, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 16/03/2021, 15:57

Khói um tre vẫn tỏa trên làng nghề Phú Vinh

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Bất cứ lúc nào đến làng, từ xa ta đã nghe tiếng rè rè, xịch xịch của máy chẻ nan, máy dập. Lại gần, sẽ thấy từ đường làng, bờ ao, sân nhà… khắp nơi là màu trắng của ruột mây, guột, màu nâu của sợi mây, màu vàng, trắng của những sản phẩm mây tre đan. Khói rơm um sản phẩm bay la đà khắp chốn, tỏa hương thơm ngát cả thôn…

Để sản xuất các loại sản phẩm mây tre, các nghệ nhân phải thực hiện nhiều bước từ khâu chọn, xử lý nguyên liệu đến chế tác sản phẩm.
Để sản xuất các loại sản phẩm mây tre, các nghệ nhân phải thực hiện nhiều bước từ khâu chọn, xử lý nguyên liệu đến chế tác sản phẩm.

Làng nghề 400 năm tuổi

Nghề đan lát các sản phẩm bằng tre xuất hiện ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa từ thế kỷ 16 nhờ ông Nguyễn Văn Sôi - ông Tổ nghề mây tre đan của địa phương. Trong một chuyến đi với cha đến Thanh Hóa, ông đã học được nghề đan tre. Vốn có tư chất thông minh, tính cẩn thận lại khéo tay, nên khi trở về xóm Thượng (thôn Phú Vinh), ông Sôi đã ngay lập tức thi triển sở học. Xóm Thượng ngày ấy đồng ruộng ao chuôm nhiều, nguồn lợi thủy sản phong phú, nên những ngư cụ làm từ tre như nơm, đó, giậm… của ông Sôi làm ra nhanh chóng được người làng, người xã tiêu thụ. Thế là ông càng say mê tạo ra sản phẩm, đồng thời còn truyền dạy nghề lại cho người thân.

Tiếp sau ngư cụ, ông Sôi và dòng họ chuyển sang đan thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia, bồ, cót để phục vụ công việc nhà nông. Xong nông cụ thì đan đến những đồ trang trí như khung gương, hộp, khay, bình, thậm chí là cả những chiếc mũ có gắn lông cò để phục vụ nhu cầu làm đẹp của những người thích trưng diện… Ông Sôi và gia tộc cứ thế tíu tít quanh năm rồi thành nghề, nên nghiệp. Từ phục vụ nhu cầu hằng ngày của dân làng, các sản phẩm tre đan dần lan ra các chợ quanh vùng, lên tận chợ Đồng Xuân của kinh thành Thăng Long với các lái buôn Trung Quốc… Công việc ngày càng phát triển, ông Sôi và dòng họ không thể giữ độc quyền được nữa mà phải truyền nghề cho dân làng. Từ đó mà thành làng nghề…

Hình ảnh thân thuộc ở thôn Phú Vinh, khắp nơi phơi đầy nguyên liệu và sản phẩm của nghề mây tre đan. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng.
Hình ảnh thân thuộc ở thôn Phú Vinh, khắp nơi phơi đầy nguyên liệu và sản phẩm của nghề mây tre đan. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng.

Đầu thế kỷ 18, Phú Vinh trở thành một trung tâm sản xuất đồ tre đan lớn nhất miền Bắc. Nét đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre của Phú Vinh là hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật đan rất tinh xảo. Đến thời Pháp thuộc, khi có một nhóm nhà buôn người Pháp đến làng đặt hàng đan bằng mây và độc quyền thu mua để xuất khẩu sang Pháp và các nước châu Âu, thì làng nghề Phú Vinh có thêm các sản phẩm mây đan. Những năm 1936 - 1940 là thời kỳ hưng thịnh nhất của làng, có đến 80% hộ gia đình tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Lúc này người ta cũng sử dụng cả sợi giang ngắn và chắc để đan những chiếc đĩa nhỏ và khay đựng trái cây đáp ứng nhu cầu của các gia đình giàu có.

Đông Tây giao hòa trong từng đường đan lát

Ngày nay, ở Phú Vinh người ta dùng mây, trúc, giang, song, guột, cói, tre và nứa để đan thành các sản phẩm đa dạng như bàn, ghế, bình, giá, giỏ, hộp, đèn, chao đèn, lót chén… Một số máy móc như máy dập ghim để gắn lõi guột tạo hình sản phẩm, máy chuốt nan, máy chẻ nan... đã được đưa vào sử dụng để tiết kiệm một phần thời gian, công sức, còn lại đều phải thao tác thủ công, đặc biệt là sản phẩm mây tre đan cao cấp. Đan tay từng sản phẩm một, nên người ta không thể sản xuất số lượng lớn. Bù lại, khách hàng nước ngoài lại rất thích các sản phẩm thủ công vì tính độc nhất vô nhị của nó. Sản phẩm mây, tre, giang đan của Phú Vinh đã có mặt ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha... và ngày càng bắt kịp nhu cầu đổi mới của thị trường khi được kết hợp với những vật liệu khác như gốm, sứ, gỗ, sắt… để tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo, đẹp mắt và có giá trị cao. Một chiếc túi cùng kích cỡ, cùng mẫu mã vốn được đan bằng guột, song, giang như ngày trước thì có giá bán 280.000 đồng, nhưng khi tích hợp thêm miếng gốm in tranh, ảnh thì giá lên đến 500.000 đồng.

Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh sản xuất bằng chất liệu mây đan của nghệ nhân làng nghề Phú Vinh.
Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh sản xuất bằng chất liệu mây đan của nghệ nhân làng nghề Phú Vinh.

Nói chuyện kết hợp gốm với mây thì phải nhắc đến ông Hoàng Văn Hạnh và vợ là bà Nguyễn Thị Hân, những người đầu tiên kết hợp gốm Bát Tràng, gốm Biên Hòa với mây tre đan Phú Vinh. Điểm nổi bật ở các sản phẩm của đôi vợ chồng nghệ nhân này là kỹ thuật đan rất tinh xảo. Họ đã kết hợp khéo léo các kiểu đan truyền thống với kiểu đan mới sáng tạo để làm nên những hình khối mạnh mẽ, chắc chắn phù hợp với mỹ thuật đương đại. Sản phẩm của họ luôn đa dạng, từ những vật dụng phục vụ cho cuộc sống hằng ngày đến các đồ trang trí, các tác phẩm mỹ thuật…

Đặc biệt, trong xu hướng sản xuất thuận tự nhiên, để có sản phẩm bền, đẹp, không bị mối mọt, bền màu, họ đã nghiên cứu kỹ cách đan, cách tạo màu cho sản phẩm mà cha ông đã từng làm, chứ quyết tâm không sử dụng hóa chất và màu công nghiệp. Ông Hạnh nói: “Để tạo ra các họa tiết đen (màu đen), tôi đã lấy lá sòi, lá bàng, lá ổi và lá thèn đen đem luộc kỹ để chiết ra một thứ nước có màu đen sánh. Sau đó, cho sản phẩm vào ngâm kỹ trong nước này, vớt ra, phơi khô, rồi lại đem ngâm dưới bùn trong thời gian từ 5 đến 7 ngày để bảo đảm cho sản phẩm ăn màu vào tận lõi. Hoặc để tạo màu vàng tự nhiên cho sản phẩm, chúng tôi sẽ dùng rơm rạ chặt ngắn khoảng 5cm, sau đó cho vào hố có miệng rộng để đốt và xông sản phẩm. Trong quá trình hun khói phải điều chỉnh sao cho đống rơm chỉ tạo ra những làn khói trắng thì bề mặt sản phẩm mới lên màu vàng tự nhiên. Đây là những cách nhuộm màu hoàn toàn tự nhiên, không gây hại cho sức khỏe người sử dụng và có độ bền màu cao tới 30 - 40 năm”.

Một số sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng.
Một số sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng.

Chất lượng và mỹ thuật sợi mây là một trong hai yếu tố quyết định giá trị của sản phẩm mây đan. Sản phẩm mây đan Phú Vinh đã đạt đến đỉnh cao nhất trong nghệ thuật đan mây hiện nay của Việt Nam.

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất