, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 02/04/2022, 10:30

Kỹ thuật thổ canh hốc đá của người Mông vùng núi Tây Bắc

BÁ ANH
Trong điều kiện trồng trọt khó khăn do không có nguồn nước lẫn hạn chế về diện tích đất canh tác, người Mông và một số tộc người thiểu số khác đã sản xuất nông nghiệp bằng kỹ thuật thổ canh hốc đá.
Nương trên vùng núi Tây Bắc. Ảnh: báo Hà Giang.

Thổ canh hốc đá

Thổ canh hốc đá là một kỹ thuật canh tác mà qua nhiều thế hệ đã trở thành nét độc đáo của những tộc người ở núi cao Tây Bắc. 

Cao nguyên đá Hà Giang trải dài trên địa bàn 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Đây là vùng núi đá vôi, điều kiện trồng trọt khó khăn do không có nguồn nước lẫn hạn chế về diện tích đất canh tác. Dù vậy, người Mông đã tận dụng các hốc đá, những nơi có đất, dùng đá để che chắn xung quanh, vừa chống xói mòn, vừa biến những hốc đá tự nhiên trở thành các “hốc canh tác”. Nhờ kỹ thuật này mà đồng bào bản địa có thể thích nghi với điều kiện khắc nghiệt núi cao. 

Tùy vào đặc điểm địa hình mà người Mông sử dụng các công cụ canh tác thích hợp. Họ dùng cày trên địa hình dốc, nhiều đá. Thân cày chắc, lưỡi có hình tam giác cân nhỏ, hơi tù và nặng, chịu được lực khi va đập vào đá. 

Ở những vùng đất khô cứng, họ sử dụng bừa. Bừa tay có tay ngang để ấn xuống khi bừa. Bừa chân có dạng hình chữ nhật, với hai hàng răng, không có tay giữ, được sử dụng phổ biến hơn. Đối với đất khô, cứng, người ta xếp thêm đá lên bừa để thêm sức nặng và cắm sâu hơn, dễ dàng làm tơi đất hơn. 

Trường hợp vun gốc trên nương đá, người dân dùng cuốc bướm. Công cụ này có lưỡi mỏng, to bản, hình tam giác, cong ở phần chuôi, nhọn hai đầu nên thuận lợi khi vun gốc.

Những ruộng ngô trên nương đá, kỹ thuật xen canh các loại cây hoa màu đã trở thành nét độc đáo của vùng núi Tây Bắc. Đến nay, thổ canh hốc đá vẫn là phương thức canh tác chính trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào vùng cao nguyên đá Hà Giang. 

Quy trình canh tác trên cao nguyên đá

Vào mùa khô, người Mông bắt đầu khai phá để tạo thành những mảnh nương mới. Họ chọn khu vực nhiều ánh sáng, đất không quá dốc để phát cỏ và cây bụi theo thứ tự từ dưới thấp lên cao. 

Cây phát xong thì phơi nắng tầm 2 - 3 ngày là đốt. Sau đó, họ lấy đá xếp thành bờ ở sườn phía dưới để giữ đất trồng không bị sạt lở, rửa trôi. Đối với những nương dài và nhiều đất thì bờ đá được kè cao hơn, chạy dọc theo sườn thấp của nương. Như vậy, ở những vùng diện tích rộng thì có thể làm thành ruộng bậc thang.

Thông thường, để tận dụng tối đa đất canh tác, người dân chỉ xếp đá ở những nơi có diện tích rộng, tại những sườn phía trên cao của nương. Những chỗ nhiều đá, không thể san bằng được, họ sẽ làm thành những hốc đá kín, sau đó cho thêm đất để trở thành “hốc canh tác”. Mỗi hốc như vậy có thể trồng được 1 - 2 cây ngô. Kỹ thuật xếp đá đòi hỏi kinh nghiệm và nhiều công sức, bởi phải xếp làm sao cho đá vừa khít với nhau và không bị xói mòn vào mùa mưa.

Sau Tết của đồng bào là thời gian làm đất. Đối với nương đã được khai phá và canh tác nhiều vụ, thì chỉ cần dọn lại những phiến đá, tu sửa những đoạn kè bị xói lở, làm sạch cỏ, đốt ruộng thành tro làm phân bón là có thể canh tác tiếp.

Ở mảnh ruộng ít đá, những người đàn ông sẽ đảm nhiệm việc cày bừa cho đất tơi xốp hơn. Những con bò được dùng làm sức kéo chính, chúng được huấn luyện để tự động dừng lại những nơi có đá hộc. Nhờ vậy, người cày biết nên kịp thời sẽ lách cày ra khỏi tảng đá, tránh gãy lưỡi cày. Ở những nương nhiều đá, không thể cày được, họ dùng cuốc bướm để cuốc tơi đất, dọn cỏ ở từng hốc đá.

Tra hạt là công đoạn quan trọng trong canh tác của người Mông, thường được làm theo nhóm 4 người. Người đi đầu cuốc hốc, người tiếp theo tra hạt, người đi sau bỏ phân và người cuối cùng sẽ lấp đất. Việc tra hạt dành cho phụ nữ, người già và trẻ em. Người Mông kiêng tra hạt vào ngày rắn và rồng, vì với họ đây là những ngày xấu có thể ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Những nương thổ canh hốc đá. Ảnh: báo Hà Giang.

Xen canh, gối vụ và thu hoạch

Diện tích đất canh tác ít buộc người Mông phải tận dụng tối đa các khả năng để có nguồn lương thực. Họ dùng phương pháp xen canh để đa dạng cây trồng ở mỗi mùa vụ. Ngoài ngô, họ trồng xen rau dền, dưa chuột, bí, rau cải… bằng cách trộn lẫn hạt giống vào phân ải để bón vào từng hốc ngô. Khi ngô nảy mầm cũng là lúc các loại rau màu này nảy mầm. Sau 1 - 2 tháng là có thể thu hoạch rau và vun lại gốc ngô.

Có thể thấy, phương pháp xen canh, gối vụ không chỉ tạo thêm nguồn thực phẩm đa dạng mà còn giúp duy trì lớp thực vật phủ trên mặt đất, hạn chế được xói mòn và rửa trôi đất.

Tháng 6 - 7 là mùa thu hoạch, kéo dài đến tháng 8 - 9 tùy vào từng loại cây trồng. Thứ tự thu hoạch, trước tiêu là các loại đậu, bí rồi đến ngô. Đa phần giống dùng trong canh tác là giống ngô địa phương, sinh trưởng khoảng 6, 7 tháng. Đây là giống ngô chịu lạnh tốt, chịu hạn tốt, phù hợp với khí hậu của vùng cao nguyên đá. Dù các giống ngô này không cho năng suất cao như các giống ngô lai, nhưng việc bảo quản lại thuận lợi hơn, ít mọt và ngon hơn.

Trước khi thu hoạch, bà con sẽ chọn một phần để giống cho vụ sau. Họ chọn ngay tại nương và thu hoạch riêng, mang về treo gác bếp. Sau đó là cùng nhau thu hoạch từ chân nương lên đến đỉnh, toàn bộ quá trình thu hoạch đều làm bằng tay. Sau kỳ thu hoạch, họ chọn loại ngô tốt để ăn và nấu rượu, loại xấu thì cho gia súc, gia cầm.

Mỗi năm, người dân ở cao nguyên đá chỉ trồng được một vụ ngô chính. Sau mỗi kỳ thu hoạch thì đất được tận dụng để trồng cây lương thực và hoa màu khác. Những nương thổ canh hốc đá còn có thể trồng tam giác mạch. Đây là loại cây dễ trồng, chu kỳ sinh trưởng ngắn. Ngày trước, khi điều kiện canh tác khó khăn, không thể trồng ngô, tam giác mạch là nguồn lương thực chính trong mùa giáp hạt. Hiện nay, đa phần người dân địa phương trồng tam giác mạch để làm thức ăn gia súc, gia cầm và dùng thân đốt làm phân bón.

Sinh sống ở điều kiện khắc nghiệt, cộng đồng bản địa đã hình thành các nét văn hóa đặc trưng, thổ canh hốc đá là một trong số đó. Không chỉ là phương pháp canh tác, những nương thổ canh hốc đá còn chứa đựng hệ tri thức độc đáo của người bản địa. 

Năm 2014, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang vào Danh mục di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất