, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 01/08/2022, 19:00

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

KHÁNH TRUNG
(baocantho.com.vn)
Với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đang phối hợp với Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành Trung ương và địa phương để thực hiện Dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu (BÐKH) và phát triển bền vững ở ÐBSCL (TRVC). Dự án này sử dụng cơ chế trao giải thưởng dựa trên kết quả, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong liên kết hợp tác với nông dân và các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo để đẩy mạnh ứng dụng trên quy mô lớn các công nghệ sản xuất lúa tiến bộ. Qua đó, chuyển đổi sản xuất và kinh doanh lúa gạo theo hướng bền vững, thích ứng với BÐKH...
Thu hoạch lúa vụ hè thu 2022 tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Nông dân được hưởng lợi

Dự án TRVC hướng đến mục tiêu cải thiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, gia tăng thu nhập cho các nông hộ và tăng cường các giải pháp, công nghệ thông minh để sản xuất lúa đạt hiệu quả cao, với khí thải carbon thấp và thích ứng với BÐKH.

Dự án dự kiến thực hiện ở các địa phương có diện tích trồng lúa lớn như Kiên Giang, An Giang, Ðồng Tháp và được Chính phủ Úc tài trợ từ 10 - 15 triệu đô-la Úc. Dự án sẽ hỗ trợ phát triển sinh kế cho khoảng 300.000 hộ nông dân trồng lúa, giảm phát thải khoảng 200.000 tấn CO2, giảm 20-30% chất thải hóa học, tiết kiệm khoảng 15% chi phí đầu vào... Ðồng thời, đề xuất các mô hình, phương pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được thực hiện và kiểm định quốc tế nhằm nhân rộng tại nước ta.

Theo bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án TRVC, dự án rất khuyến khích và mong đợi sự tham gia của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo. Khi doanh nghiệp vào cuộc trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân, ở mỗi vùng nguyên liệu có điều kiện thổ nhưỡng và canh tác khác nhau, doanh nghiệp sẽ có định hướng cho nông dân sử dụng giống lúa phù hợp và đáp ứng nhu cầu thị trường. Áp dụng mật độ gieo sạ, quản lý nước, sử dụng phân bón phù hợp và thực hiện tốt việc quản lý rơm rạ sau thu hoạch... để sản xuất lúa đạt hiệu quả tối ưu, hạn chế khí phát thải.

Dự án TRVC dự kiến được thực hiện trong 5 năm, trong đó giai đoạn chuẩn bị và thiết kế dự án từ tháng 4 đến tháng 12-2022, giai đoạn thực hiện từ 2023-2027. Dự án sử dụng cơ chế trao tiền thưởng dựa trên kết quả nhằm thúc đẩy và tạo cơ sở cho sự hợp tác chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo bao gồm các nông hộ nhỏ từ khâu sản xuất đến khâu tiếp thị với mô hình kinh tế bao trùm nhằm đạt được lợi nhuận kinh tế cao và phát triển bền vững. Ðể nhận được tiền thưởng, các doanh nghiệp sẽ tham gia cuộc thi từ dự án. Doanh nghiệp nộp đề xuất các kỹ thuật, thông tin về năng lực của mình trong thiết kế, thực hiện ứng dụng trên quy mô lớn trong phạm vi các tỉnh thuộc địa bàn của dự án về các công nghệ sản xuất lúa bền vững, giảm khí thải nhà kính...

Đáp ứng yêu cầu thực tế

Thông qua Tổ chức SNV, thời gian qua DFAT cũng đã hỗ trợ thực hiện một số dự án giúp tăng hiệu quả sản xuất lúa gạo, giảm khí phát thải nhà kính và thích ứng BÐKH. Ðiển hình là Dự án sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults (AVERP) tại tỉnh Thái Bình thuộc Ðồng bằng sông Hồng trong giai đoạn 2016 - 2021. Sau dự án này, DFAT và SNV quyết định tài trợ thực hiện Dự án TRVC tại vùng ÐBSCL. Ông Peter Loach, Giám đốc quốc gia của SNV tại Việt Nam, chia sẻ: "Với thành công của dự án AVERP, chúng tôi tiếp tục mở rộng những kết quả đã đạt được của dự án, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp trong khối tư nhân tham gia vào cuộc thi, mang đến các tác động bền vững...".

Lúa là cây lương thực chính ở nước ta và nhiều nước trên thế giới, nó giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện, diện tích lúa chiếm khoảng 82% diện tích canh tác ở Việt Nam và có khoảng 52% sản lượng lúa được sản xuất ở vùng ÐBSCL. Những năm qua, hoạt động sản xuất và xuất khẩu lúa gạo tại vùng ÐBSCL đã trở thành trụ cột sinh kế cho phần lớn các hộ dân sống ở nông thôn và đã đóng góp tích cực vào việc đảm bảo nguồn lương thực cho thế giới. 

Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo tại vùng ÐBSCL và cả nước nói chung đang ngày càng chịu nhiều tác động tiêu cực từ BÐKH, tình trạng hạn hán, nước biển dâng và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp. Ðồng thời, việc sản xuất và kinh doanh lúa gạo cũng gặp khó do ảnh hưởng của giá loại vật tư đầu vào tăng; người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng lúa gạo, cũng như yêu cầu người sản xuất lúa phải quan tâm thực hiện sản xuất theo hướng xanh, sạch và bảo vệ môi trường. Ðể phát triển sản xuất lúa gạo bền vững, nông dân tại vùng ÐBSCL rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng trong nước cùng cộng đồng các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, ngành lúa gạo nước ta đang đối mặt với thách thức do BÐKH, chi phí sản xuất cao và yêu cầu giảm khí thải nhà kính, chúng ta cần phải có những phương hướng và biện pháp ứng phó kịp thời. Nước ta đang phát triển, các nguồn lực đầu tư còn hạn chế, do vậy việc tập hợp và huy động tốt cả các nguồn lực từ Nhà nước, xã hội hóa, các thành phần kinh tế tư nhân và quốc tế là rất quan trọng. Các nguồn lực này sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ ngành sản xuất lúa gạo của nước ta vượt qua các thách thức, đảm bảo an ninh lương thực và các vấn đề về môi trường, giảm khí thải nhà kính.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất