, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 16/02/2023, 12:41

Kỳ thú bức tường dưới đáy biển Quy Nhơn

NGUYỄN TẤN TUẤN
Tháo giày, cất điện thoại vào túi nhựa rồi ngồi lên mô tô nước, chúng tôi lướt trên những ngọn sóng biển hướng ra khơi để tìm hiểu về bức tường bí ẩn nằm dưới đáy biển Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) mà dư luận đồn đại.

Đây có lẽ là một trong những địa điểm kỳ lạ và gây tò mò nhất trong thời gian gần đây. Nghe nói bức tường chìm sâu dưới đáy biển chỉ có thể nhìn thấy bằng mắt thường khi thủy triều xuống thấp nhất vào các ngày rằm và mùng một âm lịch hàng tháng. Dãy tường dài khoảng 3km nối đảo Hòn Khô thuộc thôn Hải Đông với làng chài Hải Nam, bề mặt bức tường thành rộng khoảng 10 mét và cao từ 4 - 5m, khá bằng phẳng...

Mô tô nước dẫn khách ra đảo Hòn Khô.

Tìm đến trung tâm xã Nhơn Hải, chúng tôi gửi xe máy, thuê một anh lái mô tô nước với giá 150.000 đồng chở ra đảo Hòn Khô để tận mục sở thị bức tường bí ẩn và kỳ lạ này.

Chỉ loáng vài phút là đến làng chài ở đảo Hòn Khô. Chúng tôi hướng tầm mắt ra biển theo hướng chỉ tay của tài xế và nhìn thấy một vệt màu đen sì ẩn hiện dưới làn nước biển trong vắt. Do thời điểm thủy triều chưa xuống thấp nhất nên chúng tôi đành đi bộ loanh quanh tham quan và ngồi uống vài cốc bia chờ con nước rút...

Ngồi ở một quán nước ven bờ biển, thỉnh thoảng phóng tầm mắt ra xa đã thấy thấp thoáng bức tường dưới biển hiện rõ dần theo con sóng nhấp nhô. Bức tường thành trông như một hành lang giao thông nối từ Hòn Khô đến một hòn đảo nhỏ phía ngoài kia. Nó hao hao một công trình phục vụ dân sinh hoặc quốc phòng xưa kia của người Chăm... Hỏi một lão ngư dân địa phương, ông nói dãy tường thành đã có từ lâu đời. Hàng tháng khi thủy triều rút sâu mới nổi lên mặt biển. Tường thành kéo dài ước khoảng 3 cây số, có những thời điểm nước biển xuống thấp, trẻ em cũng có thể đi lại trên bề mặt thành để vui chơi hoặc câu cá. 

Bí ẩn của tường thành dưới biển chính là không biết do tự nhiên hình thành hay do con người xây dựng. Khi đứng trên bức tường và quan sát bằng mắt ta có cảm giác như một công trình giao thông của người xưa. Nếu đem so sánh với danh thắng Ghềnh Đá Đĩa ở Sông Cầu tỉnh Phú Yên với các phiến đá xếp chồng lên nhau rất ngay ngắn thì có nét giống nhau. Vì vậy có thể dãy tường thành dưới biển ở đảo Hòn Khô, xã Nhơn Hải Quy Nhơn cũng như vậy.

Khi đi bộ trên lớp rong rêu bám chặt vào dãy tường thành ta có cảm giác như đang bước trên một lớp thảm nhung không trơn trượt. Mặt trên tường thành khá bằng phẳng như do bàn tay con người tạo ra. Tuy nhiên cũng có giả thuyết cho rằng chúng được sóng biển mài mòn. Chúng ta hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ trả lời trong một tương lai gần. 

Chúng tôi nhờ anh lái mô tô nước chở qua phía bên kia, nơi tận cùng của bức tường thành. Trên đường đi có thể nhìn rất rõ từng phiến đá và cụm san hô phía dưới đáy biển. Trên bờ thành nước đã bắt đầu cạn, có thể bước xuống đi bộ. Tuy nhiên thủy triều vẫn chưa xuống hết đủ cho bề mặt tường thành nổi lên hoàn toàn. Nhìn sang hai bên tường thành là một màu nước xanh thẫm và bọt sóng biển dội lên trắng xóa từng đợt. Anh lái môtô nước cho rằng nước chỉ sâu khoảng 4 - 5m là đến đáy. Quan sát trên bề mặt tường thành có từng đàn cá nhỏ bơi lội, thấp thoáng có vài con cá chình biển lấp ló ở các khe nứt để rình mồi… Tận mắt quan sát rõ những hòn đá của bức tường rất liền mạch và như những khối bê tông trong xây dựng, những khe nứt nằm rải rác trên tường thành trông rất bí hiểm. 

Bức trường bí ẩn ở xã đảo Nhơn Hải có thể là do tạo hóa hình thành và là một tác phẩm rất tài tình. Tuy nhiên nhìn trên bề mặt thành cứ một đoạn ngắn lại có những rãnh lớn vừa đủ dể những con thuyền nhỏ tiến vào như có chủ ý sắp đặt của con người vậy. Theo nhiều ngư dân làm nghề lặn biển ở Nhơn Hải, tường thành dưới biển không phải làm bằng đá ong như các công trình Chăm cổ. Tường thành giống như được xây bằng hồ vữa, đúc thành từng khối khổng lồ. Tương tự, ở thôn Hải Minh thuộc phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn nghe đâu cũng phát hiện có một đoạn tường thành tương tự chìm sâu dưới lòng biển. Khi thủy triều xuống thấp nhất trong năm thì có thể nhìn thấy thấp thoáng... 

Theo thư tịch cổ để lại, người Chămpa đã xây dựng 4 thành lớn tại địa bàn tỉnh Bình Định bao gồm: thành Thị Nại thuộc huyện Tuy Phước; thành Đồ Bàn và thành Chas ở thị xã An Nhơn và thành Uất Trì ở huyện Tây Sơn. Ngoài ra còn nhiều di tích tường thành nhỏ khác đã bị chiến tranh tàn phá nay chỉ còn dấu tích mơ hồ nằm rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh chưa thống kê hết. 

Xã đảo Nhơn Hải thành phố Quy Nhơn hiện có khá nhiều thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú. Du khách đi từ ngã ba Phú Tài về Quy Nhơn đến đoạn ngã năm đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Tất Thành – Đống Đa – Hà Thanh thuộc trung tâm thành phố Quy Nhơn thì rẽ trái qua Quốc lộ 19, vượt qua 5 chiếc cầu ngắn (Từ cầu Hà Thanh 1 đến cầu 5), đến cầu Thị Nại được mệnh danh là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam dẫn qua trung tâm Khu kinh tế Nhơn Hội. Chạy xe theo trục đường chính khoảng 500 mét nữa, rẽ phải vào con đường bê tông xi măng uốn lượn quanh dãy núi Phương Mai, du khách sẽ được chiêm ngưỡng rừng tràm xanh ngát hai bên đường và bờ biển với có nhiều ghềnh đá nhấp nhô, đi khoảng 17km nữa thì tới đỉnh dốc dẫn về trung tâm xã Nhơn Hải. Ở đây ta có thể phóng tầm mắt quan sát rõ nét toàn cảnh đảo Hòn Khô khổng lồ nằm che chắn cho các làng chài. 

Bức tường thành nổi lên mặt biển khi thủy triều rút sâu.

Ở Nhơn Hải quanh năm nước biển trong xanh, có nhiều rạn san hô và sinh vật biển rất phong phú. Ở đây cũng có các dịch vụ lặn biển để ngắm nhìn vẻ đẹp của thế giới huyền ảo dưới đáy đại dương. Ngoài bức tường thành dưới biển, Nhơn Hải còn có các di tích kiến trúc của người Chăm cổ như chùa Linh Sơn còn gọi là Chùa Phật Lồi có tượng tu sĩ Hời linh thiêng và huyền bí tọa lạc ở thôn Hải Giang. Hiện nay do triển khai dự án khu du lịch sinh thái nên tượng tu sĩ nói trên được di chuyển về khu tái định cư Nhơn Phước, thuộc xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn. Theo ông Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định, chùa Linh Sơn (Phật Lồi) được xây dựng vào khoảng năm 1913, cách nay khoảng 107 năm. Pho tượng tu sĩ Hời ở làng chài Hải Giang từ lậu có một sức ảnh hưởng rất đặc biệt trong đời sống văn hóa và tâm linh của người dân xã Nhơn Hải … 

Bình Định ngàn năm trước từng là kinh đô của Vương quốc Chăm-Pa, ở đây còn lưu lại dấu tích của một nền văn minh cổ đã bị mai một. Những cuộc khai quật tự phát của người dân địa phương và của các cơ quan văn hóa, bảo tàng trong hàng chục năm nay đã phát hiện nhiều di vật Chăm cổ. Cư dân địa phương trong lúc canh tác đã tình cờ tìm thấy những buồng cau, lá trầu và những vật dụng thờ cúng bằng vàng. Nhiều tượng Chăm cổ có hình voi, bò, rắn, thủy quái... nằm dưới lòng đất từ hàng ngàn năm, đã dần được phát hiện, khai quật. Các công trình nghiên cứu sử học và khảo cổ học cho thấy, tỉnh Bình Định trước đây là một trong những địa phương thuộc cư dân tiền sử Sa Huỳnh và sau này là một trong những tiểu vùng của Vương quốc Chămpa. Thành phố Quy Nhơn nói chung và xã đảo Nhơn Hải, Nhơn Châu cũng thuộc vùng đất Vijava (từ thế kỷ 11 đến 15, từng là kinh đô của vương quốc Chămpa (1000 - 1471).

Ở Bình Định có nhiều phế tích của văn hóa Chăm, một số giếng cổ hình vuông; rắn Naga; trụ văn bia; tượng thần điểu Garuda; phù điêu Lăng Ông; khu mộ cổ, tượng tu sĩ... có lẽ bức tượng lạ tại thôn Hải Giang – xã Nhơn Hải, và bức tường thành bí ẩn ở đây cũng là một trong những di sản văn hóa Chăm độc đáo được người dân phát hiện. 

Tuy vậy, để hiểu hơn về những di sản cổ đại có một không hai này, cần thêm nhiều thời gian và công sức để các nhà nghiên cứu tìm hiểu và phát hiện. Điều rất cần hiện nay đối với tất cả chúng ta chính là việc tạo các điều kiện tốt nhất để bảo vệ và tôn tạo những di sản quý hiếm ấy để gìn giữ cho thế hệ mai sau.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất