phẩm với số lượng, chất lượng, giá cả ổn định…

TP. Hà Nội đã phát triển nhiều Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Chủ động tháo gỡ

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 1.649 sản phẩm trong Chương trình OCOP đạt 3 sao trở lên, chiếm 1/4 của cả nước. Để duy trì và phát huy thế mạnh từ nguồn sản phẩm này, đồng thời đạt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2022 có trên 400 sản phẩm OCOP được công nhận, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy việc giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên địa bàn. 

Mới đây, tại Chương trình Café Doanh nhân số 4 với chủ đề "Phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm OCOP" do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA), Phó Giám đốc HPA Lê Tự Lực khuyến nghị, để tiêu thụ sản phẩm OCOP thì giải pháp cần thiết hiện nay là thành lập các hợp tác xã làm đầu mối hợp tác với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, bởi doanh nghiệp bán lẻ không thể ký hợp đồng với từng hộ sản xuất nhỏ lẻ...

Ở chiều ngược lại, nhà phân phối nên cung cấp thông tin về xu hướng tiêu thụ để người sản xuất có định hướng phát triển sản phẩm OCOP phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Thời gian tới, HPA sẽ phối hợp với các huyện tổ chức để tập huấn, đào tạo về xúc tiến thương mại cho các chủ thể có sản phẩm OCOP, giúp các chủ cơ sở sản xuất có thêm kỹ năng trong tiếp thị, bán sản phẩm.

Khẳng định vai trò "bà đỡ" của cơ quan quản lý trong tiêu thụ sản phẩm, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương trong và ngoài nước.

Thời gian qua, Sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã phát triển 85 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề qua đó tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tại những Điểm OCOP này, các đơn vị quản lý, vận hành Điểm OCOP đã ưu tiên kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương. Do đó sản phẩm OCOP của địa phương có nhu cầu giới thiệu, quảng bá chủ động liên hệ với các đơn vị quản lý, vận hành Điểm OCOP để được hỗ trợ đưa hàng quảng bá, giới thiệu.

Để công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP đạt hiệu quả, các chủ thể OCOP cần tích cực tham gia hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP; chủ động nội dung tuyên truyền cung cấp tới các sở, ngành để được hỗ trợ thông tin đến các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền vào những thời điểm thích hợp.

 

Nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các chủ thể OCOP, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP cấp Thành phố. Thông qua đó, giúp cho doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, để thích ứng với thời đại công nghệ số, Hà Nội cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã chuyển đối số để đổi mới trong việc tiếp cận khách hàng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất