, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 11/07/2022, 13:11

Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn

BAN DUNG
Rời cảng Sa Kỳ, con tàu rẽ sóng lướt nhanh về hướng huyện đảo Lý Sơn, đưa tôi đến với hành trình khám phá hòn đảo kỳ bí.
Biển Lý Sơn.

Ẩn mình giữa đại dương bao la, Lý Sơn khoác trên mình vẻ đẹp hoang sơ với những bãi biển trong xanh, núi non hùng vĩ. Đặc biệt, cả 5 ngọn núi hình thành nên đảo Lý Sơn ngày nay đều chính là những miệng núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước.

Những trải nghiệm không thể nào quên

Theo các nghiên cứu khoa học, riêng huyện đảo Lý Sơn có tới hơn 10 miệng núi lửa đã được phát hiện. Trong số đó, có những miệng núi lửa lộ thiên và có cả những miệng núi lửa chìm ngầm dưới đáy đại dương. Quá trình phun trào dữ dội của núi lửa hàng triệu năm trước đã hình thành nên những di sản địa chất độc đáo, vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ chỉ có ở đảo Lý Sơn.

Một góc thanh bình trên đảo.

Đứng trước cổng Tò Vò – một trong những biểu tượng của Lý Sơn - tôi không khỏi bất ngờ trước sự khéo léo của tạo hóa. Được hình thành từ dòng nham thạch núi lửa đông lại do gặp nước, cổng Tò Vò trông như một vòm cổng có hình dạng độc đáo vắt ngang bờ biển. Xung quanh cổng Tò Vò là bãi đá nham thạch đen bóng, đủ mọi hình dáng ẩn hiện trong làn nước biển trong veo. Đặc biệt, Lý Sơn còn có một cổng Tò Vò dưới nước thuộc đảo Bé (xã đảo An Bình). Đây cũng là vòm đá được hình thành trong quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm. Đối với những người yêu thích bộ môn lặn, cổng Tò Vò dưới nước là một điểm khám phá vô cùng thú vị không thể bỏ qua khi đến Lý Sơn. Ngoài ra, bên dưới đại dương nơi đây còn ẩn chứa một thế giới muôn màu tuyệt đẹp của những rạn san hô.

Không chỉ quyến rũ vì mỹ cảnh, Lý Sơn còn là nơi lưu giữ những câu chuyện của lịch sử. Theo sử sách ghi lại, Lý Sơn chính là quê hương Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải – thế hệ lính đảo đầu tiên theo lệnh Chúa Nguyễn chèo thuyền tới các đảo Hoàng Sa, Trường Sa để làm nhiệm vụ khai thác sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc chủ quyền và bảo vệ biển đảo quê hương.

Khách tham quan Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải sẽ được tận mắt ngắm nhìn những hiện vật về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải như chiếu cói, dây mây, nẹp tre, thẻ tre… Đó là những vật dụng mà binh lính Hải đội Hoàng Sa xưa thường phải mang theo trong mỗi chuyến đi, lỡ gặp chuyện chẳng lành giữa trùng khơi, đồng đội sẽ dùng để bó xác thả xuống biển với ước mong nhờ sóng biển đưa về đất mẹ. Tại Nhà trưng bày còn lưu giữ các bản đồ thể hiện chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài ra, trên đảo Lý Sơn còn có rất nhiều di tích gắn liền với Hải đội Hoàng Sa như Âm linh tự - nơi tế tự các âm linh trước mỗi lần Hải đội Hoàng Sa lên thuyền ra khơi và cũng là nơi tế tự lính Hoàng Sa; khu mộ gió lính Hoàng Sa; nhà thờ Chánh đội trưởng thủy quân suất đội của Hải đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh, nhà thờ Chánh đội trưởng thủy quân suất đội của Hải đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết… Đặc biệt, vào ngày 16/3 âm lịch hàng năm, tại huyện đảo Lý Sơn còn diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Phát triển du lịch cộng đồng

TS Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong thuộc trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, nhớ lại từ lần đầu tiên đến với đảo Lý Sơn, cô và các cộng sự đã ấn tượng với những nét độc đáo của vùng đất này. Sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự linh thiêng của hòn đảo tiền tiêu, nét đẹp lao động cùng chân tình của người dân đảo đã tạo nên một Lý Sơn vừa huyền bí vừa gần gũi, thân thiện. “Mô hình du lịch cộng đồng “Ký bí đảo núi lửa Lý Sơn” được xây dựng từ chính những câu chuyện mà chúng tôi là nhân vật trải nghiệm, từ chính những cung bậc cảm xúc có được khi đến với Lý Sơn”, TS Ngô Thị Thu Trang chia sẻ.

Đông đảo người dân trên đảo Lý Sơn tham gia mô hình du lịch cộng đồng Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn.

Mô hình du lịch cộng đồng “Ký bí đảo núi lửa Lý Sơn” giúp du khách đến Lý Sơn có cơ hội trải nghiệm các điểm tài nguyên tự nhiên gắn liền với địa mạo, địa chất độc đáo và biển của Lý Sơn như hang Câu, núi Thới Lới, cổng Tò Vò, bãi biển nham thạch…; các điểm tài nguyên nhân văn gắn với truyền thống xây dựng và bảo vệ đảo trong suốt chiều dài lịch sử như đình An Hải, đình An Vĩnh, chùa Hang, chùa Đục, Âm linh tự, Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải… Bên cạnh đó là các điểm sinh cảnh văn hóa nông nghiệp, ngư nghiệp gắn liền cuộc sống của người dân trên đảo như cánh đồng hành, tỏi; cảng biển, bãi biển đánh bắt… cùng hệ thống điểm cung ứng dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí, trải nghiệm trên đảo.

Mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn” do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn Saemaul Undong xây dựng. Bước đầu mô hình đã xây dựng được cơ chế quản lý, bộ nhận diện thương hiệu mô hình, các tour - tuyến và bộ sản phẩm du lịch với hệ thống hoạt động và dịch vụ chi tiết để sẵn sàng cung cấp cho du khách tại các điểm thiên nhiên kỳ bí và điểm trải nghiệm của cộng đồng.

Để người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch

“Vì là mô hình du lịch cộng đồng nên chủ thể chính của mô hình chính là cộng đồng”, TS Ngô Thị Thu Trang nói. Do đó, cộng đồng người dân sẽ phối hợp cùng các bên liên quan để vận hành mô hình cũng như phân chia công bằng các giá trị mang lại. Mô hình chú trọng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và dịch vụ cung cấp cho du khách, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong cộng đồng tham gia vào mô hình. Từ đó, xây dựng thương hiệu du lịch Lý Sơn, mang về nguồn thu cho cộng đồng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Những người xây dựng mô hình cũng hướng đến mục tiêu thay đổi diện mạo nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào quá trình xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Lý Sơn nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung.

Theo anh Trương Văn Sửu, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Lý Sơn, làm thế nào để có được niềm tin của cộng đồng khi thực hiện một mô hình mới là điều không dễ. “Những ngày đầu, chúng tôi rất khó tiếp cận với người dân. Tuy nhiên, với những ý nghĩa đặc biệt cùng những giá trị mà mô hình mang lại, chúng tôi đã dần nhận được sự ủng hộ”, TS Trang chia sẻ. Sự tham gia của hơn 120 thành viên vào các loại hình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, homestay, dịch vụ trải nghiệm, xe ôm… chính là minh chứng cho sự ủng hộ này.

Mô hình homestay tại Lý Sơn.

Anh Nguyễn Văn Nhật, một trong những thành viên đầu tiên tham gia, hiện đang phát triển mô hình du lịch trải nghiệm tại nông trại của mình, cho biết du khách đến với nông trại sẽ được tìm hiểu về việc trồng hành tỏi truyền thống ở đảo Lý Sơn và trực tiếp trải nghiệm công việc này. “Khi tham gia vào mô hình, chúng tôi được hỗ trợ quảng bá hình ảnh, đồng thời, được hướng dẫn để làm du lịch cộng đồng một cách chuyên nghiệp. Khi liên kết được với các đơn vị lữ hành, lượng khách đến đông hơn, tạo nguồn thu nhập cho người dân khi chuyển từ sản xuất truyền thống sang làm du lịch trải nghiệm” – anh Nguyễn Văn Nhật cho biết.

Đặc biệt, mô hình đã xây dựng được Bộ thuyết minh câu chuyện “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn” gắn liền với các điểm du lịch. Đây là công cụ quan trọng để cộng đồng chuyển tải các giá trị mà sản phẩm du lịch chứa đựng, làm tăng sự trải nghiệm, tính lưu giữ và hiểu biết văn hóa cho du khách khi sử dụng dịch vụ. Anh Võ Minh Đặng – thành viên CLB hướng dẫn viên Lý Sơn – hào hứng bộc bạch: “Từ nay chúng tôi đã có được tài liệu thuyết minh khoa học, chỉn chu, cung cấp những thông tin chính xác, hấp dẫn. Nhờ đó mà chúng tôi cảm thấy tự tin hơn hẳn khi thuyết minh cho khách”.

Theo TS Ngô Thị Thu Trang, các thành viên tham gia mô hình sẽ được phân chia thành các nhóm dựa trên thế mạnh, tính chất công việc của từng người như nhóm lưu trú, ẩm thực, xe ôm... Bên cạnh đó, sẽ có tổ điều phối để quản lý, vận hành các nhóm hoạt động nhằm tạo được sự liên kết, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp trong cách phục vụ du lịch cộng đồng của người dân, góp phần đưa hoạt động du lịch trên huyện đảo Lý Sơn phát triển bền vững.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất