, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 18/04/2022, 14:54

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa: vừa bảo tồn vừa phát triển du lịch cộng đồng

BÁ ANH
Sau khi chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (tháng 09/2021), Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) đã có những mô hình vừa bảo tồn vừa phát triển du lịch cộng đồng.
Khu dữ trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận)

Ưu đãi của tự nhiên

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa là một vùng rộng lớn với tổng diện hơn 106.646ha, bao gồm cả đất liền và biển thuộc tỉnh Ninh Thuận. Vùng lõi là Vườn quốc gia Núi Chúa, diện tích hơn 15.752ha, vùng đệm nằm trên các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc và vùng chuyển tiếp nằm trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Phước. 

Được đánh giá là khu vực có khí hậu khắc nghiệt nhất Việt Nam, thời tiết nắng nóng quanh năm, lượng mưa thấp, nhưng chính thời tiết này đã tạo cho Núi Chúa một hệ sinh thái đặc thù. 

Cùng với cấu tạo địa hình đặc biệt với ba thành phần (khu vực rừng cây, khu vực biển và khu vực bán sa mạc), đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới duy nhất ở Việt Nam đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới với 1.514 loài thực vật, 766 loài động vật. Trong đó có 54 loài thực vật và 46 loài động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ thế giới (IUCN) như: voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc, dải san hô nơi rùa biển để trứng… và những loài thực vật có khả năng chịu hạn, chịu nóng như xương rồng, trâm bầu, mùng quân ấn, lọ nồi ô rô…

Một góc Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Ảnh: Thành Trung.

Sở hữu hơn 40km đường bờ biển, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa có hệ động thực vật biển giàu có. Nơi đây có quần thể rùa biển thường xuyên đến đẻ trứng mỗi năm và rạn san hô ven bờ lớn nhất nước ta với 350 loài. Ngoài ra, nơi này còn nổi tiếng vì có nhiều bãi biển đẹp và hoang sơ nhất khu vực miền Trung như Bình Tiên, Nước Ngọt, bãi Chuối, bãi Thùng, bãi Kênh… với những doi cát uốn lượn ôm sát vào chân núi.

Với những ưu đãi từ thiên nhiên, Vườn Quốc gia Núi Chúa chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại cuộc họp lần thứ 33 (13 - 17/09/2021 ở Nigeria) của Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển (CIC-MAB). 

Phát triển du lịch sinh thái

Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa chính là động lực để Ninh Thuận đầu tư bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển độc đáo, giàu tiềm năng này. Ngay sau khi được UNESCO công nhận, Tỉnh đã thành lập Ban quản lý nhằm quản lý và phát triển nơi này trở thành một điểm đến hấp dẫn của địa phương theo hướng bảo tồn bền vững các giá trị đa dạng sinh học.

Du khách chinh phục Núi Chúa. Ảnh: Thành Trung

Song song đó, lãnh đạo địa phương còn khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch sinh thái. Du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch trải nghiệm là những loại hình du lịch chính đang được khai thác tại khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Theo đó, du lịch sinh thái cộng đồng là những trải nghiệm văn hóa bản địa với cuộc sống gần gũi thiên nhiên, tham gia các hoạt động làng nghề và thưởng thức các đặc sản địa phương. Nhiều hoạt động du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên dành cho học sinh, sinh viên và những người yêu thích thám hiểm, hướng tới giáo dục thiên nhiên, tìm hiểu công tác bảo tồn và công tác cứu hộ vùng biển tại Vườn Quốc gia. Ngoài ra, Núi Chúa còn là cung đường thú vị dành cho du khách thích chinh phục thiên nhiên.

Với những mô hình sinh kế bền vững, hoạt động du lịch đã góp phần cải thiện đời sống của người dân sống ở vùng đệm. Cụ thể như du lịch sinh thái ở cộng đồng người Raglai ở hai thôn Cầu Gãy và Đá Hang, trên địa bàn xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; Thành lập các tổ thủ công mỹ nghệ, tổ múa Mã la, tổ hướng dẫn... phục vụ du khách.

Ngày 14/04/2022 vừa qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa từ UNESCO tại Trụ sở Ban Quản lý Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa, thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải).

Sự kiện Vườn Quốc gia Núi Chúa chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã nâng tổng số khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam lên con số 11.

1. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000)
2. Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (2001)
3. Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng (2004)
4. Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (2004)
5. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang (2006)
6. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An (2007)
7. Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm (2009)
8. Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009)

9. Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (Đà Lạt) (2015)
10. Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) (2021)
11. Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng (Gia Lai) (2021)

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất