, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 17/12/2021, 10:30

Kinh tế nông thôn không thuần nông

TS VŨ TRỌNG KHẢI
Kinh tế nông nghiệp hiện đại, trước hết, phải cung cấp đủ nông phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phải truy xuất được nguồn gốc, cho toàn dân và cả xuất khẩu sang các thị trường quốc tế
Hình minh họa.

Canh nông vi bản, nhưng phi công bất phú, phi thương bất hoạt”. Lời dạy của cổ nhân vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì thế, tiến trình phát triển nông thôn toàn diện cần những nội dung cơ bản sau: công nghiệp hóa - hiện đại hóa kinh tế nông thôn nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng trong xu thế kinh tế số, toàn cầu hóa. 

Kinh tế nông nghiệp hiện đại, trước hết, phải cung cấp đủ nông phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phải truy xuất được nguồn gốc, cho toàn dân và cả xuất khẩu sang các thị trường quốc tế khó tính, mang lại giá trị gia tăng cao nhờ tận dụng được ưu thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Kinh tế nông nghiệp phải đảm bảo an ninh dinh dưỡng cho toàn dân (không chỉ là an ninh lương thực). Điều đó có nghĩa là mọi lúc, mọi nơi, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, người dân Việt Nam cũng đều có khả năng mua lương thực, thực phẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của mình. Hơn nữa, nông phẩm được làm ra không chỉ đảm bảo nhu cầu về số lượng mà còn cả chất lượng, ngon và bổ dưỡng.

Một nền nông nghiệp hiện đại phải được phát triển trên cơ sở tận dụng lợi thế so sánh của mỗi vùng, tiểu vùng kinh tế sinh thái của đất nước, không phải theo đơn vị hành chính, tỉnh, huyện, xã như hiện nay. Phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị của từng ngành hàng nông sản, với trụ cột là các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư, tiền vốn và công nghệ hiện đại cho nông nghiệp, là các trang trại gia đình (kinh tế nông hộ) sản xuất hàng hóa quy mô lớn, do các nông dân chuyên nghiệp quản lý bằng kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ cao, số hóa. Một nền nông nghiệp hiện đại phải coi rừng tự nhiên là một yếu tố thiết yếu nhất của kết cấu hạ tầng sinh thái quốc gia. 

Kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn bao gồm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi làng, mỗi vùng miền, các ngành dịch vụ cho đời sống của cư dân và cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp. Do mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp nhận đầu tư nước ngoài trên quy mô lớn, nên ở những đô thị đã hình thành và phát triển những ngành công nghiệp và dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những khu công nghiệp tập trung quy mô lớn và các siêu đô thị, tuy văn minh nhưng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong khi đó, kinh tế nông thôn vẫn còn lạc hậu. Điều đó đã tạo ra nền kinh tế nhị nguyên, mất bình đẳng sâu sắc giữa đô thị và nông thôn. Để khắc phục tình trạng này, nhất thiết phải hiện đại hóa và đa dạng hóa kinh tế nông thôn. 

Từ xưa, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đều được cha truyền con nối, sản xuất tại nơi cư ngụ. Vì thế, khi quy mô sản xuất mở rộng, phải thuê thêm nhiều nhân công ngoài gia đình, cần thiết hình thành nên các loại hình doanh nghiệp khác nhau theo Luật Doanh nghiệp hiện hành. Cần quy hoạch và xây dựng các cụm sản xuất tập trung sao cho làng chỉ còn là nơi cư ngụ của người dân với những hoạt động dịch vụ đời sống thường ngày. Việc đào tạo nguồn nhân lực lành nghề cũng phải được chuyên nghiệp hóa, không chỉ dựa vào “cha truyền con nối”, bằng việc thiết lập các trường nghề ở cả khu vực tư và công, với những chính sách ưu đãi của Chính phủ về tài chính, đất đai…

Đối với các ngành công nghiệp mới lại càng phải quy hoạch và xây dựng các khu sản xuất tập trung ở những vùng đất sản xuất nông nghiệp không thuận lợi và không phá vỡ tính hệ thống của các công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông của vùng đất sản xuất nông nghiệp. Ở các khu công nghiệp này, nhất thiết phải xây dựng các cơ sở xử lý chất thải, bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải ưu tiên sử dụng người lao động địa phương, để họ chỉ ly nông mà không ly hương. Đồng thời nhất thiết phải xây dựng các khu dân sinh, có nhà ở xã hội, đầy đủ tiện ích công cộng và dịch vụ của đô thị văn minh cho người lao động, hình thành nên những đô thị nhỏ ở các vùng nông thôn, làm giảm tải cho các siêu đô thị.

Khi những miền quê đã đầy đủ tiện ích công cộng và dịch vụ như thành phố, lại bảo tồn được các di tích lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể, thì nó có thể trở thành nơi du lịch đối với cư dân thành phố và các miền quê khác, thậm chí cả cho du khách nước ngoài. Du khách có điều kiện trải nghiệm lối sống, phương cách sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống, thưởng thức ẩm thực bản địa, thưởng ngoạn các giá trị văn hóa, lịch sử mang đậm nét giá trị của mỗi ngôi làng. Cư dân làng sẽ đầu tư nâng cấp nhà ở để đón du khách “homestay”, cùng với cách chế biến ẩm thực riêng của mỗi làng.

Như vậy, kinh tế nông thôn không còn thuần nông mà có cả các ngành tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp hiện đại, dịch vụ và du lịch trải nghiệm. Ưu thế của nông thôn so với đô thị chính là không gian sống rộng, thoáng đãng và môi trường trong lành. Có thể thu nhập của họ không cao hơn dân đô thị nhưng chắc chắn môi trường sống của họ luôn trong lành hơn và đặc biệt là quan hệ con người ấm cúng trong một thiết chế xã hội nêu bật được tính nhân văn, đó là tình người. Lúc đó, chúng ta sẽ có những miền quê đáng sống. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất