, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 13/02/2023, 06:30

Kinh tế nông nghiệp năm 2023 có lạc quan?

XUÂN LỘC
Năm 2022, kinh tế Việt Nam như con thuyền nhỏ chông chênh giữa biển rộng đầy giông bão, từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng bởi thời kỳ hậu Covid-19 đến cuộc chiến ở Ukraine dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tăng giá nhiên liệu...

Rõ ràng năm qua là một năm đầy thử thách, nhưng có đến nỗi quá bi đát đối với các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp hay không? Và năm 2023 liệu có phải là một năm lạc quan đối với kinh tế nói chung? 

Hãy cùng lắng nghe những trao đổi nhẹ nhàng đầu năm trong chuyên mục Bên tách trà kỳ này với khách mời là ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, ông Hồ Xuân Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group), ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, và ông Nguyễn Văn Mười – Phó trưởng Chi nhánh phụ trách phía Nam Hội Làm vườn Việt Nam. Người mời trà là ông Nguyễn Đức Quang – Phó Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt.

Một năm nhìn lại

Ông Nguyễn Đức Quang: Cảm ơn các vị khách mời đã có mặt tại bàn tròn Bên tách trà trong những ngày đầu năm. Chúng ta đã trải qua một năm đầy biến động và không ít khó khăn, ngành nông nghiệp khó tránh khỏi ảnh hưởng. Trước khi có những dự đoán cho năm 2023, chúng tôi muốn lắng nghe góc nhìn của các khách mời về thị trường chung và việc kinh doanh riêng của từng doanh nghiệp trong năm qua?

Ông Nguyễn Duy Thuận: Năm 2022 tuy còn những khó khăn nhưng nhìn chung, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn giữ vững sự ổn định và đà tăng trưởng. Nền kinh tế dần phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch Covid-19 dù vẫn còn nhiều thách thức như mức lãi suất cao, room tín dụng bị siết chặt. Khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào các hoạt động canh tác để giảm lượng vật tư nông nghiệp, tiết kiệm chi phí, nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản. Chính phủ cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp như: ban hành chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tăng cường cấp mã số vùng trồng, đảm bảo an toàn, truy xuất nguồn gốc, phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, chính sách bình ổn giá phân bón…

Ông Nguyễn Văn Mười: Theo tôi thì năm 2022 không đến nỗi quá khó khăn cho doanh nghiệp, chỉ có xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều. Mà thực ra thì xuất khẩu cũng chỉ giảm sút trong Quý IV do “thấm đòn” từ chiến sự giữa Nga và Ukraine, còn Quý I-II-III năm ngoái thì mức độ tăng trưởng vẫn khá cao. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng phát triển thị trường nội địa, định hướng vào nông sản sạch và an toàn cho người dân Việt Nam, thì dù chỉ là thuyền nhỏ vẫn bình yên tiến ra biển lớn.

Ông Hồ Xuân Hiếu: Tôi có cùng quan điểm với ông Nguyễn Văn Mười, năm 2022 không quá bi đát. Không phải tôi quá lạc quan mà thực tế là trong hai năm qua, doanh thu Sepon Group vẫn tăng 1.000 tỷ mỗi năm. Có lẽ nhờ tập trung kinh doanh theo hai hướng an ninh lương thực và an ninh năng lượng nên dù có những biến động, đứt gãy chuỗi cung ứng thì sản phẩm của chúng tôi vẫn luôn có nhu cầu lớn từ người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đức Quang: Ông có thể giải thích rõ hơn về định hướng phát triển theo hướng an ninh lương thực và an ninh năng lượng mà Sepon Group đang triển khai?

Ông Nguyễn Đức Quang.

Ông Hồ Xuân Hiếu: Danh nhân Lê Quý Đôn từng nói: “Phi thương bất hoạt, phi công bất phú, phi trí bất hưng, phi nông bất ổn”. Tôi làm kinh doanh cũng theo tứ trụ (thương, công, trí và nông) và chú trọng phát triển theo 2 hướng là: an ninh năng lượng và an ninh lương thực. Sáu nông sản chủ lực của Sepon Group bao gồm có cây ngô và lúa ở đồng bằng, gỗ rừng trồng và cao su ở trung du, miền núi thì có cây sắn, có dong riềng. Trong mọi hoàn cảnh, điều kiện thị trường, năng lượng và lương thực luôn là yếu tố thiết yếu cho đời sống con người. Nên làm ra bao nhiêu thị trường sẽ tiêu thụ bấy nhiêu, sản phẩm càng chất lượng thì càng được ưu tiên lựa chọn. Chẳng hạn như sản phẩm lúa hữu cơ, một doanh nghiệp ở Thái Bình đặt hàng chúng tôi đến 200ha nhưng chúng tôi chỉ mới nhận trồng 13ha. Diện tích còn lại đã có đơn đặt hàng rồi. Mỗi tháng, chúng tôi sản xuất khoảng 6.000 tấn viên gỗ nén vẫn “cháy hàng”…

Tập đoàn Sepon phát triển dựa trên mối quan hệ hợp tác với khoảng 60.000 hộ dân ở tỉnh Quảng Trị. Năm ngoái, bà con nông dân thu về hơn 1.000 tỷ đồng từ tiền bán sản phẩm thô. Thu nhập của nông dân trồng lúa khoảng 60 triệu đồng/ha/vụ, còn thu nhập của người trồng dong riềng khoảng 100 triệu đồng/năm. Sepon đã chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống, thức ăn, phân bón cũng như bao tiêu giá và đầu ra sản phẩm nông sản cho nông dân, để họ vừa có cơ hội nâng cao thu nhập vừa có điều kiện thâm canh…

Ông Hồ Xuân Hiếu.

Ông Nguyễn Đức Quang: Tết vừa rồi, báo chí đưa tin Sepon Quảng Trị thưởng tết đồng đều từ Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc đến lao công, bảo vệ là 25 triệu đồng/người… Điều này chứng tỏ doanh nghiệp của ông Hồ Xuân Hiếu vẫn gặt hái được những thành quả ngay trong giai đoạn kinh tế chung không mấy khả quan, xin chúc mừng ông với chiến lược kinh doanh đúng đắn của Sepon trong những năm qua.

Có thể thấy, các khách mời hôm nay đều có cái nhìn lạc quan về năm 2022, vậy còn ông Đoàn Nguyên Đức thì sao, ông có cùng quan điểm với mọi người ở đây?

Ông Đoàn Nguyên Đức: Với góc nhìn của tôi thì năm 2022 là một năm đặc biệt khó khăn. Là người làm ăn ở thị trường Việt Nam mấy chục năm qua, tôi chưa từng thấy có thời điểm nào khó khăn như năm vừa qua, kể cả giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới 2007 - 2008. Tôi thấy ngành nào cũng bị ảnh hưởng dù ít dù nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp. Ngành hàng tiêu dùng cũng không ngoại lệ. Tết vừa rồi, ngay cả các mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, trứng thì sức mua cũng giảm nhiều. Ai cũng thấy thị trường bất động sản là lao đao nhất, các dự án giảm giá đến 40 - 50% cũng không bán được...

Ông Nguyễn Đức Quang: Ông Đoàn Nguyễn Đức từng được mọi người biết đến như người giữ vị trí “số 1” trong thị trường bất động sản TP.HCM vào những năm 2007 - 2012, quyết định rẽ ngang bắt tay vào nông nghiệp của ông khiến không ít người bất ngờ. Đến nay, khi thị trường bất động sản đóng băng, ông đã trở thành ông chủ có tiếng trong ngành trồng trọt, chăn nuôi, với hàng nghìn héc-ta chuối và các cụm nuôi heo với tổng quy mô 300.000 con. Ông có thể chia sẻ đôi điều về các quyết định của mình?

Một trang trại trồng chuối của CTCP Hoàng Anh Gia Lai.

Ông Đoàn Nguyên Đức: Tôi từng làm giàu rất nhanh nhờ BĐS. Nhưng khi đó, tôi nhận ra rằng điều gì vô lý thì không thể tồn tại bền vững được. Một đất nước mà mọi người đua nhau làm giàu từ BĐS là vô lý. Có thể thấy rằng, hầu hết các tỷ phú trên thế giới đều làm giàu từ những con đường bền vững như công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghiệp. Chỉ có ở Việt Nam, muốn làm giàu nhanh người ta chọn đầu tư bất động sản. Thật vô lý khi Việt Nam là một nước nông nghiệp mà không có ông tỷ phú nào từ nông nghiệp cả. Ở Mỹ, một người có mức lương trung bình khoảng 2.000 USD là có thể để dành tiền mua nhà. Còn ở Việt Nam, một người lương tháng vài chục triệu có khi cả đời không mua nổi một nơi để ở. Điều vô lý ấy đã tồn tại hàng chục năm qua, giờ đang bắt đầu sụp đổ. Nay thị trường BĐS phải được xây dựng lại một cách minh bạch, đúng đắn để người dân có nhà.

Nhưng qua những giai đoạn khó khăn thế này, thì doanh nghiệp cũng có thời gian nhìn lại cách kinh doanh, làm giàu của mình. Cách làm giàu nhanh từ vài thương vụ bất động sản không phải là hướng đi bền vững, thậm chí còn khiến nhiều người rơi vào vòng lao lý. Trước đây, khi quyết định chuyển từ BĐS qua nông nghiệp ai cũng chửi tôi là “thằng điên”, nay người ta mới thấy tôi là “thằng đúng”. Khi các đại gia BĐS lao đao, thì từ mấy năm qua, tôi đã xây dựng cả một hệ sinh thái gồm trồng trọt và chăn nuôi, phục vụ bữa ăn cho con người Việt Nam.

Ông Đoàn Nguyên Đức.

Quay lại phục vụ thị trường nội địa

Ông Nguyễn Đức Quang: Ông Đoàn Nguyên Đức có đề cập đến câu chuyện phục vụ bữa ăn cho người Việt Nam. Đây cũng là câu chuyện đáng quan tâm. Với quy mô gần 100 triệu dân, thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thủy sản. Khi người Việt có thói quen dùng hàng Việt, uy tín hàng hóa trong nước được nâng cao, việc nhập khẩu các mặt hàng sẵn có trong nước, sẽ giảm…

Ông Hồ Xuân Hiếu: Đúng vậy, thị trường trong nước rất cần được chú trọng. Những nông sản ngon chúng ta làm ra thì phải ưu tiên phục vụ người Việt mình trước. Với Sepon, chúng tôi tập trung cho hơn 630.000 người dân Quảng Trị trước, rồi mở rộng ra cả nước, sau đó mới tính tới xuất khẩu. Chẳng hạn như gạo của chúng tôi làm không phun thuốc trừ sâu, không phân hóa học, chỉ dùng loại “thuốc” được làm từ trứng gà và sữa, hoặc hỗn hợp ớt cay giã nhỏ ngâm với bia... Toàn bộ việc phun xịt lên cây đều được thực hiện bằng máy bay không người lái. 

Gạo sau thu mua sẽ đưa ngay vào hệ thống sấy với công suất 200 tấn/ngày. Sấy xong, gạo sẽ được cho vào kho bảo quản và lắp cả điều hòa để đảm bảo nhiệt độ luôn ở mức 350C. Hạt gạo thơm, ngọt làm ra, chúng tôi luôn dành 10% cho người dân trồng lúa hữu cơ tại Quảng Trị, sau đó phân phối trong nước (đặc biệt ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM), phần còn lại mới xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Mười: Thị trường trong nước đúng là rất tiềm năng, nhưng doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức. Việt Nam là nước xuất khẩu trái cây và đồng thời cũng là nước nhập khẩu trái cây số lượng lớn, Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2021 (3,55 tỷ USD). Trong khi đó, từ chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả đạt 2,02 tỷ USD, tăng tới 35%. Tại sao người Việt không ăn trái cây chúng ta trồng ra? Phải chăng là người tiêu dùng mất niềm tin vào nông sản Việt?

Tôi đi công tác ở Bình Thuận, được người ta biếu một thùng thanh long. Tôi và các đồng nghiệp đều cảm thán: “Trời ơi chúng tôi chưa bao giờ được ăn loại thanh long ngon và đẹp như vậy!”. Người bán nói rằng “hàng” này chỉ để xuất khẩu chứ không bán ra thị trường trong nước. Tại sao không bán ra thị trường trong nước? Trái cây nhập khẩu ngon và đẹp thì giá nào người Việt cũng mua. Có những loại trái cây giá hàng triệu đồng một ký, mà người mua còn phải đặt hàng trước. Vậy mà những trái cây ngon nhất, đẹp nhất chúng ta lại để dành xuất khẩu, thật vô lý quá!

Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi tư duy đối với thị trường trong nước. Muốn lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước thì chúng ta cần phải thay đổi cách thức làm ăn, đồng thời phải có chương trình tuyên truyền tốt. Nông sản phục vụ người Việt phải đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Trước đây chúng ta quan niệm là phải xây dựng vùng nguyên liệu để xuất khẩu thì nay phải xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho thị trường trong nước. Một vấn đề lớn nữa là chúng ta phải trung thực thì nông nghiệp mới phát triển. Nông dân phải trung thực trong sản xuất, canh tác, trong làm ăn với doanh nghiệp. Và ngược lại, doanh nghiệp cũng cần phải trung thực với nông dân và người tiêu dùng thì mới có thể làm ăn lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Mười.

Ông Nguyễn Duy Thuận: Tôi đồng ý là cần coi trọng sự trung thực trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay việc chế tài cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp để đảm bảo chất lượng nông sản “sạch” nên được ưu tiên, đẩy mạnh để bảo vệ cho nông hộ, doanh nghiệp sản xuất đạt chuẩn, giúp họ mạnh dạn đầu tư để sản xuất sản phẩm chất lượng cao, nông sản sạch vì đây là những khoản đầu tư rất tốn kém, trả trước và sẽ rất khó canh tranh với với những người làm không trung thực.

Còn về thị trường, thì từ khi mở ngành lương thực, mục đích đầu tiên của tập đoàn Lộc Trời là phục vụ người dân Việt Nam, trong nước và nước ngoài được ăn gạo ngon của chính đất nước mình rồi mở rộng thị trường cho khách hàng quốc tế. Tuy nhiên, xuất khẩu cũng không kém phần quan trọng vì việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế không những mang lại doanh thu cao mà còn là cách nâng cao giá trị lúa gạo Việt, thương hiệu Việt. Đó cũng là lý do mà Lộc Trời và các doanh nghiệp lúa gạo dành nhiều sự quan tâm cho thị trường xuất khẩu. Tổng sản lượng gạo sản xuất hàng năm của Việt Nam hiện khoảng 21 triệu tấn/năm, nhu cầu trong nước là 6 - 7 triệu tấn/năm, chỉ chiếm 1/3 tổng sản xuất, chưa kể đã có sẵn an ninh lương thực quốc gia do tự sản xuất.

Ở các thị trường quốc tế, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ngay cả đối với gạo, là rất nghiêm ngặt, Lộc Trời đã dựa vào các tiêu chuẩn này để xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác đảm bảo chất lượng lúa gạo tại các vùng nguyên liệu mà Lộc Trời tham gia tổ chức sản xuất. Chính vì thế, có hiện tượng là các thương lái sẽ ưu tiên mua lúa ở các khu vực này, thậm chí còn tranh mua với cả Lộc Trời.

Ông Nguyễn Văn Mười: Để tránh hiện tượng tranh mua, tranh bán, không giữ hợp đồng thì rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với nhau. Cơ chế, chính sách tài chính liên quan đến liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN về chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhưng đến nay, kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế. Các tổ chức tín dụng chưa có cơ chế cho vay phù hợp với điều kiện liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản ở Việt Nam. Các mối liên kết sản xuất tiêu thụ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Nguyễn Đức Quang: Ngoài câu chuyện chính sách tài chính liên quan đến liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thì hiện còn nút thắt nào đối với sự phát triển kinh tế nông nghiệp nữa không, thưa các ông?

Ông Nguyễn Văn Mười: Kinh tế nông nghiệp Việt Nam có nhiều nút thắt, một trong những nút thắt lớn đó là Luật liên quan đến tích tụ ruộng đất, nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn phục vụ nông nghiệp xuất khẩu. Chính sách, pháp luật về đất đai trong nông nghiệp còn tồn tại nhiều bất cập cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện. Luật Đất đai năm 2013 đã mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, song còn nhiều vấn đề chưa công khai và cũng chưa giải quyết thỏa đáng.

Nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay đã phát triển vượt bậc, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của quốc gia. Đó là vì sự đầu tư của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Đầu tư nông nghiệp là đầu tư đường dài. Muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì luật phải thông thoáng, cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư… phải rõ ràng. Chừng nào các văn bản pháp luật, trong đó có Luật Đất đai, thật sự bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thì doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư, và khi đó nông nghiệp mới phát triển vững mạnh được.

Ông Đoàn Nguyên Đức: Thật sự thì làm nông nghiệp rất cần có sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Không chỉ có Luật Đất đai, mà doanh nghiệp còn cần sự quan tâm về vốn tín dụng tập trung nhiều hơn cho nông nghiệp. Nông nghiệp là ngành nhiều rủi ro, cần vốn nhiều, chính sách tín dụng ưu đãi cũng như sự quan tâm hỗ trợ của nhiều ban ngành. Tôi may mắn được Chính phủ hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, khi đầu tư vào cao su thất bại. Hoàng Anh Gia Lai là trường hợp duy nhất trên cả nước được cho phép tái cấu trúc, tạo điều kiện cho tôi trở lại thương trường.

Ông Nguyễn Duy Thuận: Dòng vốn dành cho nông nghiệp đang bị vướng chung trong việc giải ngân với các ngành kinh tế khác nên có lẽ cũng cần thời gian. Ngoài vốn thì nông nghiệp cũng còn nhiều vướng mắc khác. Vấn đề lớn nhất là việc chưa đồng bộ về quy hoạch ngành lúa gạo liên quan tới vùng trồng, giống lúa, các tiêu chí kiểm soát chất lượng phải đồng bộ, hệ thống liên hoàn các nhà máy sơ chế - kho – vận… hiện tại dẫn đến lãng phí trong chi phí sản xuất của nông dân, làm hao hụt sau thu hoạch lên khoảng 8% (khoảng 3 triệu tấn lúa) và đây là con số rất lớn. Thêm vào đó là mô hình canh tác ứng dụng khoa học, công nghệ để tổ chức sản xuất lớn hay giảm hao hụt sau thu hoạch trên quy mô lớn chưa được ứng dụng rộng rãi. Chênh lệch 5% thuế giá trị gia tăng giữa doanh nghiệp và những người không đăng ký kinh doanh khi bán gạo nội địa cũng là một điều bất hợp lý. Việc này làm cho các doanh nghiệp bị bất lợi trong giá thành cạnh tranh. Thị trường gạo là thị trường tiêu dùng thiết yếu có tỷ lệ lợi nhuận rất thấp, do đó thuế 5% là con số rất lớn cho các doanh nghiệp tham gia cung ứng gạo nội địa.

Ông Nguyễn Duy Thuận.

Tuy còn nhiều khó khăn và thử thách, nhưng nhìn chung Lộc Trời đã vượt qua năm 2022 thành công, phát triển ổn định dựa vào sự đồng tâm hiệp lực của tập thể cán bộ, nhân viên, công nhân Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, sự tin tưởng của bà con nông dân, sự ủng hộ cơ quan chính quyền và một lý do nữa là tập đoàn luôn chú trọng bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

Kinh tế thế giới năm 2023 nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn do lạm phát, lãi suất cao... Tuy nhiên, do tình hình xung đột chính trị tiếp diễn giữa các nước nên đa số người dân sẽ quan tâm đến an ninh lương thực dẫn đến nhu cầu tiêu dùng, tích trữ lương thực tăng cao. Sản lượng gạo hàng năm của Việt Nam vẫn đang ổn định để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, tuy nhiên chi phí sản xuất cao, chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ chưa thật sự bền vững là những bài toán cần giải quyết để nâng cao hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Ông Hồ Xuân Hiếu: Tôi thấy năm 2023 tổng thể là vẫn khó khăn, nhưng lĩnh vực nông nghiệp sẽ có nhiều điểm sáng và thuận lợi vì xã hội có phát triển đến đâu thì con người cũng không thể ăn… Ipad và uống… Samsung mà phải ăn gạo và sản phẩm sạch. Hơn nữa, sau khi đại dịch đi qua thì con người chú tâm đến sức khoẻ hơn, từ đó sẽ kích cầu tiêu dùng nhiều hơn. Còn mưa gió bão lụt thì năm nào cũng có nên chúng ta cũng đã biết và vận dụng linh hoạt để thuận theo tự nhiên, giảm tối đa hư hại mùa màng rồi. Về phía Sepon vẫn tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ mà cụ thể là cây lúa.

Ông Đoàn Nguyên Đức: Năm 2023 theo tôi thì không thể dự đoán được, thậm chí năm nay có thể còn khó khăn hơn năm trước. “Người tính không bằng trời tính” mà. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng dự đoán giá dầu có thể chạm mốc 100 USD/thùng, sau vài tháng thì giá dầu thế giới đã giảm xuống 38 USD/thùng. Tôi cũng từng thất bại với ngành cao su như vậy.

Còn kinh doanh thì còn thất bại và cũng còn thành công. Không ai ở trên đỉnh mãi được, mà doanh nghiệp rơi xuống đáy chưa chắc sẽ không còn tồn tại. Dân mình hay nói, thấy vậy mà không phải vậy. Chọn làm nông nghiệp là cách để kinh doanh bền vững cho tương lai.

Cám ơn các khách mời với những chia sẻ thú vị hôm nay.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất