, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 07/03/2023, 11:35

Ma nhai Ngũ Hành Sơn đã có danh phận

TIÊU DAO
Khuất lấp sau hình hài của đá và rêu phong của thời gian, những ma nhai ẩn trên vách đá của núi Ngũ Hành Sơn giờ đây đã có một danh phận, và ở đó những ký ức trăm năm được tái tạc lại trong sự hân hoan của đất và người xứ Quảng.
Hệ thống ma nhai tại Ngũ Hành Sơn tập trung ở ngọn Thủy Sơn và trên vách đá trong các động Hoa Nghiêm, Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham…

Hình hài bí ấn

Đã mấy trăm năm, những bia tự, những hình số, những nét chữ khắc tạo trong lòng núi đá ở các hang động, vách đá thuộc núi Ngũ Hành tưởng chừng rơi vào quên lãng. Những phong hóa của thời gian và sự bạc tệ của người đời tưởng chừng đã khiến những vết tích này có nguy cơ chìm khuất trong vô vọng. Nhưng rồi, những gì giá trị nhất vẫn được khơi dậy, những gì tinh túy của văn hóa đã chiến thắng được sự nghiệt ngã của thời gian và số phận.

Người ta vẫn thường đặt câu hỏi rằng trong những vách đá và hang động ở núi Ngũ Hành (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có gì, mà khiến nhiều người ngưỡng vọng đến thế! Và từ “ma nhai” đầy bí ẩn kia có nghĩa là gì?

“Ma nhai” là một từ Hán – Việt cổ. Chữ ma có nghĩa là mài giũa, va chạm. Chữ nhai nghĩa là sườn núi, vách núi. Hai chữ này hợp lại, có nghĩa là chạm khắc vào vách núi, vách đá. Trong tiếng Trung Quốc hiện đại, từ “ma nhai” được dùng cũng đúng theo nghĩa này, chỉ việc đục đẽo, chạm khắc hình ảnh, từ ngữ… trên vách núi đá.

Đã có một giai đoạn, những ma nhai này phần vì không được quan tâm, phần vì người ta vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa lịch sử và giá trị nó mang lại, nên đã thiếu sự quan tâm, bảo tồn, phục hồi... khiến một số ma nhai bị phong hóa, hoặc bị xâm hại bằng những nét chữ nguệch ngoạc hiện đại. Một cuộc nghiên cứu công phu do Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế) thực hiện sau sáu tháng miệt mài đã phát lộ hệ thống 90 bản ma nhai với kỹ thuật điêu khắc rất tinh xảo, kết hợp giữa nét chữ tài hoa của văn nhân và kỹ thuật khắc của người thợ đá vùng Ngũ Hành Sơn.

Các nhà văn hóa tìm hiểu, phục dựng ma nhai tại Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế).

Những bia ma nhai đã được phục hồi nguyên văn, phiên dịch và làm rõ giá trị của cả nội dung lẫn hình thức. Nhiều người đã phải kinh ngạc trước sáng tạo, và sức sống bền bỉ của những bia ma nhai ở nơi này bất chấp những thương tổn của thời gian, của khí hậu miền biển, của thiên biến thời cuộc, và với cả nỗi ám ảnh bào mòn bia đá trăm năm.

Theo các nhà nghiên cứu, ma nhai Ngũ Hành Sơn có số lượng lớn nhất tại Việt Nam. Trong số 90 ma nhai được thống kê có 60 văn bản còn nội dung, 30 văn bản đã bị phong hóa, mất chữ, không thể khắc phục.

Hệ thống ma nhai ở đây chia thành ba nhóm: văn bia của Phật giáo thời chúa Nguyễn; ngự bút của vua Minh Mạng; thơ văn, hát nói, câu đối, đề từ, đề danh của các vị hoàng thân, quan lại, sư sãi, văn nhân, thi sĩ triều Nguyễn từ thời Đồng Khánh đến Bảo Đại. Đặc biệt, ma nhai Ngũ Hành Sơn được xem là bộ sử của Phật giáo Xứ Đàng Trong với tấm bia chữ Hán có niên đại 1622 thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên.

Vọng âm của đá

Hậu thế, có lẽ sẽ đầy cảm kích với những nhà văn hóa, những người nghiên cứu đã đánh thức những vọng âm của đá. Đá lặng lẽ mà văn trên đá đầy âm vọng lời tiền nhân lưu truyền gửi hậu thế. Ẩn chứa trong từng ma nhai đó là nét đẹp văn hoá Việt Nam ở tầng sâu tâm thức của cư dân bản địa qua loạt bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối trên vách đá. Không chỉ thế, nơi này còn đánh thức các tên làng xã xưa hóa thạch, lưu giữ mấy trăm năm qua và cho mai sau. Nhiều địa danh trên ma nhai Ngũ Hành Sơn đã chứng minh được lịch sử nhiều làng cổ lâu đời ở Đà Nẵng và Quảng Nam hiện nay.

Trong vọng âm của đá, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy được nhịp cầu quan hệ giao lưu văn hóa giữa các quốc gia và Việt Nam, với những “ký ức” về sự giao lưu văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội giữa Việt Nam và các nước trên con đường hàng hải xuyên khu vực. Ma nhai Ngũ Hành Sơn mang nhiều giá trị đặc biệt trên phương diện văn hóa, lịch sử, văn học, nghệ thuật, kinh tế du lịch.

Một trong những ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, đầu tháng 3 vừa qua, đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao bằng công nhận ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho TP Đà Nẵng. Như vậy, sau nhiều năm nghiên cứu, lập và đệ trình hồ sơ đề nghị công nhận lên Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngành chức năng TP Đà Nẵng đã đón tin vui đối với ma nhai Ngũ Hành Sơn.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, mỗi bia ma nhai tuy có sự khác nhau về hình thức, nội dung nhưng nét chung đều là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, hàm chứa những nội dung lịch sử, nhân văn quý báu, được ra đời trong sự kết hợp của tâm hồn, tài hoa của thi nhân và kinh nghiệm, kỹ nghệ của người nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước. “Ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn mang nhiều giá trị vượt ra ngoài ranh giới của một quốc gia, và đây là lý do được vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới” - bà Yến khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng Ban Quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết: “Sau khi được UNESCO công nhận di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, công tác gìn giữ và bảo tồn hệ thống bia ma nhai càng được quan tâm đặc biệt hơn. TP Đà Nẵng đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách tăng cường bảo vệ, phát huy những giá trị độc đáo của di sản này. Đặc biệt là việc số hóa những tư liệu liên quan đến hệ thống di sản ma nhai Ngũ Hành Sơn. Hiện nay, toàn bộ nội dung ma nhai ở Ngũ Hành Sơn đã được dịch ra tiếng Việt và được xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu. Hệ thống công cụ tra cứu toàn bộ văn tự ở đây gồm: mục lục các ma nhai tại Ngũ Hành Sơn lưu giữ theo cách truyền thống, tra cứu trên mạng nội bộ và ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng tại Bào tàng Đà Nẵng”.

Khách du lịch tìm hiểu về ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.

TP Đà Nẵng cũng đã đề ra 5 giải pháp trọng tâm để bảo tồn và phát huy giá trị ma nhai. Theo đó, ngoài việc sẽ tổ chức, kiểm tra, giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt các ma nhai, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới để phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn di sản ma nhai một cách bền vững, khoa học và hiệu quả, mang tính thực tiễn cao... TP Đà Nẵng cũng sẽ đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để học tập và trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu ma nhai.

Sau mấy trăm năm im lìm, những ma nhai trên đá đã được đánh thức, để người đời nay và đời sau hiểu hơn, trân quý hơn những tuyệt tác ở Ngũ Hành Sơn. Khuất lấp sau hình hài của đá và rêu phong của thời gian, những ma nhai ẩn trên vách đá giờ đây đã có một danh phận, và ở đó những ký ức trăm năm được tái tạc lại trong sự hân hoan của đất và người xứ Quảng.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện là nơi hội tụ 4 di sản cấp quốc gia và khu vực, gồm là danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước và Lễ hội Quán Thế Âm và di sản tư liệu Mai nhai thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất