, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 07/02/2023, 06:00

Không để ca cao Việt Nam mãi thiệt thòi

MAI XANH
Tôi ấn tượng với Trần Dương Xuân Vũ khi nghe anh thao thao bất tuyệt về việc làm thế nào để nâng cao giá trị ngành ca cao Việt Nam. Càng ấn tượng hơn khi tôi có dịp chiêm ngưỡng bức tranh lớn về một khu vườn ca cao được vẽ trên tường phòng thí nghiệm nơi anh làm việc. Anh còn “bật mí” về một cuốn sách kỳ công viết về thị trường ca cao cũng như kế hoạch mà anh ấp ủ về chương trình kết nối để cùng nhau phát triển ngành ca cao bền vững.

Bức tranh chung của ngành ca cao Việt Nam

“Nhiều người hỏi tôi nếu chỉ bán máy móc, công nghệ thì sao phải đầu tư phòng thí nghiệm, làm sách và vẽ ra chuỗi giá trị của ca cao một cách công phu như vậy? Đơn giản là tôi muốn mang đến một “sân chơi kỹ thuật cho những người đam mê ca cao, chocolate”, mang đến sự hiểu biết đầy đủ về bức tranh của ngành, để nhìn thấy một chuỗi giá trị toàn vẹn từ trồng trọt đến chế biến và thương mại, chứ không phải là những lát cắt gãy vụn của chuỗi giá trị. Hiểu một cách thấu đáo, chúng ta sẽ thấy ca cao là một ngành tiềm năng và có giá trị lớn nếu được đầu tư bài bản và lâu dài, từ khâu trồng trọt đến khâu chế biến chứ không chỉ bán thô”, Trần Dương Xuân Vũ chia sẻ.

Vũ bén duyên với ca cao chỉ mới vài năm trở lại đây, nhưng anh nhanh chóng tìm thấy niềm vui và đam mê với nó. Theo Vũ, chocolate là một ngành sang, một ngành có thể mang lại nhiều giá trị cho cả ngành nông nghiệp & công nghiệp thực phẩm của Việt Nam. Trước đây, anh chưa từng thấy hứng thú như vậy, dù việc kinh doanh rất thuận lợi. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công nghệ Thực phẩm ở Pháp, anh đã cùng các cộng sự xây dựng thành công một doanh nghiệp chuyên kinh doanh về nguyên liệu thực phẩm. Công ty phát triển nhanh chóng, đạt doanh thu khả quan nhưng sau năm năm quay cuồng với việc kinh doanh, chủ yếu là làm thương mại, ít vận dụng các kiến thức chuyên môn kỹ thuật, dần dần cảm xúc trong công việc giảm đi nhiều. Cuối cùng, anh quyết dừng lại để tìm một hướng đi mới.

Năm 2018, khi được kết nối của Đại Học Cần Thơ để mua lại một phòng thí nghiệm về ca cao (cacao lab). Vũ có cơ hội tìm hiểu chi tiết về ngành ca cao Việt Nam, kỹ thuật sản xuất & thị trường chocolate thế giới. Anh cảm thấy hào hứng về một ngành đầy tiềm năng & thú vị, ngành có thể mang lại nhiều cơ hội gia tăng giá trị cho loại nông sản này. Mặc dù, thương vụ mua lại cacao lab không thành, nhưng đó cũng là cơ duyên đưa Vũ hợp tác với nhà sản xuất máy làm chocolate hàng đầu thế giới của Ý. Thương hiệu mà hiện tại công ty Anh làm đại diện chính thức tại thị trường Việt Nam, Campuchia và Lào. Và cũng từ đó, một phòng thí nghiệm về chocolate với đầy đủ các thiết bị cần thiết cũng được ra đời tại TP. HCM, vừa phục vụ nhu cầu nghiên cứu của khách hàng, vừa là vườn ươm các ý tưởng phát triển ngành ca cao Việt Nam.

Nếu có dịp ngồi trò chuyện với Vũ về những điều anh ấp ủ, thì câu chuyện của anh chỉ xoay quanh chuyện cây ca cao. Anh nói rằng Việt Nam có nhiều ưu thế về nông sản này, nhưng giá trị thu được lại quá ít ỏi, khiến cho nhiều người nông dân nản lòng. Vũ cho biết: “Chỉ có một số nước nằm trong phạm vi 200 vĩ tuyến Bắc và 200 vĩ tuyến Nam của đường xích đạo là có điều kiện khí hậu thích hợp để trồng cây ca cao. Đây được xem là lợi thế độc quyền của những quốc gia nằm trong khu vực “vành đai ca cao” này, trong đó có Việt Nam. Với một vùng đất rộng lớn từ Nam Trung Bộ tới Đồng bằng sông Cửu Long rất thích hợp để sản xuất ra các loại hạt ca cao cao cấp”.

Thực tế, cây ca cao đã được trồng tại Việt Nam từ lâu. Thêm vào đó, từ những năm 2010, ca cao được đẩy mạnh qua các chương trình viện trợ của Hoa Kỳ, cũng như các tập đoàn chocolate lớn nên đã có thời điểm diện tích trồng ca cao ở cả nước lên trên 25.000ha (năm 2013). Thật tiếc là do sự đầu tư chưa đồng bộ, thiếu quy hoạch dài hạn và cũng thiếu định hướng lâu dài đã không khai thác được giá trị kinh tế bền vững của cây ca cao.

Gần đây hạt ca cao Việt Nam đã được thế giới biết đến nhiều hơn sau khi một sản phẩm chocolate của thương hiệu Marou làm ra từ hạt trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long và được New York Time đánh giá là “Thanh chocolate hảo hạng nhất thế giới”. Nhờ đó, hạt ca cao Việt Nam bắt đầu được biết đến và nhu cầu về hạt ca cao chất lượng của Việt Nam ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, sản lượng ca cao nước ta chỉ khoảng 4.500 tấn/năm, chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng sản lượng toàn cầu (hơn 4 triệu tấn/năm). Trong khi chỉ riêng Bờ Biển Ngà và Ghana đã chiếm khoảng 50% sản lượng hạt của toàn thế giới, sau đó là đến Nam Mỹ và Đông Nam Á.

“Nếu chỉ dừng lại khâu trồng trọt và bán thô, thì giá trị chúng ta nhận được từ chuỗi này chỉ 6,6%, và phần lớn lợi nhuận sẽ “nhường” cho những nước phát triển như Bỉ, Pháp, Ý, Thụy Sĩ, nơi có hàng loạt các nhà sản xuất chocolate lớn nhất thế giới. Còn nếu chúng ta tham gia chế biến sâu và kiểm soát luôn khâu canh tác, giá trị mà chúng ta nhận được có thể hơn 50% tổng giá trị của chuỗi giá trị chocolate. Vậy chúng ta sẽ bắt tay vào liên kết chuỗi giá trị, tận dụng triệt để lợi thế vùng trồng và công nghệ, hay chỉ mãi làm lợi cho những nước phát triển?”. Câu hỏi này đã khiến Vũ không thể ngồi yên.

Muốn đi xa hãy đi cùng nhau

Quyết không bỏ ngỏ câu hỏi trên, hai năm nay anh Vũ đã tìm gặp các doanh nghiệp nông nghiệp và công nghệ để chia sẻ về tầm nhìn và kỳ vọng của mình. Anh hào hứng nói: “Hiện hạt ca cao Việt Nam được nhiều nhà sản xuất chocolate trong nước và thế giới tìm mua với giá cao gần gấp đôi (khoảng 4,5USD/kg) so với các nguồn hạt từ Tây Phi (từ 2,2 - 2,5USD/kg). Trong khi chất lượng và sản lượng ca cao từ Tây Phi đang ngày càng giảm do hậu quả của việc chạy theo sản lượng công nghệ sản xuất còn lạc hậu, dòng đời khai thác giảm do thiếu khâu tái đầu tư. Đây là một cơ hội khẳng định thương hiệu ca cao Việt Nam. Với vị trí địa lý và thổ nhưỡng đặc thù, Việt Nam có lợi thế rất lớn để trở thành nguồn cung ca cao hạt chất lượng cao hoặc các sản phẩm chế biến sâu từ hạt này. Thành phẩm của quá trình trồng trọt (hạt khô) là nguyên liệu chính cho quá trình chế biến sâu tạo ra các sản phẩm như bơ ca cao, bột ca cao, chocolate với giá trị tăng gấp nhiều lần. Nếu có chiến lược đầu tư bài bản và dài hạn, ca cao cũng như các sản phẩm từ ca cao hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm của Việt Nam”.

Nhưng theo anh Vũ, để phát huy tối đa và bền vững giá trị kinh tế cây ca cao, thì chúng ta cần phải nhìn bao quát toàn chuỗi giá trị từ canh tác đến sau thu hoạch và chế biến. Thứ nhất, khi đầu tư đầy đủ chuỗi giá trị từ trồng trọt đến chế biến, người nông dân trồng ca cao mới được chia sẻ lợi nhuận một cách công bằng hơn. Từ đó, họ sẽ gắn bó và đầu tư nhiều hơn cho việc trồng trọt để mang lại hiệu quả lâu dài cho các bên cùng tham gia trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh tế cao và lợi thế cạnh tranh, diện tích vùng trồng ca cao phải đủ lớn. Chi phí đất và chi phí canh tác cần được tối ưu để mang lại thêm nhiều lợi nhuận cho khâu trồng trọt. Do đó, bên cạnh các nông trường trồng cây ăn trái, nông dân có thể phát triển mô hình trồng ca cao phù hợp trên các loại đất trồng mía, mì… “Ca cao là một cây công nghiệp có giá trị cao, bền vững. Từ năm thứ 2 trở đi, ca cao thu hoạch gần như quanh năm, đỉnh trái từ năm thứ 5 và thu hoạch liên tục, ổn định từ 15 - 20 năm. Cây có thể trồng chuyên canh hoặc xen canh với các loại cây trồng khác (cây ăn quả, dừa, điều, chuối…) giúp nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác. Đảm bảo nhu cầu công việc quanh năm, giải quyết được yếu tố mùa vụ. Tôi ước tính thu nhập bình quân từ bán hạt khô sau năm thứ 3 là khoảng 200 - 300 triệu/năm/ha tuỳ theo kỹ thuật canh tác”, anh Vũ giải thích thêm.

Thị trường thế giới có nhu cầu rất lớn về sản phẩm hạt khô hoặc các sản phẩm chế biến sâu, nhất là Mỹ và châu Âu. Điều này giúp ca cao Việt Nam không bị phụ thuộc vào thị trường nội địa và Trung Quốc như tình hình chung các loại nông sản khác. Ca cao và các sản phẩm từ ca cao của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng áp dụng trên toàn cầu, giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn khi có sự đầu tư chuyên nghiệp bài bản. Thêm vào đó, việc áp dụng máy móc, kỹ thuật và công nghệ cao trong canh tác, chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm sẽ đảm bảo quá trình sản xuất hiệu quả, cho ra những “dòng chocolate ngon nhất thế giới”. Đó là lý do anh Vũ vẫn không ngừng tìm kiếm những người đồng hành với mình trên hành trình hướng đến một ngành ca cao phát triển bền vững của Việt Nam chúng ta.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất