, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 17/04/2022, 21:23

Kiểm soát chất lượng nước ao nuôi tôm – quyết định cho vụ nuôi thành công

KS Thủy sản LƯƠNG ĐỨC ANH
Việt Nam là nước có thế mạnh về các sản phẩm nuôi trồng thủy sản. Là nước có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Na Uy và là nước đứng thứ 5 về cung cấp tôm qua Mỹ. Do vậy, diện tích ao nuôi tôm cả nước ngày càng mở rộng. Cụ thể, trong năm 2021, diện tích tôm nước lợ thả nuôi ước đạt 740 nghìn ha, trong đó, diện tích nuôi tôm sú 630 nghìn ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 110 nghìn ha.

Nuôi tôm là nuôi nước

Tuy nhiên, người nuôi tôm đang phải đối mặt với vấn đề làm sao để kiểm soát chất lượng nước và khí độc trong ao nuôi tôm suốt vụ nuôi. “Nuôi tôm là nuôi nước” là câu khẳng định của những người nuôi tôm lâu năm, một vụ nuôi thành công nếu kiểm soát tốt được chất lượng nước và môi trường ao nuôi

Có rất nhiều lý do gây áp lực lên việc kiểm soát chất lượng nước ao nuôi ngày càng chặt chẽ:

Thứ nhất, xu thế nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao khoảng 200 – 500 con/m2, mật độ nuôi càng cao lượng chất thải ra môi trường nước càng tăng, chất lượng nước trong ao càng thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của con tôm.

Thứ hai, nhiều loại thức ăn hàm lượng dinh dưỡng cao ngày càng được nghiên cứu và sản xuất, Thành phần nguyên liệu của thức ăn viên thường gồm 35% bột cá, 25% bánh dầu nành, 25% bột mì và 15% chất phụ gia bổ sung khác. Trong khi đó, quá trình tiêu hóa của tôm cho thấy tôm nuôi chỉ thực sự hấp thu 30% vào cơ thể từ thức ăn, còn lại 70% là vào môi trường nước, làm nước đục, lợn cợn, là nguyên nhân bùng phát tảo.

Thứ ba, chất lượng môi trường nước 1 số vùng nuôi tôm ngày càng xuống thấp, nước cấp đầu vào đã chứa sẵn hàm lượng 1 số các chất ô nhiễm. Cụ thể số liệu tháng 04/2022 quan trắc chất lượng nước vùng nuôi tôm ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy các chỉ tiêu như: NH4-N, NO2-N, TSS và chỉ tiêu vi sinh luôn là các chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép và có nguy cơ gây ảnh hưởng đến nguồn nước cấp đầu vào cho ao tôm. Nước cấp đầu vào đã chứa sẵn hàm lượng các chất ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con tôm, tăng khí độc, tăng lượng ô nhiễm sinh ra mỗi ngày và từ đó làm tăng chi phí xử lý cho người nuôi tôm.

Các thông số quan trắc chất lượng nước vùng nuôi tôm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: Bến, Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… cũng có chiều hướng thay đổi tương tự.

Trước đây, mô hình nuôi tôm thâm canh, quảng canh thường được áp dụng. Đặc điểm của mô hình này là 100% dựa vào nguồn thức ăn từ bên ngoài (chủ động hoàn toàn về thức ăn). Đồng thời mật độ thả tôm thấp, dao động 15 đến 30 con/m2, chất thải ít, người nuôi có thể dễ dàng chủ động về mọi mặt khi chăm sóc, kể cả việc kiểm soát chất lượng nước và dịch bệnh cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Hiện nay, đã có nhiều công nghệ cao được áp dụng, mật độ nuôi cao hơn (200 - 500 con/m2), đạt được sản lượng cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nuôi tôm mật độ cao yêu cầu kỹ thuật, chi phí đầu tư cao để kiểm soát chất lượng nước ao nuôi ngay từ đầu và suốt vụ nuôi.

Công nghệ vi sinh xử lý nước hiệu quả hơn

Sau đây là mô hình nuôi tôm công nghệ cao phổ biến nhất hiện nay, bà con có thể tham khảo:

Mô hình nuôi RAS: là mô hình nuôi tuần hoàn khép kín với môi trường được kiểm soát chặt chẽ trong các bể nuôi trong nhà. Nước chỉ lấy một lần, được lọc sạch dựa trên công nghệ lọc sinh học kết hợp cơ học và hệ thống xử lý chất thải hiện đại, sau đó tái sử dụng liên tục. Nhờ đó hạn chế được dịch bệnh xảy ra ở tôm và giảm đáng kể tiêu thụ nguồn nước.

Mô hình nuôi Biofloc: Cốt lõi của công nghệ nuôi này là tạo và duy trì các hạt floc lơ lửng trong ao nuôi, khi đạt được mật độ nhất định chúng sẽ xử lý chất thải hữu cơ và trở thành nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, giúp tiết kiệm lượng thức ăn.

Mô hình nuôi 2 giai đoạn: chia làm 2 giai đoạn nuôi như sau: Trong giai đoạn đầu, tôm được nuôi trong ao ương từ 20 - 30 ngày trong diện tích ao nhỏ nhằm giảm tác động của thời tiết và môi trường bên ngoài, hạn chế được hiện tượng tôm chết sớm thường xảy ra trong 20 ngày đầu. Sau đó chuyển đến giai đoạn 2 nuôi thương phẩm ở ao lớn từ 60-70 ngày là có thể thu hoạch được.

Mô hình nuôi 3 giai đoạn: Được phát triển dựa trên mô hình nuôi 2 giai đoạn, điểm khác biệt của công nghệ nuôi tôm 3 giai đoạn là giai đoạn nuôi thương phẩm được tách làm 2, mỗi giai đoạn kéo dài 25 - 30 ngày. Rút ngắn chu trình nuôi, hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình CPF-Combine thế hệ 2: nuôi theo ao tròn, được bố trí hầm biogas chứa chất thải của tôm, xác tôm dùng để làm khí đốt. Giúp lượng thức ăn dư thừa và xác tôm chết tập trung ở đáy ao, người nuôi dễ dàng kiểm soát được lượng thức ăn, tránh dư thừa gây ô nhiễm nước

Mỗi mô hình đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Điểm chung của các mô hình nuôi tôm công nghệ cao là đều ứng dụng sinh học (sử dụng vi sinh và chế phẩm sinh học) trong xử lý chất thải hữu cơ, khí độc, giúp kiểm soát chất lượng nước nuôi tôm.

Ngoài ra, để kiểm soát được chất lượng nước ao nuôi ổn định trong suốt vụ. Khuyến cáo đối với người nuôi tôm:

- Ao đang nuôi: cần duy trì mực nước trên 1m, kiểm tra các thông số chất lượng nước thường xuyên (NH3, NO2, pH, độ mặn, độ kiềm), quản lý việc cho ăn bà con cần tính được lượng thức ăn cho tôm 1 ngày chia theo thể trọng, sau đó chia theo số bữa cho ăn một ngày, nếu điều kiện ao nuôi của bà con có nhiều tạp chất, phù du thì lượng thức ăn cần chia trên thực tế sẽ nhỏ hơn. Điều này đảm bảo cho tôm không bị yếu do thừa thức ăn, thừa khí độc trong ao nuôi.

 - Theo dõi sức khỏe đàn tôm, đề phòng tôm bị sốc do môi trường thay đổi đột ngột, đặc biệt là khi mùa mưa.

- Lấy nước vào ao nuôi cần phải qua ao lắng xử lý theo đúng qui trình kỹ thuật, cần bổ sung vôi để nâng độ pH và độ kiềm phù hợp đảm bảo trong khoảng 120 – 180 mg/l. Để nâng độ kiềm tại các điểm thu mẫu thấp hơn giới hạn (<60mg CaCO3/L) và ổn định độ pH trong ao nuôi, người nuôi tôm có thể sử dụng vôi (CaCO3, Ca(MgCO3)2...), hoặc Bicarbonat.

- Giảm hàm lượng chất rắn lơ lửng, xử lý mầm bệnh, diệt khuẩn bằng cách sử dụng ao lắng, ao xử lý và chỉ sử dụng các hóa chất được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản (BKC, Iodine...) nhằm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh đảm bảo chất lượng nước phù hợp nhất trước khi đưa vào ao nuôi.

- Bổ sung men tiêu hóa, men đường ruột và các chất giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch của cá thể nuôi như: Vitamin C, Beta-glucan... khi thời tiết thay đổi. 

- Trong quá trình nuôi bà con nên bổ sung định kỳ các chế phẩm sinh học xử lý nước và xử lý khí độc. Trên thị trường có rất nhiều chế phẩm sinh học hiệu quả trong việc xử lý nước và khí độc bà con có thể tham khảo như: Pondplus, Inve, BZT, Microbe-Lift… để kiểm soát chất lượng nước ao nuôi tốt hơn.

Có thể thấy, vấn đề kiểm soát chất lượng nước và khí độc trong ao nuôi thuỷ sản, nhất là nuôi tôm luôn là nỗi trăn trở của người nông dân trong mỗi vụ nuôi. Mặc dù bà con quản lý ao nuôi rất tốt, từ kiểm soát lượng thức ăn đến quản lý môi trường nước ao nhưng khí độc vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng, thất thoát tôm nuôi. Vì thế, việc lựa chọn được một giải pháp phù hợp giúp giải quyết vấn đề này sao cho vừa hiệu quả, lại an toàn là điều mà các hộ nuôi trồng thuỷ sản đặc biệt quan tâm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất