, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 12/02/2019, 18:44

KTS Hoàng Thúc Hào và những miền quê xa vắng

VŨ SƠN - ANH THƯ

Là một trong số ít kiến trúc sư (KTS) mải miết đi xây dựng công trình ở những vùng quê xa xôi, thậm chí hẻo lánh, có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, KTS Hoàng Thúc Hào, Trưởng Văn phòng Kiến trúc 1+1>2, người đã từng nhận được nhiều giải thưởng kiến trúc uy tín quốc tế và trong nước, luôn tìm cách để đưa vào công trình của mình yếu tố bản địa nhiều nhất có thể.

“Niềm say mê với những vùng đất hẻo lánh, với những khu vực nghèo, những cộng đồng khó khăn… đã là động lực để KTS hạnh phúc trong công việc, đem lại hạnh phúc cho người sử dụng. Hạnh phúc thể hiện qua từng công trình, từng chi tiết xử lý không gian, ánh sáng, công năng và tạo nên hồn cốt, sức sống để chúng trở thành những tác phẩm kiến trúc thực thụ ở những khu vực dường như không tồn tại kiến trúc”, PGS.TS, KTS Phạm Hùng Cường, Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc – Quy hoạch, Đại học Xây dựng (Hà Nội) đã từng nhận xét như vậy.

Nông thôn Việt giới thiệu một số công trình kiến trúc ở nông thôn mà KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự đã từng xây dựng.

NHÀ CỘNG ĐỒNG CHIỀNG YÊN

Nhà cộng đồng Chiềng Yên
Nhà cộng đồng Chiềng Yên

Xã Chiềng Yên nằm giữa rừng già nguyên sinh, nơi giáp ranh giữa hai huyện Vân Hồ (Sơn La) và Mai Châu (Hòa Bình). Thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, có suối cá thần, suối nước nóng tự nhiên... Cảnh sắc và khí hậu trong lành, có điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng. Cộng đồng sinh sống ở đây chủ yếu là 5 dân tộc: Kinh, Thái, Mường, Dao, Mông...

Vị trí xây dựng Nhà cộng đồng - trung tâm đa chức năng, vừa là trạm thông tin, không gian hội họp dân làng, vừa là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tổ chức sự kiện... - được cân nhắc kỹ lưỡng, để thuận tiện cho người dân tiếp cận và tạo được điểm nhấn đối với khách du lịch.

Công trình lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc khăn đội đầu của người dân tộc với nhịp điệu thác nước quanh năm tung bọt trắng xóa giữa vùng không gian đồi núi êm đềm, huyền ảo, tạo điểm nhấn vừa lạ vừa quen; đáp ứng được những tiêu chuẩn kiến trúc xanh với tường gạch không nung, kết cấu khung tre, gỗ, mái vọt xòe rộng che chắn, giải quyết gần như triệt để nắng nóng hướng Tây.

“LÀNG ĐẤT” NẬM ĐĂM

Nhà cộng đồng kết hợp homestay Nậm Đâm
Nhà cộng đồng kết hợp homestay Nậm Đăm

Nậm Đăm là một làng dân tộc thiểu số tại huyện Quản Bạ, Hà Giang, cực Bắc Việt Nam. Tồn tại trên những đỉnh núi, được bao bọc bởi rừng già nguyên sinh và ruộng bậc thang tuyệt đẹp, ngôi làng có bản sắc văn hóa vô cùng phong phú.

Người dân nơi đây biết cách sử dụng vật liệu tại chỗ xây nhà tường trình đất. Tuy vậy, cuộc sống người dân nơi đây vẫn nghèo, vô cùng khó khăn khi bị cô lập bởi những dãy núi cao, không có sự kết nối với nhau và các cộng đồng khác, nhà ở liền với chuồng gia súc làm cho môi trường sống ô nhiễm, dịch bệnh lây lan.

Mỗi năm chỉ có duy nhất một vụ thu hoạch hoa màu do đất nông nghiệp hạn chế, khí hậu khắc nghiệt. Trước tình hình đó, cộng đồng làng đã “tự cứu lấy mình” bằng cách phối hợp với các kiến trúc sư, tổ chức NGO Caritas Thụy Sỹ để di dời xuống núi, xây dựng ngôi làng mới thành một quần cư nhằm phát triển du lịch, cải thiện chất lượng cuộc sống, duy trì và phát huy bản sắc.

Từ 2009 đến 2015, 50 ngôi nhà được xây, phục vụ thiết thực đời sống và thúc đẩy du lịch; được quy hoạch từng cụm 4 - 6 nhà quây quần bên nhau, hỗ trợ nhau khi hoạn nạn.

Người dân trong cụm đào 1 cái ao lấy đất làm nhà, chuồng trại và hệ thống bioga dùng chung, được quy hoạch cùng một chỗ để tiết kiệm và hiệu quả hơn, tạo ra một quần cư đoàn kết gắn bó.

Để xây dựng nhanh và tiết kiệm, dân làng đã “cho nhau vay ngày công lao đông”, chia thành các nhóm thợ tự giúp nhau xây nhà.

Có 4 mẫu nhà điển hình được thiết kế khắc phục hạn chế của mẫu nhà cổ, vừa đảm bảo tính đa dạng kiến trúc, phù hợp kinh tế, linh hoạt trong không gian sử dụng vừa tiện nghi.

Từ những gia đình cô lập trên đỉnh núi, không có việc làm và thu nhập ổn định, phải bám trụ vào thiên nhiên thì nay, sau 6 năm hình thành, “Làng đất” bước đầu đã góp phần ổn định cuộc sống cư dân trên chính nền tảng kế thừa và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa. Các tác giả mong muốn mô hình nông thôn mới này được nghiên cứu, nhân rộng cho địa phương khác.

XÓM MÍT

Khu đất dự án tại thôn Trại Láng, xã Cổ Đông, Cổ Lạc, thị xã Sơn Tây, diện tích 1.7ha với hồ nước bao bọc phía Nam và Tây Nam.

Xóm Mít nhìn từ trên cao
Xóm Mít nhìn từ trên cao

Hiện trạng đặc biệt có 38 cây mít, 13 cây bưởi – là những cây điển hình nông thôn Bắc bộ, phần trung tâm cao ráo chính giữa và thấp dần về phía hồ.

Từ hạt nhân là nhà thờ họ ở trung tâm (vừa là không gian thờ cúng, vừa là không gian sinh hoạt cộng đồng, không gian thiền) tỏa ra các đơn vị ở nương quyện vào gốc mít, gốc bưởi, tận dụng bóng mát, cho các sân chơi xen kẽ. Sàn nhà kênh lên mặt đất chống nồm, chống mối và đảm bảo thoát nước mặt tự nhiên, không che khuất tầm nhìn ra hồ.

Mỗi công trình là một trải nghiệm riêng thú vị, cộng sinh tối đa với thảm thực vật và địa hình. Toàn bộ vật liệu bao che công trình sử dụng gạch đất không nung, mái lá cọ xòe rộng. Đây là những vật liệu địa phương, thân thiện, tạo nhiều bóng đổ bản thân và giảm tối đa bức xạ nhiệt. Hệ thống xử lý nước thải kỹ thuật đặt cuối hướng gió.

Các hộ gia đình đều có bể phốt sinh thái 5 khoang. Áp dụng mô hình nông nghiệp với vườn rau, cây ăn quả, nuôi cá lồng, cung cấp thực phẩm sạch hằng ngày. Các hộ xóm Mít chung tay mở khu dịch vụ: ẩm thực địa phương, bể bơi, bungalow cho các nghệ sĩ… góp phần cải thiện thu nhập, tăng chất lượng cuộc sống.

Dự án được xây dựng với mong muốn kiến tạo một không gian sống bình dị, thân thiện, một hình ảnh nông thôn mới cho làng quê Việt trong bối cảnh bùng nổ đô thị và kinh tế thị trường.

TRUNG TÂM CỘNG ĐỒNG CẨM THANH

Nhà cộng đồng Cẩm Thanh
Nhà cộng đồng Cẩm Thanh

Nằm giữa phố cổ Hội An và bờ biển, Cẩm Thanh là khu sinh thái đặc biệt quan trọng. Đây là vùng cửa sông ngập mặn, đặc trưng rừng dừa, kênh rạch chằng chịt với những làng nhỏ thấp thoáng giữa cánh đồng xanh ngát. Dù nhiều tiềm năng, song Cẩm Thanh vẫn là khu vực nghèo, đời sống người dân khó khăn, thiếu thốn.

Tại trung tâm xã, một quần thể công trình được xây dựng, gồm sân chơi trẻ em, vườn rau hữu cơ, sân thể thao và nhà cộng đồng – vừa là nơi tập huấn ứng phó biến đổi khí hậu, vừa là không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao. Trong dài hạn, đây sẽ là trung tâm thử nghiệm nông nghiệp hữu cơ, tổ chức nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm canh tác.

Trung tâm cộng đồng Cẩm Thanh lấy cảm hứng từ hình ảnh sân trong, mái dốc phố cổ, kết hợp vườn cau, giàn dây leo đặc trưng thôn dã; là gợi ý cho những nghiên cứu, thí điểm tại các khu vực nông thôn chịu tác động của quá trình đô thị hóa, góp phần dần định hình bản sắc kiến trúc nông thôn mới Việt Nam .

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.
Nổi bật
Được quan tâm


Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất