, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 15/11/2021, 14:45

Khuyến nông, nước nào làm nông cũng có

TS. NGUYỄN VIẾT KHOA
(nongnghiep.vn)
Trên thế giới, quốc gia nào làm nông nghiệp đều có khuyến nông. Ngày nay, khuyến nông Việt Nam cũng cần có những cách tiếp cận mới cùng sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Khuyến nông Hoa Kỳ trình diễn đậu tương biến đổi gen tại Bang Missouri. Ảnh: KNQG.

Muôn kiểu khuyến nông trên thế giới

Trên thế giới, quốc gia nào làm nông nghiệp đều có khuyến nông. Thuật ngữ “ extension” tạm hiểu là khuyến nông, có nước gọi là phổ cập, chuyển giao, nhưng nhìn chung đều có, mục đích là cùng đồng hành và vì sự thịnh vượng của nông dân.

Để thực hiện mục đích này, mỗi nước có con đường đi riêng, phụ thuộc vào chính sách phát triển quốc gia của họ. Người Mỹ làm khuyến nông dựa vào doanh nghiệp, với mục tiêu thương mại, doanh nghiệp cung cấp công nghệ, vật tư và thu mua sản phẩm của nông dân sản xuất hang hoá (bình quân mỗi hộ có hàng trăm ha đất canh tác).

Người Nhật làm khuyến nông dựa vào nền tảng HTX nông nghiệp, và khuyến nông thị trường, họ là cầu nối đưa nông dân đến sàn giao dịch nông sản. Người Hàn Quốc làm khuyến nông gắn với phát triển nông thôn mới, và khuyến nông dịch vụ nổi tiếng thế giới, đó là dịch vụ cơ khí nông nghiệp năng động, “mang dịch vụ đến từng thửa ruộng quy mô khác nhau”.

Người Ấn Độ khuyến nông dân vùng khó khăn thông qua cách cầm tay chỉ việc, vùng hàng hoá thì để doanh nghiệp chủ động, loại khuyến nông nào cũng ứng dụng công nghệ thông tin với chương trình “Digital green extension” .

Thái Lan kề với Việt nam cũng có 2 cách khuyến, cách khuyến nông dân làm công nghệ cao thì kết hợp với doanh nghiệp, vùng khó khăn thì khuyến nông nhà nước làm. Thái Lan có hệ thống quản lý khuyến nông đã được số hoá cơ bản.

Ở Việt Nam, khuyến nông đã có từ lâu. Ngày xưa, Vua Lê đã xuống ruộng tịnh điền để truyền cảm hứng cho nông dân làm nông, khích lệ người dân sản xuất. Đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng xuống đồng tát nước chống hạn với nông dân. Người thường khích lệ cán bộ lãnh đạo phải đi thực tế để hiểu nông dân, không xa rời dân, có vậy dân mới tin yêu, nói phải đi đối với làm, luôn là triết lý sống và làm việc.

Cần cách tiếp cận mới cho khuyến nông Việt Nam

Ngày nay, nông nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu và thay đổi tư duy. Nông nghiệp phát triển dựa vào 3 trụ cột, đó là gia tăng giá trị nông sản, phát triển sinh kế bền vững và bảo vệ tài nguyên môi trường.

Lớp học khuyến nông cộng đồng tại Thái Lan. Ảnh: Viết Khoa.

Khuyến nông phải phục vụ mục tiêu này. Trên thực tế, có 2 cách tiếp cận khuyến nông rất rõ,  khuyến nông nhà nước phục vụ mục tiêu chính trị của ngành nông nghiệp, cố gắng mang kết quả nghiên cứu thành công của ngành đến nông dân bằng nhiều kênh khác nhau.

Khuyến nông của khối tư nhân được chia làm 2 loại, một là doanh nghiệp đầu vào thì khuyến nông dân sử dụng vật tư mà doanh nghiệp đang kinh doanh, thông qua nhiều kênh khác nhau, nhiều doanh nghiệp có cả hệ thống “khuyến nông” mạnh tại cơ sở. Doanh nghiệp đầu ra thì khuyến nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn để đáp ứng chất lượng nông sản họ cần. Thực tế 2 loại khuyến nông trên hoạt động hình như độc lập.

Về nguyên tắc, làm khuyến nông phải có 3 thứ ( Attitude, Knowledge, Skills) tức là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Khuyến nông Việt Nam giáo dục cán bộ khuyến nông phải có "trái tim, khối óc và đôi chân". Cũng giống một số nước, Việt nam đã giao quyền sử dụng đất cho nông dân, họ có quyền kinh doanh, sản xuất nông nghiệp trên đất được giao theo phương án của họ.

Nông dân có thể không làm theo khuyến nông, nếu không có lợi. Do thường xuyên trên đồng ruộng, nhiều nông dân rất giỏi về kỹ thuật. Có những nông dân đã trình diễn cách ghép cải tạo cà phê mà khuyến nông các nước đến thăm phải thán phục.

Câu chuyện phát triển hồ tiêu mấy năm gần đây cho thấy, nếu có thị trường, có lợi, nông dân hoàn toàn có thể đầu tư, thậm chí họ đã góp phần đưa năng suất và sản lượng hồ tiêu của Việt Nam cao hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, những kinh nghiệm về thị trường, liên kết, tổ chức sản xuất còn thiếu, nên đã có những câu chuyện buồn về nông dân sản xuất hồ tiêu. Từ những câu chuyện thực tế, cho thấy khuyến nông ngày nay phải tổng kết thực tiễn thành phương pháp và nội dụng khuyến nông, bắt buộc phải xuất phát từ cái người dân có và khuyến cái họ cần.

Ngành nông nghiệp đang chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Khuyến nông đến lúc phải chuyển đổi từ tư duy chuyển giao kỹ thuật sang tư duy khuyến nông gắn với hệ thống lương thực bền vững.

Theo đó, nông dân là chủ thể, là trọng tâm của quá trình phát triển. Hợp tác công tư (PPP) để 3 loại hình khuyến nông hiện tại gia tăng nguồn lực là con đường phù hợp để khuyến khích khuyến nông Việt Nam phát triển hơn nữa.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất