, //, :: GTM+7

Kinh tế sông - thế mạnh chưa khai thác hết ở ĐBSCL

TÂN THÀNH
Với mạng lưới sông và kinh, rạch dày đặc, vùng ĐBSCL có ưu thế lớn về phát triển kinh tế sông.
Vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy trên sông Hậu.

Chỉ tính riêng giao thông thủy, ĐBSCL có khoảng 26.550km sông tự nhiên thuận lợi cho phát triển lĩnh vực này; trong đó, có trên 5.000km sông, kinh, rạch cho phép phương tiện thủy trọng tải trên 100 tấn đi lại dễ dàng. Lợi thế là vậy nhưng lâu nay, nhiều địa phương vẫn chưa khai thác hết.

Lợi thế còn bỏ ngỏ

TS Trần Văn Hiếu của Đại học Cần Thơ cho rằng: “Dù chưa có định nghĩa đầy đủ về kinh tế sông nhưng có thể hiểu nó bao gồm những hoạt động khai thác lợi thế của sông ngòi cho mục tiêu phát triển kinh tế, phát triển sản xuất và đời sống. Các hoạt động này khá đa dạng, như vận tải thủy, phát triển du lịch trên sông, nuôi trồng thủy sản trên sông, sử dụng nguồn nước sông cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt. Ngoài ra, còn có thể xây dựng thủy điện và khai thác các tài nguyên dưới lòng sông…”.

Đồng quan điểm trên, TS Bùi Ngọc Hiền thuộc Học viện Cán bộ TP.HCM nhấn mạnh thêm: “Sông mang lại nhiều lợi ích khác nhau như cung cấp phù sa cho đất, cung cấp thủy sản và nguồn nước phục vụ sản xuất, chăn nuôi, sinh hoạt của con người… Nhờ lượng phù sa dồi dào bồi đắp hàng năm mà vùng ĐBSCL có đất đai phì nhiêu, là nơi sản xuất và cung cấp lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái chủ lực của cả nước. Hệ thống sông dày đặc cũng giúp vùng ĐBSCL có mật độ đường thủy cao nhất cả nước, đạt tỷ lệ 0,61km/km2. Hệ thống sông, rạch cũng giúp môi trường tự nhiên của ĐBSCL được bảo vệ trước tác động tiêu cực của đô thị hóa, biến đổi khí hậu; tạo ra nhiều hướng sinh kế cho người dân và thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch đường thủy phát triển…”.

Dù thế mạnh là vậy nhưng nhiều năm qua, kinh tế sông ở nhiều địa phương ĐBSCL lại chưa được khai thác hiệu quả. Nhiều con sông, kênh, rạch lớn vẫn chỉ là dòng chảy không tải, ít lợi nhuận, chưa tương xứng với tài nguyên mà thiên nhiên ưu đãi.

Kênh Chợ Gạo, tuyến giao thông thủy huyết mạch từ ĐBSCL đi TP.HCM.

Cần tăng cường đầu tư, khai thác

Thạc sĩ Võ Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng các địa phương cần học cách khai thác tối ưu những giá trị từ sông nước theo nguyên tắc phát triển bền vững. Muốn vậy, phải tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động của kinh tế sông, nhất là khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng như các nguồn lợi từ sông thông qua việc ban hành và áp dụng các quy định, tiêu chuẩn một cách thật đồng bộ, chặt chẽ. 

Song song đó là tăng cường huy động các nguồn lực, nhất là tư nhân, trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương trong vùng ĐBSCL về quản lý tài nguyên nước một cách hợp lý…

Còn theo đề xuất của TS Trần Văn Hiếu, các địa phương và ngành chức năng nên tìm cách phát triển vận tải thủy, bởi giao thông đường sông rất quan trọng nhưng lâu nay chưa được khai thác, đầu tư đúng mức. Tới đây, vận tải đường sông ở ĐBSCL cần được chú trọng mạnh hơn, bắt đầu bằng việc nâng cấp ngay các cảng thủy nội địa, xây cảng biển quốc tế trong khu vực; đầu tư thiết bị dẫn đường; nâng độ tĩnh không đường thủy; nạo vét luồng lạch… làm cơ sở phát triển mạnh mẽ ngành logistics. 

Ngoài ra, cần có ngay những giải pháp căn cơ và hiệu quả để quản lý tốt việc khai thác cát dưới lòng sông, bởi cát là nguồn tài nguyên khá lớn của các con sông ở ĐBSCL đồng thời là yếu tố quan trọng giúp ổn định dòng chảy các con sông; quản lý tốt nghề nuôi thủy sản trên sông để vừa bảo vệ nguồn nước vừa phát triển sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó là những giải pháp phát triển du lịch đường sông một cách bền vững; có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư du lịch trên sông, ven sông...

Khai thác thủy sản trên sông Hậu.

Bàn về các giải pháp phát triển kinh tế sông, các nhà khoa học và các nhà quản lý cùng thống nhất rằng trước tiên phải xác định đúng vai trò của kinh tế sông để trên cơ sở đó xây dựng cơ chế quản lý hệ thống sông của vùng ĐBSCL, tiến tới xây dựng lộ trình khai thác, phát triển kinh tế sông một cách phù hợp. Các bên cũng thống nhất cần tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng về khai thác lợi thế của hệ thống sông, kênh, rạch; ngoài ra chú trọng hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế sông ở ĐBSCL…

Nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước trong việc quản lý và khai thác hiệu quả lợi thế từ các dòng sông, PGS.TS Từ Văn Bình (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng một trong những vấn đề đầu tiên mà Chính phủ cần ưu tiên là dành nguồn lực và tập trung phát triển hệ thống thủy lợi, dịch vụ logistics trong vùng; khai thác tốt các lợi thế phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, du lịch… trên tinh thần đảm bảo sự phát triển của môi trường và hạn chế tối đa thiệt hại cũng như các tác động xấu đến đời sống của người dân trong quá trình khai thác.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất