, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 18/07/2022, 07:42

Ký ức Trường Sơn

TUẤN ANH - HOÀNG MY - PHƯƠNG TÂM - PHƯƠNG MINH
Với các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong từng chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, đó là những tháng ngày không thể nào quên...
 
 
 

 

Thiếu tướng Phan Khắc Hy - Nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn chia sẻ những kỷ vật Trường Sơn với bà Nguyễn Thị Quốc Hương - Phó TBT Tạp chí Nông thôn Việt.

 

Tôi rất xúc động, suýt trào nước mắt khi biết các anh chị em ở Tạp chí Nông thôn Việt vẫn tiếp tục kêu gọi, xây dựng các công trình lịch sử thiết thực và hoạt động đền ơn đáp nghĩa ở các tỉnh, thành dọc dãy Trường Sơn. Nghe tin Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn trọng điểm Cà Roòng ATP – Đường 20 Quyết Thắng sắp khánh thành, tôi như muốn bay ngay ra đó. Nhưng tôi năm nay 96 tuổi rồi, sức khỏe không cho phép mình thực hiện mong muốn đó. 

Tôi nghĩ ngôi đền này được xây dựng cũng là kỳ công và hi vọng nó sẽ trở thành một điểm đến du lịch tìm hiểu lịch sử hấp dẫn cho các thế hệ mai sau. Tôi tin rằng, sự có mặt của ngôi đền sẽ đánh thức một vùng đất hẻo lánh, qua các tua tuyến du lịch, giúp đời sống người dân nơi đó có điều kiện phát triển. Đó là điều mà những người lính Trường Sơn năm xưa như chúng tôi đau đáu nhiều năm rồi. 

Việc Tổng Biên tập Nguyễn Đức Quang trì chí với việc xây dựng các đền thờ tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn khiến chúng tôi vô cùng vui mừng vì thấy rằng sự nghiệp chăm lo cho Trường Sơn vẫn tiếp tục tiếp diễn đến thế hệ mai sau. 

 

 

 

 

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn gặp lại đồng đội đã từng vượt Tập đoàn trọng điểm ATP, trên đường 20 Quyết thắng, mùa khô năm 1971.

 

Mãi đến giờ tôi vẫn không quên được câu chuyện năm ấy… Hôm đó, đoàn xe của chúng tôi đi công tác qua trọng điểm Chà Là giữa lúc địch đang thả bom bi. Các xe nối đuôi nhau thì bỗng xe của hai đồng chí Thất và Khánh đột ngột dừng lại, chắn đường các xe phía sau. Lúc bấy giờ, xe của tôi mới chạy lên hỏi: “Sao thế?” “Khánh bị bom bi rồi”! – Cậu Thất đáp. Tôi nghe vậy liền bước xuống xe, mở ngay chốt cửa của ghế phụ để xem cậu Khánh thế nào. Nhưng không còn kịp nữa rồi, đạn xuyên qua kính xe và trúng ngay vào lồng ngực của Khánh. Lúc Khánh đổ nhào vào người tôi thì lưng cậu ấy cứ phì phì khói do bom bi nổ xuyên người. Tôi lên tiếng giục: “Nhanh lên, chạy lên phía trên là tới trạm cấp cứu của công binh rồi, ráng lên mà sống”!

Nhưng xe chạy được nửa đường thì Khánh tắt thở. Chúng tôi buộc phải xuống xe và bàn giao cho công binh theo quy định để xe tiếp tục vận chuyển hàng hóa. Trong tình thế cấp bách đó, tôi ở lại để giữ thi thể Khánh chờ người đến đưa đi. Lúc đó bom bắt đầu thả dữ dội trên đầu. May sao, gần đấy có một cái hầm do công binh đào cho bộ đội trú ẩn. Tôi ôm chặt Khánh vào người rồi chui xuống hầm. Tôi đặt đầu Khánh gối lên bụng, và cứ thế ôm cậu ấy cho đến khi mệt quá, thiếp đi lúc nào không hay. 

Chẳng biết tôi ngủ được bao lâu, chắc tầm 20 - 25 phút gì đó, thì nghe tiếng công binh gọi vọng vào. Anh lính công binh cùng tôi đưa Khánh lên. Mới đó mà người cậu ấy đã lạnh cứng. Tôi đau lắm, nghĩ sao cái chết của người lính bình thường và nhanh đến thế. Vừa nhìn thấy đấy, vừa ôm nhau đấy, mà bây giờ đã phải bắn 3 phát súng để tiễn đưa cậu ấy về nơi xa…

Từ bao lâu nay các đồng chí lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Trường Sơn cũng như những ai từng là bộ đội Trường Sơn đều nghĩ đến việc đưa đồng đội của mình đã hy sinh ở chiến trường về với đất mẹ. Cho nên khi ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn được xây dựng, tôi vô cùng cảm động. Một di tích có tính giáo dục truyền thống, lại ở ngay biên giới thì chứa đựng ý nghĩa vô cùng nhân văn. Từ nay đã có một nơi để anh em có thể tìm về... 

 
 

 

Năm 2004, Trung đoàn 98 thăm chiến trường xưa, Đại tá Trần Văn Phúc đứng số 1 từ phải sang bên bia Di tích cùng đồng đội.

 

Cuối năm 1970, Bộ Tư lệnh Trường Sơn ra quyết định tăng cường công tác cầu đường nhằm đảm bảo đợt vận chuyển lớn, kịp thời cho miền Nam. Tuy nhiên, đầu năm 1971 địch mở cuộc hành quân quy mô lớn mang tên Lam Sơn – 719, huy động hàng chục ngàn quân với đủ thứ vũ khí trang bị hiện đại nhằm cắt đứt đường vận chuyển nhân tài vật lực từ miền Bắc vào Nam. Trên các tuyến đường Trường Sơn, địch cho máy bay quần đảo đêm ngày, đánh phá ác liệt, mọi con đường đều trở thành mục tiêu đánh phá của chúng. Không còn cách nào khác, bộ đội ta phải mở các “đường kín” để không bị địch phát hiện, đảm bảo vận chuyện cả ngày và đêm. Việc này là vô cùng khó khăn, nhưng chúng ta đã làm được, và hệ thống đường kín chính là dấu ấn hào hùng của những người lính công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã chiến đấu trên Trường Sơn những năm tháng ấy. Toàn tuyến đường kín mà ta mở được lên đến 3.140km, tạo điều kiện để hàng chi viện cho miền Nam tăng từ 1,5 đến 2 lần.

Đường kín có 3 hình thức. Một là luồn phía dưới tán rừng già bên biên giới Lào, đường thường bằng phẳng, được cây che phủ bên trên. Hai là tận dụng chân khe suối. Vào mùa cạn, chúng ta cào dòng suối ra thành đường, chỉ cần phát (chặt, tỉa) cây, dây leo để tránh hạn chế tầm nhìn và không va vào xe là có thể di chuyển được. Ba là phủ cây ở những khoảng trống trên đường, như rừng cây để không bị phát hiện. Đường 20 Quyết Thắng – nơi hiện đang xây dựng Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn cũng có rất nhiều đường kín mà chúng tôi đã mở.

Có thể nói Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn được xây trên điểm cuối của đường 20 Quyết Thắng trên biên giới Việt Nam là vô cùng ý nghĩa. Tôi rất mong đến ngày có thể trở lại tuyến Đường 20 Quyết Thắng, đến đền thờ để thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội. Trong cuộc sống hiện tại, có một nơi chung để chúng ta cùng nhớ về, tôi thấy điều đó mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

 
 

 

Tôi không ở Trường Sơn trong thời gian chiến tranh chống Mỹ nhưng từ năm 1976 đến nay, tôi đã có hơn 35 năm gắn bó với những tuyến đường Trường Sơn khi công tác tại Binh đoàn 12 (là đơn vị kế tục sự nghiệp của Đoàn 559). Qua các cuộc khảo sát, thiết kế của Binh đoàn, chúng tôi làm nhiệm vụ “tìm đường” ở Trường Sơn, đặt chân lên những tuyến đường xưa, nơi vùng sâu, vùng xa nhất của biên cương Tổ quốc. Khảo sát các tuyến đường biên giới ở Trường Sơn sau chiến tranh, ngày ngày, chúng tôi vẫn ăn bo bo, cơm nắm, trèo rừng, vượt suối để “vẽ lại hình hài” cho tuyến Trường Sơn từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành (Bình Phước).

Đường 20 Quyết Thắng là một con đường vô cùng đặc biệt. Đó là tuyến đường bị đánh phá ác liệt nhất, bởi các vũ khí hiện đại nhất của không quân Mỹ, cũng là cung đường mưa bom bão đạn gian khổ nhất đối với các chiến sĩ, bộ đội Trường Sơn. Rất nhiều cán bộ chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường này. Được vinh danh là một kỳ công - kỳ tích - kỳ quan, Đường 20 Quyết Thắng mang nhiều câu chuyện, tâm tư, đời sống của đồng đội. Bởi vậy tôi đã rất xúc động khi biết ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn được xây dựng ở điểm cuối của đường 20 Quyết Thắng. Nguyện vọng có một địa điểm để trở về ôn lại một thời gian khổ mà hào hùng của cán bộ, chiến sĩ từng công tác, chiến đấu trên đường Trường Sơn cũng như nhân dân cả nước thế là đã thành sự thật.

Tôi mong sau khi ngôi đền được hoàn thành thì tất cả các liệt sĩ từ Xuân Sơn, Trạ Ang, Cà Roòng và nơi đất bạn bên kia biên giới đều được quy tụ về đây. Chắc chắn nơi đây sẽ là địa điểm du lịch tâm linh, du lịch lịch sử nơi biên giới phía Tây của Tổ quốc. Ngày khánh thành, chắc chắn tôi sẽ đến dự và thắp nén hương cho các đồng đội của mình. 

TUẤN ANH - HOÀNG MY - PHƯƠNG TÂM - PHƯƠNG MINH ghi

 
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất