, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 14/11/2022, 10:53

Kinh tế tuần hoàn và những giá trị vô hình

XUÂN LỘC
Những câu chuyện được chia sẻ tại buổi tọa đàm: “Phá vỡ bí ẩn kinh tế tuần hoàn”, do Trung tâm BSA tổ chức tại TP.HCM vào cuối tuần qua đã cho thấy “Kinh tế tuần hoàn” không phải là một khái niệm gì đó trừu tượng, xa vời. Nó là xu thế tất yếu của mọi nền kinh tế và mang lại giá trị vô hình rất lớn.
Các đại biểu tham dự tọa đàm “Phá vỡ bí ẩn kinh tế tuần hoàn" ngày 12/11 vừa qua.

Nói một cách đơn giản, trong kinh tế tuần hoàn thì mọi chất thải ra đều được tận dụng để làm nguyên liệu cho những quy trình sản xuất mới, không thứ gì bị vứt đi và cũng không gây hại môi trường, đất đai, nguồn nước. Và nông nghiệp hữu cơ chính là yếu tố quan trọng nhất để tối ưu kinh tế tuần hoàn. 

Thực ra, từ nhiều năm trước, khi chưa có phân hóa học, thuốc trừ sâu, ông bà ta đã làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Người xưa đã tận dụng phân bò, phân heo ủ cùng rơm rạ, vôi bột để làm phân bón cho ruộng vườn, cây trái. Hay người ta ngâm hành tăm với nước rồi phun xịt lên cây trừ sâu bọ, nấm lá… Theo đó, mọi phế phẩm đều được tận dụng trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi. Ngày nay, kinh tế tuần hoàn có giá trị hơn, hiệu quả hơn và rút ngắn thời gian nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ vi sinh. 

Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển cho biết: “Kinh tế tuần hoàn xem như cách tiếp cận đến kinh tế bền vững, phát triển kinh tế nông nghiệp mà không gây hệ lụy về môi trường, thậm chí tạo ra giá trị tái sinh: môi trường, đất đai, văn hóa truyền thống…”.

Rõ ràng, việc canh tác hữu cơ, cùng sự giúp sức của công nghệ vi sinh đã giúp “tái sinh” cho những vùng đất bạc màu vì phân hóa học. Công nghệ vi sinh cũng đã giúp “biến hóa” những phế phẩm từ các lò mổ, các nhà máy chế biến hải sản thành thức ăn chăn nuôi nhiều dinh dưỡng. Nếu không tận dụng kinh tế tuần hoàn, thì hàng ngàn tấn phế phẩm này sẽ gây ô nhiễm môi trường đến mức nào. 

Không chỉ vậy, việc “tái sinh” cho phế phụ phẩm nông nghiệp còn giúp mang lại nguồn lợi về kinh tế. Chẳng hạn như câu chuyện của ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình. Trong nhiều năm qua, ông Thiện đã tận dụng rơm để trồng nấm; trấu được ép viên để xuất khẩu; cám vàng được chế biến thành dầu cám xuất khẩu. Đặc biệt là tận dụng bã bột gạo mang lại kinh tế lớn. 

“Giá trị dinh dưỡng của bã bột gạo có giá trị bằng một nửa bã nành, nên có thể thay thế để làm thức ăn cho gia súc. Mỗi năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu bã đậu nành để làm thức ăn chăn nuôi. Trong khi chúng ta có một lượng bã bột gạo có sẵn mà không tận dụng”, ông Thiện cho biết. 

Ý tưởng mới mẻ này của ông Thiện đã giúp tăng giá trị cho ngành bột gạo Sa Đéc, và được PGS-TS Nguyễn Hồng Quân gọi đây là mô hình “nông nghiệp tái sinh”. 

Cũng là một người rất chịu khó sáng tạo trong việc kinh doanh, anh Phạm Đình Ngãi – CEO Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm), đã phát triển trồng dừa lấy mật quy mô lớn trên quê hương mình. 

“Trà Vinh quê tôi có những vùng đất ngập mặn sâu, cây dừa trồng ở vùng đất này thường bị giảm sản lượng trái từ 30-70%. Khi nghiên cứu về cây dừa, tôi thấy đồng bào Khmer Trà Vinh có sản phẩm mật hoa dừa rất độc đáo và giá trị. Tuy nhiên người dân chỉ tự thu mật để dùng cho cuộc sống hàng ngày mà chưa ai mang ra trao đổi, mua bán hay chế biến thành các sản phẩm thứ cấp. Vì vậy, tôi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn, ứng dụng công nghệ để tạo ra nhiều nhiều sản phẩm từ mật hoa dừa”, anh Ngãi chia sẻ.

Đến nay, sản phẩm từ mật hoa dừa của anh Ngãi không chỉ phủ khắp nhiều tỉnh thành mà còn xuất khẩu đi Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Mỗi tháng doanh nghiệp của anh Ngãi thu về hơn một tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân Khmer trên địa bàn.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân, CEO của Faslink chia sẻ tại tọa đàm

Trong khi đó, cách làm kinh tế tuần hoàn của Công ty Cổ phần Kết nối thời trang Faslink lại mang lại những giá trị văn hóa, giúp thương mại hóa thành công rất nhiều loại sợi bền vững của Việt Nam. Bà Trần Hoàng Phú Xuân, CEO của Faslink cho biết doanh nghiệp này đã ứng dụng các giải pháp nguyên liệu xanh, giải pháp bền vững từ sáu năm qua, và đang được nhiều lợi ích từ việc nghiên cứu thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn này. Faslink cũng là đơn vị tiên phong trên thế giới thương mại hóa sơ mi bamboo (vải sợi tre)… và đến nay đã bán được hàng chục triệu sản phẩm. 

“Đơn giản như với những thứ bỏ đi của ngành khác sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho chúng tôi, những sản phẩm sợi từ bã cà phê là một ví dụ. Nguyên liệu cà phê đã được chúng tôi sử dụng để làm áo polo, sơmi, đồ lót và vớ…”, CEO của Faslink cho biết. 

Bên cạnh đó, để thành công trong việc tái sinh những thứ “vứt đi này”, theo bà Xuân thì cần những ý tưởng, sáng tạo và đầu tư cho công nghệ sản xuất. Cả hai yếu tố này đều là thử thách lớn với doanh nghiệp nhưng là xu thế tất yếu, để hướng đến một nền kinh tế bền vững. Quy trình sản xuất của Faslink giúp tiết kiệm nước và đảm bảo cho sức khỏe cho người dùng. Nếu bã cà phê không được tái chế một cách hợp lý thì đâu đó sẽ tạo ra khí metan – thành phần chính tạo nên hiệu ứng nhà kính. 

Có thể thấy, “kinh tế tuần hoàn tạo ra những giá trị vô hình rất lớn, không chỉ cho sức khỏe mà còn cho môi trường, hệ sinh thái của chúng ta”, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân khẳng định. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất