, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 30/04/2023, 06:30

Ký ức “đỏ lửa’’ ở căn cứ Ri92

NGỌC MAI
Mọi chuyện với họ như còn nguyên đó, dù đã chạm tuổi “thất thập cổ lai hy”. Ký ức lính trận là gì, nếu chẳng phải những phút giây chạm trán với sống chết, những quyết định sinh tử, trải nghiệm không ngờ, và nếu được hỏi “nhớ chuyện gì nhất”, thì chắc chắn họ sẽ trả lời rằng đó là trận đánh một mất một còn, thoát chết nhiều khi như một cơ may. Nên chẳng làm lạ, khi trò chuyện với khách, nỗi bồi hồi, xúc động cứ dâng lên ở cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Minh Thiệu (ngụ phường 11, quận 5, TP.HCM), nguyên Phó trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 11, Tiểu đoàn 180, Bộ Tham mưu Miền - B2 và đồng đội khi nhắc đến ký ức “đỏ lửa” về trận đánh chiến dịch Ba Thu.
Cựu chiến binh Nguyễn Minh Thiệu ngày còn trẻ.

Như bao lứa thanh niên miền Bắc những năm chiến tranh, tháng 8/1969, cậu học sinh lớp 10 Nguyễn Minh Thiệu, quê ở xã Trường Minh (Nông Cống), mới 17 tuổi và vừa được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong thời gian huấn luyện ở Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 338, Nguyễn Minh Thiệu được cử làm Tiểu đội trưởng. Tháng 1/1970, Thiệu cùng tiểu đội của mình trải qua mọi khó khăn, gian khổ, vượt tuyến lửa Trường Sơn và an toàn vào tới chiến trường miền Đông Nam Bộ - B2.

“Chúng tôi được bổ sung vào Tiểu đoàn 180 thuộc Cục Tham mưu Miền (sau này là Bộ Tham mưu Miền) có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Bộ chỉ huy Miền. Trong thời gian công tác tại đây, tôi được bổ nhiệm là Phó trung đội trưởng”, CCB Nguyễn Minh Thiệu nhớ lại.

Tiểu đoàn 180 ngoài nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cơ quan, các lãnh đạo Bộ chỉ huy Miền, còn thường xuyên phối hợp cùng đơn vị bạn tham gia những trận đánh theo kế hoạch bên trên ban hành. Ác liệt vô cùng, đánh nhau như cơm bữa, nên giờ đây, ông không thể nhớ cụ thể số lượng những trận đánh từng tham gia, phải đến hàng trăm trận lớn nhỏ. “Đặc biệt trận Ba Thu là không thể quên”, ông nói.

Tháng 5/1970, giặc tổ chức chiến dịch quy mô lớn ở Mỏ Vẹt (hay còn gọi là Ba Thu) thuộc tỉnh Svay Rieng, khu vực giáp ranh biên giới Campuchia. Mở màn, như chiến thuật đã quen, là Mỹ cho B52 “dọn đường” rải thảm, đồng thời có sự chi viện của xe tăng, trực thăng yểm trợ nhằm xóa sổ cao điểm 170 ở biên giới cũng như nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Miền (lúc bấy giờ có mật danh là Ri92).

“Nhận được lệnh của cấp trên, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 180 chúng tôi đã xây dựng phương án, tổ chức đánh trả địch quyết liệt. Kết quả là nhiều đợt tấn công của bọn thám báo, biệt kích Mỹ - Ngụy bị đẩy lùi. Quá trình ấy, các đồng đội của tôi đã dũng cảm bám trụ, quyết tâm đánh địch đến cùng. Tiêu biểu là Trung đội 7 do đồng chí Nguyễn Minh Thiệu trực tiếp chỉ huy đã mưu trí, bí mật phục kích, lừa cho địch vào sâu, sau đó cùng lực lượng của Tiểu đoàn bao vây đánh úp, khiến địch thương vong nhiều”, Đại tá Võ Tán Phương, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 180 nói.

Không chịu rút lui dù đã bị thiệt hại nặng nề, địch càng điên cuồng tấn công. Tình hình ngày càng căng thẳng. Hai bên giằng co, dành từng mét đất. Xác định bám trụ đến cùng, dù phải hy sinh, bởi căn cứ Ri92 là bộ não chỉ huy, tuyệt đối không để địch san phẳng, nên Phó trung đội trưởng Nguyễn Minh Thiệu và đồng đội vẫn kiên cường bám chốt. Họ đã tiêu diệt, bắt sống một trung đội thám báo địch, trong đó có 3 cố vấn Mỹ. Một tình huống vô cùng gay cấn xuất hiện: Trong một trận đánh ác liệt tiếp theo, giữa lúc xông lên đánh chặn một tốp địch, tổ 3 người gồm: Nguyễn Minh Thiệu, Trần Đức Kiệm, Nguyễn Chuyên Cần trúng đạn, một đồng chí anh dũng hy sinh. Dù vậy, họ cũng đã đẩy lùi đợt tiến công của đại đội biệt kích địch nhảy dù xuống căn cứ Ri92. 

CCB Trần Đức Kiệm, trú ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM nhớ lại: “Trước tình huống địch tấn công trực diện, Phó trung đội trưởng Nguyễn Minh Thiệu đã tổ chức nghi binh, lừa chúng vào sâu mới nổ súng tấn công. Tuy nhiên, địch mỗi lúc một đông, anh giành việc khó về mình, đứng ở vị trí nguy hiểm nhất của tổ 3 người khi tiến công đánh chặn địch. Bom đạn dữ dội, đồng chí Cần trúng đạn hy sinh, tôi và anh Thiệu cũng bị thương nặng do đạn M79 nhưng vẫn cố gắng chiến đấu đến khi có lực lượng tăng cường. Hôm ấy, nếu để địch vượt qua thì không biết hậu quả sẽ ra sao!”.

Nốt lặng dâng lên khi lời ông Kiệm vừa dứt. Nếu như hôm ấy, điều xấu xảy ra, thì sẽ không có câu chuyện hôm nay từ chính người trong cuộc. Nếu như chỉ huy Nguyễn Minh Thiệu không thể hiện bản lĩnh người chỉ huy, và nếu như không có lực lượng tăng cường, thì chắc chắn bây giờ người thân họ chỉ biết nhìn họ qua di ảnh. Chiến tranh là thế đó. Lý trí, gan góc, sự hỗ trợ, nhưng lắm khi đi kèm những may mắn, bởi nhiều người thoát ra khỏi cái chết, ngẫm lại, đều buột miệng “may mà”, “giá như”. Hơn tất cả, sự sống là diệu kỳ.

Khi cấp trên quyết định đưa hai người về tuyến sau, Nguyễn Minh Thiệu xin được điều trị ngay tại trạm xá Tiểu đoàn. Vết thương chưa lành hẳn, ông đã xin tiếp tục tham gia chiến đấu, cùng Tiểu đoàn 180 càng đánh càng hiệu quả, chặn được tất cả các đợt tấn công tiếp theo của địch, bảo vệ an toàn căn cứ và cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chỉ huy Miền. Tiểu đoàn 180 và cá nhân đồng chí Nguyễn Minh Thiệu được các đơn vị thuộc Bộ Tham mưu Miền tổ chức học tập gương chiến đấu. Tháng 2/1973, Nguyễn Minh Thiệu được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Năm 1976, tập thể Tiểu đoàn 180 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân.

Cựu chiến binh Nguyễn Minh Thiệu và đồng đội.

Trở về với hòa bình, ông Thiệu mang trên mình thương tật ¾, bị nhiễm chất độc da cam. 7 năm ở chiến trường, chưa một phút ông và đồng đội lùi bước trước gian khó. Lịch sử được viết bởi từng cá nhân, bởi những mảng miếng từ cuộc đời họ, sẽ hình thành nên một mảnh ghép hoàn hảo. Cái giá của của công đoạn hình thành mảnh ghép đó, là thân phận, là đời sống, là sự đánh đổi trong từng phút của từng người và bao người.

Nó không thể chỉ là một câu chuyện được kể lại, dù hấp dẫn đến mấy. Nó cần và phải được đặt trong sự ngưỡng mộ và tình yêu, bởi những cây cầu bắt qua thời gian, với dân tộc này, suốt một dặm dài khói lửa, đều được xây bằng sinh mạng những người lính như ông và đồng đội.

Can trường như lính trận. Câu nói này vận vào ông Thiệu càng đúng. Ông quyết tâm trở lại mái trường, học đại học và chuyển ngành rồi nghỉ hưu năm 2014. Như ông nói: “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cho đến khi nghỉ hưu năm 2014, trên mọi cương vị công tác, tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ, là Đảng viên gương mẫu, nuôi dạy con cháu trưởng thành”, xem ra cũng không lạ. Bởi hãy nhìn vào những cựu chiến binh hôm nay mà thanh xuân gởi lại chiến trường, họ lạ lắm, lạ mà rất quen, là họ không hề mất đi phẩm cách của người từng đối mặt với cái chết, nên họ quý vô cùng sự sống, mà câu trả lời cho việc trân quý đó, là không đánh mất mình giữa bão táp thời bình, không quay mặt với lời thề người lính.

Có một lớp người như thế. Có một thời như thế. Dẫu họ có làm gì, ở đâu… Hình như, nếu họ khác đi, ký ức sẽ nổi dậy và phán quyết.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất