, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 19/11/2020, 08:22

Ký ức nơi chiếc cầu Gáo Xanh

ĐẶNG THÙY DUNG

Những cảm xúc của ngày khánh thành cầu Gáo Xanh hôm ấy như ùa về, nhìn xa xăm, ông nói với chúng tôi: “Có cây cầu này mừng lắm cô ơi!”

Khoảnh khắc nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại diện Ban tổ chức Chương trình, đại diện nhà tài trợ và người dân cùng nắm tay tại cây cầu Gáo Xanh.

Trong kho hình ảnh về Chương trình Cầu Nông thôn của Tạp chí Nông thôn Việt, tôi đặc biệt ấn tượng với bức hình ghi lại khoảnh khắc nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại diện Ban tổ chức Chương trình, đại diện nhà tài trợ và người dân cùng nắm tay ngay tại cây cầu Gáo Xanh trong ngày cây cầu này và 3 cây cầu khác cũng trên tuyến Kênh Ngang (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) được khánh thánh. Ấn tượng không chỉ vì nụ cười thật tươi của tất cả những người trong ảnh, mà còn vì đằng sau nụ cười ấy, cái bắt tay ấy là những câu chuyện thật dài.

Có dịp về Tân Hưng, chúng tôi đã ghé thăm ông Nguyễn Văn Cao và bà Hồ Thị Sương - hai nhân vật đại diện cho bà con tại địa phương trong bức hình nói trên.

1.

So với lúc mới khánh thành, 4 cây cầu trên tuyến Kênh Ngang giờ đã được gia cố, chỉnh trang thêm nhiều. Đây là những cây cầu do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng BTC Chương trình Cầu Nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt vận động doanh nghiệp tài trợ xây dựng vào cuối năm 2018. Con đường đất nhỏ hẹp cũng được mở rộng và rải đá dăm sạch sẽ. Đặc biệt, người dân sống tại đây còn làm đẹp con đường bằng những hàng rào cây xanh, hoa tươi thẳng thớm. Dưới nắng chiều, những hàng hoa trang càng thêm đỏ rực nổi bật.

Vừa qua cầu kênh Gáo Xanh là đến nhà ông Nguyễn Văn Cao. Tôi nhận ra ông ngay bởi mái tóc bạc phơ cùng dáng người dong dỏng. Năm nay, ông đã ngả sang tuổi 91, khuôn mặt gầy gò của ông hằn kín những nếp nhăn trên nước da ngăm đã điểm đồi mồi. Vừa nghe tôi giới thiệu là phóng viên của Tạp chí Nông thôn Việt - đơn vị tổ chức Chương trình Cầu Nông thôn, ông liền hướng mắt về phía cây cầu trước nhà, vừa nói một cách rành mạch: “Ngày 09/01/2019 là ngày khánh thành cây cầu này. Hôm đó có bác nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về dự, có cả các nhà tài trợ nữa, đông vui lắm!”.

Ngạc nhiên khi một cụ già ngoài 90 nhớ rõ đến từng chi tiết ngày tháng, tôi hỏi dò: “Ông có nhớ ngày hôm đó mọi người đã làm gì không ạ?”. Không cần suy nghĩ, ông trả lời liền: “Mọi người đứng trên cây cầu này bắt tay nhau, rồi tôi với bà Tư Sương - em gái tôi - còn đọc thư cho bác Trương Tấn Sang và mọi người nghe”. Đúng là như vậy, những ai có mặt trong buổi lễ khánh thành ngày hôm đó chắc cũng khó có thể quên hình ảnh hai cụ già đọc bức thư viết tay trên giấy tập học trò để gửi lời cảm ơn đến nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các nhà tài trợ.

Những cảm xúc của ngày khánh thành cầu Gáo Xanh hôm ấy như ùa về, nhìn xa xăm, ông nói với chúng tôi: “Có cây cầu này mừng lắm cô ơi!” và bắt đầu kể: “Ngày xưa, xã Vĩnh Đại này là vùng đất kháng chiến, che chở cho biết bao cán bộ Cách mạng. Kênh Vĩnh Đại là do dân ta đào để vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến đấu. Nơi đây rất nhiều thế hệ đã nằm xuống. Tôi cũng suýt chết mấy lần” - ông bật cười, tiếng cười nhẹ như không bởi sau vài lần cách ranh giới sống chết trong gang tấc, thì dường như không còn gì làm ông sợ hãi nữa.

Đang đứng trò chuyện bỗng ông ngồi sụp xuống đất, tôi giật mình đỡ lấy cánh tay ông. Vẫn nụ cười tươi tắn trên môi, ông chỉ vào đôi chân của mình, giải thích: “Đứng lâu nên mỏi giò”! Tôi thấy thương ông quá. Người lính năm xưa từng vượt sông băng rừng nay cũng đã chùn chân mỏi gối…

Ông vẫn chậm rãi kể tiếp câu chuyện. Theo lời ông, hơn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, vùng đất này cũng vẫn không có đường, nói chi đến cầu. Người dân sống bám đất, bám làng chỉ có thể chèo xuồng mà qua sông, qua rạch. Thế nên khi được các mạnh thường quân tài trợ xây cầu, rồi địa phương làm đường, bà con ở đây vô cùng phấn khởi. “Ngày khởi công, tôi là người vái lạy trời đất, cầu cho vạn sự thuận buồm xuôi gió, cây cầu sớm hoàn thành” - ông Cao nhớ lại. Chính ông cũng là người đặt tên cho cây cầu. Ông cho biết ngày trước ở vùng này có một cây gáo xanh rất to, mọc từ trước khi ông sinh ra. Sau này người chủ đã đốn đi để lấy ván nhưng ông vẫn nhớ hoài cây gáo xanh ấy nên đã đặt tên cho cây cầu là cầu kênh Gáo Xanh.

Trò chuyện một lúc, như chợt nhớ ra, ông kêu cậu con trai vô nhà mở tủ lấy cho ông cuốn Tạp chí Nông thôn Việt số Xuân năm 2019 mà ông cất giữ cẩn thận. Cầm cuốn Tạp chí trên tay, ông lật từng trang và dừng lại ở bài viết về lễ khánh thành những cây cầu trên tuyến Kênh Ngang năm xưa, bên cạnh là bức hình nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại diện ban tổ chức Chương trình, đại diện các nhà tài trợ và ông Cao, bà Sương cùng nắm tay ngay tại cây cầu Gáo Xanh. Để chứng minh “mắt tôi vẫn còn sáng lắm”, ông chậm rãi đọc từng chữ trên trang báo bằng khuôn miệng móm mém… Ôm cuốn Tạp chí vào ngực, ông nói: “Mai mốt tôi mà có chết, tôi cũng phải mang theo nó”. Lời nói của ông khiến tôi xúc động suýt rơi nước mắt.

Ông Nguyễn Văn Cao
Ông Nguyễn Văn Cao

2.

Cách nhà ông Cao vài ba căn là nhà bà Sương. Chào đón tôi bằng nụ cười hiền hậu, người phụ nữ nhỏ nhắn vừa rót chén trà mời khách vừa từ tốn nói: “Từ hồi có cây cầu này, đỡ cho bà con ở đây nhiều lắm”. Trải qua hai cuộc kháng chiến, mất mát lớn nhất với bà Sương có lẽ là sự ra đi của người bạn đời. Cả cuộc đời tần tảo gắn với vùng đất Vĩnh Đại, đến những ngày tuổi đã xế chiều bà Sương mới có cơ hội được bước đi trên những cây cầu nối liền đôi bờ kênh. Cũng nhờ sự có mặt của những cây cầu này mà tuyến đường Kênh Ngang được hình thành. Niềm vui như được nhân lên bội phần. Bởi vậy, bà Sương luôn miệng nhắc “Có cây cầu vầy là rất quý”.

Bà Hồ Thị Sương
Bà Hồ Thị Sương

Không dám mong mỏi gì hơn song bà Sương bộc bạch: “Tuyến đường này dài trên 10 cây số nhưng không có cầu bắc qua kênh. Người dân bên này muốn qua bờ bên kia phải chạy vòng một quãng đường khá xa. Giá mà có thêm những cây cầu nối đôi bờ kênh Vĩnh Đại thì tốt biết mấy”.

Trong ngày khánh thành cầu Gáo Xanh năm xưa, bà Sương và ông Cao cũng đã thay mặt bà con trình bày nguyện vọng với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nhà tài trợ. Cảm động trước những mong ước ấp ủ cả đời của người dân sống bên bờ sông Vĩnh Đại, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đại diện doanh nghiệp đã ghi nhận nguyện vọng đó và ngỏ lời sẽ cố gắng mang lại cho bà con những cây cầu sớm nhất có thể. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay, những công trình này vẫn chưa được khởi công. Bà Sương trầm ngâm: “Anh Hai Cao năm nay đã 91 tuổi, tôi cũng đã 84. Chỉ sợ không thấy được cây cầu mới mà đã ra đi…”.

*

Trên đường trở về thành phố, hình ảnh ông Cao đọc rành mạch từng chữ trên cuốn Tạp chí trấn an tôi rằng ông Cao vẫn còn khoẻ mạnh và minh mẫn lắm. Dẫu vậy, cuộc đời không ai có thể biết trước điều gì. Hy vọng những cây cầu mà ông Cao, bà Sương cùng bà con mong mỏi sẽ sớm được khởi công…

Bình luận

Xem nhiều




Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.

Nổi bật
Được quan tâm


Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất