, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 26/02/2022, 19:00

Ký ức tộc người trên trang phục

THẢO LƯ
Văn hóa bản địa của một cộng đồng thể hiện sinh động nhất ở nghề dệt vải, thêu, vẽ hoa văn trên trang phục nữ. Việt Nam có 54 dân tộc với hơn 100 nhóm, nhánh. Cư trú ở những môi trường sinh thái đa dạng đã nảy sinh những tri thức bản địa riêng biệt, độc đáo trong mỗi nhóm tộc người này.

 

 

Gia đình người H’Mông có ba vật quý phải mang theo khi di cư. Đó là cối đá xay ngô, váy phụ nữ (của bà chủ nhà) và ống bương đựng hạt lúa, ngô, lanh. Váy H’Mông là biểu tượng văn hóa. Trên tấm váy diễn tả trận chiến của người H’Mông chống người Hán cướp đất. Trên thân váy có ba băng dải dọc là ba con sông người H’Mông đã vượt qua trên đường thiên di đến phương Nam…

“Những đồ án trang trí đặc sắc của người H’Mông có thể kể đến: chữ thập trang trí với chấm nhỏ tinh tế và hình tam giác, vỏ sò, dấu chân mèo (…), hiếm nhất là nhóm hoa văn ốc sên thường thấy ở trang phục của phụ nữ H’Mông trắng, những chấm nhỏ li ti tạo vòng xoắn ốc cho thấy tài nghệ tuyệt vời của người phụ nữ trong việc điều khiển bút vẽ mẫu mà không hề gạch xóa”. (Mallinson, Jane – Donnelly, Nancy – Ly Hang, 1988. H’mong Batik: A Textile Technique from Laos. University of Washington Press.)

Người H’Mông vẽ bằng sáp ong. Vẽ sáp ong luôn phải đi kèm với nhuộm chàm. Bởi sáp ong sau khi vẽ lên vải trắng sẽ là màu vàng cam, nhưng để lâu sẽ mốc và dễ gây mủn vải, thế nên phải nhuộm chàm để giữ họa tiết được lâu. Mỗi nhóm H’Mông có bí quyết xử lý và nhuộm chàm riêng. Việc nhuộm chàm rất cầu kỳ và chàm được coi là “có linh hồn” nên đôi khi cần có những điều kiêng kỵ rất đặc biệt.

 
 
Trên người phụ nữ Hmong lúc nào cũng có cuộn lanh, cứ ngơi tay là họ lại tước lanh, xe sợi để dệt vải. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
 

 

Nổi tiếng với kỹ thuật thêu thổ cẩm, người Thái quan niệm ở đời có ba thứ đẹp nhất, đó là: ánh nắng cài vào vách núi đá; cánh đồng to, đất tốt vòng quanh chân bản; cô gái khéo dệt vải, thêu khăn. Theo Sầm Thị Giang - nghệ nhân thêu thổ cẩm người Thái đỏ ở bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An - thì người xưa quan niệm muốn biết người con gái giỏi hay không, có thể trở thành nàng dâu hiền hay không, chỉ cần nhìn đường kim mũi chỉ. Vì thế các mẹ có con gái thường dạy con thêu thùa từ khi còn rất nhỏ. Giang được mẹ dạy thêu từ lúc 9 tuổi và 12 tuổi thì đã thạo nghề.

Muốn thêu một tấm thổ cẩm đẹp, việc đầu tiên là chọn màu phù hợp với cái mà mình định thêu. Người Thái có bảy màu sắc như màu sắc cầu vồng. Tất cả đều được nhuộm bằng cây, hoa, lá, rễ, củ lấy trong rừng. Chỉ thêu là sợi bông hoặc tơ tằm nhuộm màu thực vật. Hoa văn thêu của người Thái thường bao gồm hình động vật (con rái cá nằm, con rắn, con khỉ, con bướm, con công, con voi, con ngựa, con rồng, con nai); thực vật (rau dớn, lá dừa, hoa đoóc đâm) và các hoa văn khác như mặt trời, ngôi sao, dàn treo chiêng... Nét đặc biệt của những tấm thổ cẩm người Thái là thêu mặt bên phải nhưng khi mặc thì mặc bên trái, hoa văn hiện rõ nét ở mặt trái của vải.

Sự độc đáo của thổ cẩm Thái còn thể hiện ở việc nhuộm màu bằng thực vật bản địa. Các tác giả của cuốn “Cây nhuộm truyền thống của người Thái đen tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, 2012” đã xác định được 30 loài thực vật thuộc 22 họ được đồng bào Thái đen tại Sơn La sử dụng để nhuộm màu.

Nghề dệt của người Thái rất nổi tiếng ở Tây Bắc, trẻ em gái người Thái từ 6, 7 tuổi đã được bà, mẹ dạy cách trồng bông dệt vải và làm piêu. Có lẽ vì vậy mà tri thức và kinh nghiệm của họ trong việc nhuộm vải rất đặc sắc. “Chúng tôi đã điều tra và ghi nhận người Thái đen ở xã Chiềng Bôm, xã Chiềng Ly của huyện Thuận Châu biết cách sử dụng từ 3 - 4 loài thực vật cho màu chàm. Điều này rất đặc biệt và là ghi nhận mới trong nghiên cứu tri thức về cây nhuộm ở Việt Nam. Theo các điều tra trước đây thì người dân tộc thiểu số tại Việt Nam mới chỉ biết tới hai loài cây nhuộm chàm truyền thống đó là chàm mèo (Strobilanthes cusia) và đậu chàm (Indigofera tinctoria), mỗi dân tộc chỉ biết dùng một trong hai loài cây cho màu chàm này. Sự phối chế và tạo màu chàm với 3 - 4 loài tạo màu là điều rất có giá trị, chưa có dân tộc nào ở Việt Nam có đặc điểm này (…). Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận thêm sự đặc sắc của tri thức nhuộm người Thái trong việc kết hợp giữa nhựa cánh kiến đỏ và các loài cây để tạo màu đỏ cho chỉ thêu piêu,” các tác giả nói trên cho biết. 

Với người Tày, muốn cho vải bền màu, họ dùng vỏ cây nghiến, củ nâu trộn đều, giã nhỏ, rang khô rồi hòa vào nước tro bếp đun đặc, sau đó cho vải vào nhúng kỹ, ngâm ngập từ 15 - 20 phút, vớt vải ra đặt lên máng gỗ to để nước chàm chảy lại vào thùng rồi lấy vải mang phơi khô trong bóng râm, thoáng mát. Làm liên tục như vậy khoảng 10 lần. Bảng màu của người Tày ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang phổ biến là màu chàm (xanh chàm, chàm đen, chàm tím than), xanh lam, hồng nhạt, tím nhạt, nâu non…

Các dân tộc ở Tây Nguyên thì hầu hết sử dụng bốn màu chủ yếu là đen (hoặc chàm) để làm nền vải và trắng, đỏ, vàng dùng đan cài các loại hoa văn. Linh Nga Niê Kdam (2010) đã thống kê các tộc người ở Tây Nguyên sử dụng 25 loài thực vật để nhuộm vải. Màu đen lấy từ một loại lá rừng mà người Jrai gọi là phun mo hoặc krum, hnung… đem về ngâm nhiều ngày trong nồi lớn với tro của cây le và vôi, sau đó vớt bỏ bã, ngâm thêm ba ngày ba đêm sẽ có màu đen rất bền để nhuộm. Để có màu đỏ, người Bahnar Rngao dùng cây kxan, cây loang nhau đập dập hoặc băm nhỏ, ngâm nước 5 - 7 ngày, trộn với vôi bột. Người K’ho dùng cây rmit để chế màu vàng nhuộm… Để bền màu, các tộc người ở đây còn dùng vỏ ốc, vôi bột, vỏ cây alio, bùn, tro bếp… hòa với nước nhuộm.

 

 
Trang phục của phụ nữ Cờ Lao xanh ở xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Trần Chí Nhân.
 
Chiếc địu trẻ em của người Hmong. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Khang A Tủa, người sáng lập dự án Ná Nả (phiên âm từ hai từ “Nav Nam” trong tiếng H’Mông, nghĩa là “Mẹ ơi”) nhằm tăng thu nhập và sự tự chủ từ những trải nghiệm kinh doanh cho các bà mẹ người H’Mông, trong đó có các sản phẩm thổ cẩm. Anh cũng là một trí thức trẻ người H’Mông nên hiểu biết rất thấu đáo về văn hóa dân tộc mình. Theo anh, vài năm gần đây nhiều bút vẽ sáp ong mới được cải tiến, cũng có cả những chiếc máy in luôn các họa tiết cơ bản giúp tiết kiệm công sức gấp vài lần. Tuy nhiên, nếu dùng thang đo sáng tạo và cá tính thì cách làm truyền thống, thủ công vẫn là cách truyền tải tốt hơn, ít gây hại môi trường hơn. Tủa phân tích: “Để làm một chiếc váy thủ công, đầu tiên phải đi trồng cây lanh hoặc cây bông, nuôi tằm rồi thu hoạch lanh, bông để kéo ra sợi, kết sợi và dệt vải. Nếu không dệt được đủ dùng thì phải bán gà, bán lúa, bán ngô đã nuôi mua vải về. Khi có vải mới bắt đầu tính xem đoạn nào vẽ sáp, đoạn nào thêu làm chân váy, đoạn nào dư thì để làm quả pao chơi trong hội tết. Mọi công đoạn đều do mình trực tiếp làm, làm cả năm mới xong cho mỗi thành viên trong nhà một bộ trang phục thì ai mặc cũng phải trân trọng, phải giữ gìn và dĩ nhiên là hạn chế xả thải hơn so với đi mua những bộ quần áo may công nghiệp”. 

Cũng theo đuổi triết lý làm thời trang bền vững, với Vũ Thảo, chủ thương hiệu Kilomet109, mỗi sản phẩm đều có rất nhiều chuyện kể. “Bằng việc kể lại quá trình làm chất liệu, thiết kế như gặt lanh, gieo chàm, ủ chàm, lượm củ nâu trong rừng già, cán vải lanh, vẽ sáp ong hay đơn giản là kể chuyện chân dung các nghệ nhân... chúng tôi đã làm một công nhiều việc. Vừa kết nối người tiêu dùng với sản phẩm thiết kế, với người chế tác, nơi chế tác, các thành phần trong quá trình chế tác, vừa gián tiếp tôn vinh nét đẹp cũng như sự đa dạng của các nghề thủ công ở Việt Nam đồng thời đề cao giá trị sản phẩm. Nhiều lời cảm ơn từ khắp nơi trên thế giới đã gửi về cho chúng tôi vì khả năng lưu trữ văn hóa, bản sắc địa phương, tộc người trong nguyên liệu, trong thiết kế của các sản phẩm”. 

Để giữ gìn văn hóa bản địa, theo bà Thảo, có một cách tiếp cận mới của nhiều thương hiệu bền vững hoặc các nhà thiết kế thế hệ xanh, là giúp đỡ các nghệ nhân người dân tộc ít người bằng việc hỗ trợ họ tìm tòi các phương pháp vận dụng và kết hợp sáng tạo để làm ra những sản phẩm hấp dẫn hơn mang thị hiếu hiện đại mà không bị ảnh hưởng đến truyền thống. Song song với đó là giáo dục người tiêu dùng về tầm quan trọng của chất liệu truyền thống trong việc góp phần bảo toàn nguồn lực lao động địa phương, từ đó, giúp giảm thiểu việc di cư đến các thành phố lớn, tránh được sự bùng nổ dân số đô thị đang tăng vọt những năm qua đồng thời duy trì được sự đa văn hóa của đất nước.

Trang phục của phụ nữ Cờ Lao xanh ở xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Trần Chí Nhân.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất