, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 15/09/2022, 19:54

Kinh tế số là nền kinh tế của tương lai

KIM NHÃ
Đó là nhận định của TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tại hội thảo “Diễn biến kinh tế 2022 – 2023 và những khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại TP.HCM vào sáng 15/9.

Tại buổi hội thảo, các diễn giả đã cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kinh tế Thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng cùng những dự báo trong thời gian tới. Qua đó, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế hiện nay ở các quốc gia xuất khẩu lớn của Việt Nam, các xu hướng tiêu dùng sắp tới và những gì Việt Nam cần thay đổi nhằm nắm bắt được cơ hội cũng như vươn tới các thị trường tiềm năng.

Trong phần chia sẻ của mình, Ts. Lê Đăng Doanh cho biết, nền kinh tế số toàn cầu đang có sự phát triển nhanh chóng với giá trị vào khoảng 3 nghìn tỷ USD, chiếm tỷ trọng 3,8% nền kinh tế toàn cầu vào năm 2016. Sự phát triển kinh tế số còn thể hiện ở việc có khoảng 200 thành phố trên toàn thế giới dự kiến xây dựng thành phố thông minh. 

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét kinh tế số là nền kinh tế của tương lai.

Nền kinh tế số của khu vực ASEAN đã có những đột phá trong những năm gần đây và đặc biệt là trong 2017. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số khu vực ASEAN năm 2017 đã vượt kỳ vọng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt 27%/năm và đạt mốc 50 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP của khu vực (dự kiến sẽ đạt 6% GDP vào năm 2025).

Để bắt nhịp với xu hướng kinh tế số, theo ông Doanh, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào nguồn nhân lực, trang thiết bị, khoa học – công nghệ và phải điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh sao cho năng động hơn.

Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, ông Doanh cho biết điều quan trọng nhất là sửa luật đất đai, tạo điều kiện cho nông nghiệp chuyển sang quy mô lớn, sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn để có thể cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, ứng dụng nông nghiệp số để nâng cao hiệu quả của nền nông nghiệp, cho ra các sản phẩm có chất lượng và giá trị xuất khẩu cao.

Đồng quan điểm, chuyên gia quản trị doanh nghiệp Đỗ Hoà cho rằng, một trong những xu hướng chủ đạo dẫn dắt thị trường sắp tới là tác động của công nghệ và nền tảng thương mại điện tử. Để phát triển bền vững trước các biến động hết sức khó lường hiện nay của kinh tế thế giới như lạm phát, xung đột, đứt gãy chuỗi cung ứng... doanh nghiệp cần tập trung củng cố nội lực, chú trọng công tác nghiên cứu phát triển (R&D), chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật để cho ra các sản phẩm chất lượng cao do chính mình sản xuất mới có được tương lai tốt hơn.

Chuyên gia quản trị doanh nghiệp Đỗ Hoà phát biểu tại hội thảo.

Riêng đối với các mặt hàng nông sản có tính chất đặc trưng của vùng nhiệt đới, theo ông Hòa, cần theo dõi sát giá dầu để tính toán việc xuất khẩu. 

“Trước đây hàng hóa nông sản của chúng ta có lợi thế vì giá rẻ nhưng hiện nay giá nhiên liệu tăng cao, thời gian vận chuyển hàng lâu, đứt gãy chuỗi cung ứng... đã làm một số nước có xu hướng chuyển sang mua của các quốc gia có khí hậu nhiệt đới khác có khoảng cách địa lý gần hơn”, ông Hòa nhận định.

Ông Hòa cũng gợi ý cho các doanh nghiệp về việc khai thác các thị trường tiềm năng ở gần chúng ta trong bối cảnh vận chuyển quốc tế gặp khó khăn, tiêu biểu là thị trường ASEAN. Để tiến tới các thị trường này, doanh nghiệp cần bỏ công sức để nghiên cứu xây dựng chiến lược kinh doanh, kênh phân phối... 

“Nhưng về lâu dài, nếu hàng hóa Việt Nam không xuất khẩu đi các nước trong khu vực được, thì chúng ta cũng sẽ không giữ được thị phần trên sân nhà”, ông Hòa nhấn mạnh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất