, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 11/02/2021, 12:29

Kiến Tường: Từ tỉnh lỵ đến thị xã màu xanh

LÊ ĐẠI ANH KIỆT
Kiến Tường là đô thị trẻ nhất trong các thành phố, thị xã của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười. Trong thời Pháp thuộc, khi Sa Đéc, Cao Lãnh đã phát triển nhà phố kinh dinh thì Mộc Hóa vẫn còn là một tổng thuộc hạt tham biện Tân An. Ấy vậy mà thị xã Kiến Tường lại là vùng đất địa linh nhân kiệt, ôm ấp trong lòng nó những dấu ấn lịch sử văn hóa hiếm có vùng đất nào có được.
Thị xã Kiến Tường hôm nay.
Thị xã Kiến Tường hôm nay.

Đất của lịch sử và nhân tài

Kiến Tường từng là một đồn binh trong hệ thống đồn lũy của Thiên Hộ Dương để kháng chiến chống Pháp một thời gian dài ở thế kỷ 19. Kiến Tường từng là căn cứ của Khu ủy Khu 8. Những nhà điện ảnh Nam Lộc, Khương Mễ đã mang đầy đủ thiết bị quay, tráng rửa phim từ Sài Gòn vào đây và Kiến Tường trở thành cái nôi của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Chiến công đánh đồn Mộc Hóa năm 1948 đã là chất liệu cho bài hát nổi tiếng Tiểu đoàn 307 (thơ Nguyễn Bính, nhạc Nguyễn Hữu Trí), đồng thời cũng là chất liệu, đề tài của bộ phim tài liệu cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Cũng chính vùng đất này, môi trường này, nhà quay phim trẻ Hồng Sến đã vào nghề và trở thành đạo diễn điện ảnh với các tác phẩm vang danh: Nước về Bắc Hưng Hải, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng.

Từ năm 1956, trở thành tỉnh lỵ Kiến Tường, nó có thêm một sân bay quân sự nhưng vẫn là cái gò thấp trên đồng nước, giao thông trong ngoài tỉnh chủ yếu là đường thủy.

Ốc đảo trên đồng nước

Sau năm 1976, sáp nhập với tỉnh Long An, Kiến Tường đổi tên thành thị trấn Mộc Hóa. Chừng như thị trấn vừa mức với kích cỡ, mức độ đô thị hóa hơn là tỉnh lỵ. Một con đường bộ duy nhất về hướng Đông Nan nối ra Quốc lộ 1A, đường thấp, nền đất yếu, mặt đường loang lỗ nên chỉ sử dụng chủ yếu mùa khô và những năm nước nhỏ. Có giai thoại vui là ông Đặng Trung Tâm, Chủ tịch huyện Mộc Hóa thời ấy đã có văn bản gởi Thủ tướng Võ Văn Kiệt xin kinh phí sửa đường kèm hai câu thơ “Đường về Mộc Hóa gập ghềnh. Trai đi giập… gái về giập…”. Có lẽ Thủ tướng cảm động hoàn cảnh của huyện nên đã duyệt cho mấy trăm triệu để trải đá đỏ, đường khá hơn nhưng cũng chỉ dùng được một mùa khô. Đến mùa nước, từ Mộc Hóa về thị xã Tân An phải đi tàu đò mất đúng một ngày.

Huyện Mộc Hóa thời ấy lớn gồm 5 huyện bây giờ nhưng thị trấn nhỏ như lòng bàn tay. Sông Vàm Cỏ, kinh Dương Văn Dương, rạch Cá Rô bao quanh tứ phía nên đi lại chủ yếu vẫn chỉ là đường thủy. Muốn đi về hướng Tây Bắc, phải qua phà Bình Hiệp; hướng Tuyên Thạnh, Tuyên Bình thì qua cầu dây lắc lẻo. Ông Đặng Trung Tâm nổi tiếng là chủ tịch huyện đi làm bằng xe đạp vì nội ô thị trấn thời ấy cũng chẳng có mấy con đường. Từ trung tâm xuống núi đất, đi ra cửa Đông, xuống chợ, vòng qua cầu Cá Rô, chỉ bao nhiêu đó là hết đường! Nhà cửa phố xá thời ấy còn đìu hiu, chỉ hai dãy phố lầu nằm hai bên chợ cũ và vài con đường chính chủ yếu cũng là đá đỏ bụi mờ. Những năm nước lớn tràn bờ, phố chợ ngập như sông, ngay đường 30-4 đi ngang khu hành chánh huyện cũng ngập qua đầu gối. Xe honda phải trang bị bao chụp bugi và ống nối bô thoát khí cao như ống khói.

Kết nối giao thông, đô thị hóa

Ấy thế nhưng nhờ đầu tư của tỉnh, Trung ương cho chương trình khai thác tiềm năng Đồng Tháp Mười, những cây cầu Cá Rô, Mộc Hóa lần lượt mọc lên. Tỉnh lộ được nâng cấp thành Quốc lộ 62. Từng đoàn dân phía Nam đổ dồn lên khai hoang lập nghiệp. Huyện Mộc Hóa cũ lần lượt được tách ra thành 6 đơn vị. Năm 2013, phần trung tâm là thị trấn Mộc Hóa sáp nhập thêm một số xã Tuyên Thạnh, Thạnh Hưng, Bình Hiệp, Thạnh Trị thành thị xã Kiến Tường và như có phép màu, chỉ một thời gian ngắn Kiến Tường đã như một bé gái vươn mình thành cô thiếu nữ xuân thì.

Năm 2010, tôi theo chân đoàn cứu trợ về thăm Mộc Hóa, thời điểm ấy thị trấn đang chuyển mình chuẩn bị hóa thân thành thị xã. Nơi nơi đều tưng bừng xây dựng các công trình, bắt gặp hàng cây dài ngựa cổ thụ xanh mát dọc đường 30-4 bị đốn hạ, giải tỏa, tôi phát hoảng. Đây là không gian xanh rất ấn tượng như là hình ảnh đặc trưng của tỉnh lỵ Kiến Tường, thị trấn Mộc Hóa một thời. Các anh chị cán bộ thời ấy giải thích đã tính toán kỹ rồi, cũng muốn giữ nhưng không cách gì giữ được. Muốn mở rộng đương phải giải tỏa hàng cây.

Tôi hụt hẫng mất mát với câu hỏi oặn thắt, liệu có trồng được, phải mất bao lâu để phục hồi lại hàng cây xanh ấy? Thế nhưng không lâu, khoảng năm 2015 - 2017, có dịp quay về thị xã Kiến Tường, tôi giật mình kinh ngạc. Phải mất rất lâu tôi mới định vị được điểm đứng của mình, để xác định chỗ này ngày xưa là cái gì.

Cái bờ đất lở lói ngày xưa là bến phà Bình Hiệp bên kia là ngã ba sông Vàm Cỏ với rạch Ông Tờn nay đã là bờ kè bê tông với con đường nhựa khang trang. Đường lên cầu Cái Rô về Tuyên Thạnh Bắc Chan sình lầy thời xưa nay cũng bê tông hóa.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ 3 từ trái qua) về dự Lễ khánh thành Cầu nông thôn ở thị xã Kiến Tường.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ 3 từ trái qua) về dự Lễ khánh thành Cầu nông thôn ở thị xã Kiến Tường.

Các bến sông giờ xuồng đò thưa thớt, lục bình từng đám mọc đầy. Những con đường bê tông thông suốt đã nối thị xã Kiến Tường về các xã nông thôn hẻo lánh như Thạnh Hưng, Thạnh Trị. Tôi bắt xe ôm qua cầu Mộc Hóa về Bình Tân, ngày xưa là vùng đất do đoàn Đồng Tháp 1 khai hoang lập thành làng xã cho dân phía Nam lên lập nghiệp. Ngày đó chỉ lác đác mấy ngôi nhà lợp đưng, vách đất, nhưng nhờ chuyển lúa hai vụ nên đời sống người dân bắt đầu khá lên trù phú. Bình Tân, Làng Mới của tôi giờ đã là đô thị, nhà phố san sát chen chúc với đủ loại hình bán buôn dịch vụ. Tôi hướng về biên giới tìm về cây Trâm Vồ, Láng Đao, tìm những hàng thốt nốt nhưng tầm nhìn che khuất bởi những dãy nhà tầng.

Cửa Đông bụi mù ngày xưa dẫn lên cầu Quản Dài, Quản Cụt cũng đươc tráng nhựa bằng phẳng. Trong nội ô thị xã, tôi chỉ còn nhận ra hai dãy phố chợ nhờ đường nét đặc trưng là những bảng hiệu làm bằng chữ nổi gắn trên mái lầu. Nào là Hồng Hạnh, Đức Hưng… Còn lại là rất nhiều con đường mới, những con đường mang tên danh nhân nổi tiếng nào chứ không còn là những con đường vô danh được gọi tên theo cách dân gian, đường xuống cửa đông, đường ra sân bay, núi đất… thuở nào.

Thị xã màu xanh, hiện thực và ước vọng

Điều tôi băn khoăn thắc thỏm trước đây cũng đã có lời đáp rất vui. Con đường 30 tháng 4 đã có hàng cây mới, cái quảng trường trống đối diện khu hành chính đã thành một công viên khang trang với những dụng cụ tập thể dục công cộng. Không chỉ đường 30-4 mà hầu hết các con đường thị xã đều xanh mát những hàng cây. Kiến Tường không còn lội nước mùa mưa và mù bụi mùa khô.

Đầu năm 2021, về lại Kiến Tường, tôi gặp Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường Nguyễn Văn Vũ. Anh cho biết UBND thị xã đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2021 không giảm so với 2020, dù khó khăn vẫn còn nhiều; trong đó đáng chú ý là các chỉ tiêu phát triển về môi trường, nước sạch và thu gom rác.

Với mắt những người yêu Kiến Tường thì tỉnh lỵ Kiến Tường, thị trấn Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường ngày nay đã vươn mình từ một vùng đất thị tứ nhỏ nhoi gò nổi trên cánh đồng nước mênh mông trở thành đô thị trẻ trung đầy sức sống. Đặc biệt thị xã ấy đã chớm một màu xanh bên cạnh các ngôi nhà mới, màu xanh như nét duyên của cô gái đang xuân. Hy vọng rằng màu xanh ấy sẽ tiếp tục được phủ dày hơn, đậm màu hơn bằng những loại cây đặc hữu để tạo dấu ấn bản sắc cho một thị xã vùng Đồng Tháp Mười, như Hải Phòng với hoa phượng đỏ, hay Nha Trang là thùy dương và cát trắng…

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất