, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 14/01/2019, 17:18

Kỷ niệm

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

1.

Tôi có thói quen mỗi cuối năm lại (tổng) dọn nhà, không chỉ dọn dẹp để đón Tết mà là thật sự giảm tải cho ngôi nhà của mình. Chọn ra thứ gì cần giữ lại, bỏ đi, vì giữ lâu quá rồi, ố vàng, bụi bặm, không còn sạch sẽ…

Tuy là công việc mỗi cuối năm nhưng không phải năm nào tôi cũng dứt điểm được, ví dụ như sách vở, tài liệu hay quần áo cũ mà thật ra chính vì cái tật hay lan man nên chẳng năm nào tôi đạt “kế hoạch” đề ra.

Tỉ như, nếu “chỉ tiêu” năm này tôi phải “xóa sổ” các tài liệu đã cũ, không còn giá trị sử dụng, thì phần lớn thời gian tôi lại đắm chìm vào quá khứ. Có những thứ không tài nào bỏ được, dù thời gian đã khiến nó vàng ố và sắp phân hủy như những lá thư của ba, của bạn bè; những cuốn sổ ghi chép có dòng chữ của má…

Đã thế, thỉnh thoảng gặp cái gì hay, “hàng độc” tôi lại chụp hình và đưa lên facebook. Khi thì cái radio cũ, khi thì mẩu giấy viết tay của ba dặn dò con gái chi tiêu dè xẻn hay lá thư ba kể chuyện nhà, có anh chàng này, kia đến thăm khi tôi đi vắng...

Ảnh minh họa

Kỷ niệm như cứa vào nỗi nhớ của những người cùng cảnh ngộ, và thế là bạn “phây” vào like, bình luận. Tôi sa vào đó có khi mất hết cả buổi chiều, cuối cùng đứng lên mà việc vẫn còn ngổn ngang; nhủ thầm, hôm nay không xong thì mai, còn cả tháng nữa mới đến Tết cơ mà!

Sau này, tôi số hóa toàn bộ những gì cần giữ từ hình ảnh (tôi mang những cuộn phim cũ ra tiệm chụp hình nhờ họ scan lại) cho đến thư từ, tài liệu cần thiết bằng cách scan hay chụp hình. Thế nhưng, lại phát sinh thêm một công việc nữa là dọn dẹp máy vi tính.

Cái công việc trên thế giới ảo này còn ngốn nhiều thời gian hơn nữa khi tôi lan man với những tấm hình, tại sao có cảnh này, tâm trạng khi chụp bức hình ấy vui hay buồn...

Là tôi chưa tính đến việc rà soát, sắp xếp các thư mục, đặt tên lại theo một quy ước cho đồng bộ, dễ kiếm, xóa bớt những gì không cần thiết, giảm tải cho đĩa cứng...

Nếu năm trước nữa tôi ưu tiên cho việc sắp xếp sách vở, giấy tờ, thư từ, hình ảnh thì năm vừa rồi tôi quyết định thanh lý gọn sạch các tủ quần áo. Tưởng là đơn giản bởi nghĩ nó không phải là vật kỷ niệm thuộc về tinh thần như sách vở có thể giải quyết nhanh chóng. Vậy mà không!

Việc đầu tiên, tôi phải hỏi bạn bè trên facebook hay ngoài đời cần quần áo cũ cho các chương trình miền núi, mái ấm… Hẹn ngày tháng xong, tôi mới bắt tay vào việc bởi yên tâm đã có nơi nhận.

Xổ hết các tủ quần áo của bốn người trong gia đình tôi mới tá hỏa vì có những thứ tôi lưu lại lâu quá, mấy chục năm. Những bộ đồ trẻ con mà tôi “để dành” có thể vì nó còn mới, đẹp, có thể là món quà tặng từ ai đó không nỡ cho đi, cũng có thể là giữ lại để có cái mà nhớ, mà thương. Đồ vật đâu phải vô tri vô giác, trong đêm khi chúng ta ngon giấc thì chúng lại trò chuyện với nhau đấy, ngày xưa ba tôi hay nói như vậy!

Dòng thời gian lùi lại, cái áo len này tôi cặm cụi đan mấy tháng trời mới xong, con gái lớn mặc nó lúc lững chững biết đi rồi chuyền sang cho em trai. Tôi nhớ lại bước chân nhỏ nhắn, chạy lúp xúp phía trước tôi, lúc nào cũng như chực ngã chúi về phía trước, thỉnh thoảng lại quay ra sau tìm mẹ.

Tôi nhớ gương mặt bầu bĩnh, đôi má non tơ, thơm mùi sữa… Những đêm thức trắng vì con sốt, hay những buổi chiều mấy mẹ con chở nhau ra biển, hay khi cả nhà quây quần ở phòng khách có tiếng tôi khi thì nhỏ nhẹ, lúc nạt nộ, gầm gừ đút ăn cho con trai. Thằng bé hồi nhỏ rất khó ăn. Mỗi khi nó ăn là một cực hình với tôi!

Kỷ niệm trải dài thời gian bọn trẻ lớn lên. Cái áo đầm sinh nhật 10 tuổi, con gái chỉ mặc vài lần vì tôi đặt may cầu kỳ quá, nhiều lớp, nhiều ren, khó khăn khi đi chơi cần chạy nhảy linh hoạt. Những bộ quần áo con trai với đủ các hình ảnh trong những bộ phim hoạt hình hay các trò chơi…

Tôi nhớ cái vóc gầy tong teo của nó khi mặc bộ quần áo này lúc cầm cây kiếm múa may trên vuông sân thượng, mồ hôi chảy thành dòng trên gương mặt đỏ hồng. Thương làm sao!

Đâu chỉ những kỷ niệm vui, cũng có những bộ quần áo trong tâm trạng đầy nước mắt khi vợ chồng cãi nhau, rồi giận nhau… Hay mấy cái này mua trong vài chuyến đi nào đó, thấy thích thì mua, chưa mặc lần nào vì không hợp hay không đẹp. Nghĩ lại, lãng phí ghê!

Cuối cùng, tôi biết, mình sẽ chẳng làm được gì nếu cứ để kỷ niệm day dứt như thế. Cuộc sống ở phía trước, mỗi một giây trôi qua đã là kỷ niệm; đời người có biết bao thứ để nhớ và cần phải quên. Tôi quyết định khép cánh cửa quá khứ, “tập trung chuyên môn” xếp gọn, phân loại. Cái này gửi cho miền núi, cái này đến mái ấm, nhà tình thương…

Cách cho hơn của cho, quần áo dù còn mới nhưng kiểu dáng không phù hợp với nơi nó được đưa đến là cách chia sẻ không tế nhị, người nhận sẽ cảm thấy tủi thân…

2.

Năm nay tôi có một sự thay đổi lớn trong cuộc đời là bán ngôi nhà cũ và mua hai ngôi nhà mới. Thật ra chỉ là một sự chuyển đổi ngôi nhà cũ ở ngay phố để về xa phố hơn và thêm một căn cho con cái ở thành phố.

Kỷ niệm đã day dứt hành hạ tôi hồi chuyển nhà rồi nên cuối năm nay có lẽ đỡ hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một bao to tướng quần áo cũ tôi chưa giải quyết được vì chưa tìm ra nơi chuyển đến. Tôi đâm ao ước có một ngôi nhà rộng, tôi sẽ làm riêng một phòng để chứa vật kỷ niệm, trang thiết bị đúng chuẩn kho tư liệu như có máy điều hòa, kệ chứa gọn gàng, sạch sẽ, có máy hút bụi, thường xuyên dọn vệ sinh. Thế nhưng ao ước cũng chỉ để mà ao ước.

Tôi đọc báo thấy bên nước ngoài nhà họ rộng nhưng vẫn phải cho đi đồ vật cũ như để trước nhà, ai cần thì đi ngang qua lấy.

Cuộc sống là chia sẻ. Dọn dẹp mỗi cuối năm cũng là cách cho đi những vật mình không dùng đến nữa mà người khác lại cần. Dù là kỷ niệm nhưng cũng phải dứt bỏ, không phải để quên mà là để tạo cảm hứng đi tiếp. Nhắc nhở mình lối sống tối giản không chỉ để cuộc sống nhẹ nhàng hơn mà còn là cách để dành và chia sẻ với người khó khăn hơn.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất