, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 15/09/2019, 08:14

Khóm mít tuổi thơ

HOÀNG OANH

“Trái gì lạ vậy cô, trái này có ăn được không cô?” – đám học trò lớp 3 của tôi trố mắt ngạc nhiên khi xem hình ảnh những khóm mít. Nghe các em hỏi tự nhiên tôi thấy tự hào lạ. Tự hào vì xưa kia mình là con nít nhà quê. Nếu không, có thể tôi cũng như các em bây giờ (học sinh thành phố) chẳng biết khóm mít là gì, có hương vị thế nào. 

Khóm mít tuổi thơ

Trái mít hay những múi mít chín vàng ươm, ngọt thơm chẳng lạ đối với các em nhưng khóm mít thì không phải bất cứ trẻ con nào sinh ra và lớn lên ở thành phố này cũng thấy quen thuộc! Hồi nhỏ, tôi cũng chẳng biết phân biệt đâu là khóm mít, đâu là trái mít. Vì thế nên tôi bị ba mắng bởi cái tội cứ nhè trái non mà hái, vì tưởng là khóm mít.

Ba nói khóm mít chính là trái mít không thể lớn thành trái và để lâu ngày nó sẽ rụng đi. Khóm mít, bên ngoài mịn hơn, cuống nhỏ hơn cuống trái mít. Ba còn dặn tôi, muốn ăn thì hái những khóm thật muồi (có phủ một lớp cám vàng bên ngoài) ăn mới thơm và đỡ chát.

Biết được chuyện này rồi, tôi lại thầm mong cây mít nào trong xóm tôi cũng chỉ ra toàn khóm để chúng tôi tha hồ hái. Đúng là con nít, nên ước muốn của tôi chẳng lớn tí nào! Nghĩ lại thấy buồn cười cho cái điều ước “tầm cỡ” của mình.

Con nít nhà quê làm gì có tiền mua quà bánh. Quà vặt của chúng tôi có khi là củ khoai lang lùi, trái bắp nướng thơm phức, đậu phụng nấu bùi béo, ổi, mận giòn ngọt; có khi chỉ là mớ khóm mít cũng thích lắm rồi.

Nhớ lắm những buổi trưa nắng chang chang, tôi cùng tụi bạn trong xóm tha thẩn dưới những gốc mít trong vườn nhà. Chúng tôi chuẩn bị sẵn gói muối ớt để chấm. Hái khóm xong, ngắt tàu lá chuối bày ra, cả bọn xúm lại vừa ăn vừa tám chuyện, vui ơi là vui! Có đứa vừa ăn vừa hít hà, ho sặc sụa vì cay. Có đứa nuốt, trợn mắt lên vì mắc nghẹn. Vậy mà chẳng ai chịu bỏ cuộc, vẫn cứ ăn ngon lành. Hôm nào hái được nhiều khóm, chúng tôi còn bày ra "chế biến" món hấp dẫn khác. Khóm mít giã nhuyễn, trộn chút nước mắm, ớt, rau răm làm chả. Hái lá mít làm muỗng, chúng tôi xúc ăn. Ôi, ngon hết ý!

Khóm mít không chỉ là món ăn chơi của con nít, mà thỉnh thoảng lại xuất hiện đàng hoàng trên mâm cơm nhà tôi. Tác giả của mấy món ăn mang hương vị quê mộc mạc mà độc đáo ấy chính là chị tôi. Chị khéo tay, siêng năng và cũng nấu ăn ngon như mẹ. Gặp lúc mít nhiều khóm muồi, chị sai tôi hái vào để làm món trộn từ "công thức" do chị "sáng chế". Cầm cái rổ con bằng nan tre đi ra vườn, tôi háo hức lắm. Lâu lâu mới được ăn món tôi ghiền mà!

Chị chuẩn bị sẵn chén nước mắm pha chua ngọt, có tỏi, ớt giã nhuyễn, thấy đã hấp dẫn. Cho khóm mít, dưa gang đã được xắt thành từng lát mỏng vào cái thau sạch, rưới nước mắm pha lên, chị trộn đều, thử vừa miệng. Rồi chị thêm rau thơm xắt nhỏ, đậu phụng rang giã dập vào. Thật khó diễn tả hương vị đặc sắc thế nào nhưng trên mâm cơm hôm đó, dẫu có cá, có canh thì trong mắt tôi cũng chỉ thấy mỗi món khóm mít trộn của chị thôi.

Món khóm mít gom toàn vị chát, cay, mặn… vậy mà tuổi thơ tôi lại ngọt ngào chi lạ! Xa quê bao năm rồi, tôi vẫn thèm khóm mít ngày xưa. Nhớ mãi cái món nuốt không trôi, cứ nghèn nghẹn ở cổ mà vẫn ghiền. Món quà tuổi thơ ấy đã ngấm vào tâm thức tự bao giờ, như chất quê hồn hậu, thân thương, đọng mãi trong tôi.

Bây giờ thưởng thức món “khóm mít tuổi thơ” như thuở nào vẫn là mong ước của tôi. Bởi giữa lòng Sài Gòn, đâu phải hễ muốn là tìm được ngay chút hương vị quê nhà ấy, để thả tâm hồn mình về lại tuổi thơ nơi miền quê yêu dấu, với bao ký ức ngọt ngào, trong trẻo, dịu êm…

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm


Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất