, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 08/02/2022, 08:47

Lạc quan nhé, ta cùng "hồi sinh"

NHƯ UYÊN
Ngay cả khi nói về những giông bão mình vừa trải qua, KTS Hoàng Tuấn Long vẫn tỏa ra một nguồn năng lực tích cực, hừng hực nhựa sống. Chỉ khi kể về mẹ, giọng anh mới khẽ run, nhưng ở giây phút đó đôi mắt anh vẫn sáng lấp lánh. Dường như anh sẵn sàng cho bất kỳ kịch bản nào. Và như đọc được suy nghĩ của tôi, anh híp mắt bảo: “Sau khi vượt qua được Covid, tôi nghĩ không có gì làm khó được mình!”.
 
 
 

Tôi đến gặp Kiến trúc sư, Kỷ lục gia Hoàng Tuấn Long(*) vì tác phẩm “Hồi Sinh” (Rebirth), tác phẩm được lấy cảm hứng từ những trải nghiệm của anh - một F0 đã cận kề cửa tử trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TP.HCM. Và vì vậy, một cách tự nhiên câu chuyện mở đầu của chúng tôi là chuyện Covid.

Anh kể, vào cuối tháng 07/2021, khi số ca nhiễm ở thành phố đã ở mức 4 chữ số thì cha anh mắc bệnh. Rất nhanh sau đó, từng thành viên trong gia đình lần lượt dương tính với chủng virus này. Là người lớn cuối cùng trong nhà còn khỏe mạnh, anh tất tả gửi hai con nhỏ may mắn chưa nhiễm bệnh đi cách ly, rồi một tay chăm sóc cha mẹ và vợ trước khi chính mình cũng bị dương tính. Khỏe nhất, lại dương tính cuối cùng trong nhà nhưng anh Long không ngờ mình chính là người nằm viện lâu nhất. Hơn 1 tuần trong phòng Hồi sức tích cực (ICU) và 1 tháng nằm viện, đã có lúc anh thấy mình “ngấp nghé”... 

Có lẽ vì “có gốc” Nhạc viện nhưng lại là dân kiến trúc nên hành trình nằm viện qua lời kể của anh đầy ắp hình ảnh và những thanh âm… Đèn luôn sáng rực. Phòng bệnh chật cứng bệnh nhân. Giường bệnh nào cũng chằng chịt máy móc, dây ống đủ loại. Mỗi loại máy phát ra những tiếng “tít tít” khác nhau. Ám ảnh nhất là những lúc tiếng “tít tít” dồn dập, bởi nó báo hiệu có bệnh nhân nguy kịch. Những lúc ấy, thời gian như ngừng lại, không gian như đặc quánh…

Những ngày khó khăn ấy, anh nghe tin mẹ mình qua đời ở Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận. Từ nỗi đau mất mẹ, bản thân đến thở cũng khó vì tổn thương phổi nặng nề, anh nung nấu ý định thực hiện một tác phẩm để kể lại câu chuyện của mình. Và cứ như thế, anh phác thảo những nét đầu tiên cho Hồi Sinh ngay trên giường bệnh.

 
 
 
 
 
 

Được vẽ ở bệnh viện và được thực hiện trong 1 tháng sau ngày bình phục Covid-19, Hồi Sinh đã ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Không đồ sộ như những mô hình kiến trúc đã làm nên tên tuổi KTS Hoàng Tuấn Long, Hồi Sinh thoạt nhìn chỉ là một tác phẩm mang đậm màu sắc Phật giáo với hình tượng một tiểu vũ trụ (Mạn-đà-la). 

Anh cho biết tất cả các chi tiết của tác phẩm đều xuất phát từ những mất mát và trải nghiệm sinh tử của mình trong trận đại dịch. Trung tâm tác phẩm là một người ngồi thiền, tượng trưng cho mẹ anh. “Bà đã về trời nhưng ở một khía cạnh nào đó thì bà vẫn ở đây, vẫn luôn ngắm nhìn con cháu, che chở cho chúng tôi”, KTS Hoàng Tuấn Long chia sẻ. Tán cây sum suê ở phía sau tượng trưng cho sự “hồi sinh” của bản thân anh – một tiểu vũ trụ, khi anh vượt thoát lưỡi hái của tử thần.

 
 
 
 

Dù xuất phát điểm là một câu chuyện cá nhân, anh nhấn mạnh rằng đây là một tác phẩm dành cho cộng đồng. Với Hồi Sinh, anh mong muốn truyền đi thông điệp hi vọng đến đại chúng bởi mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ luôn được những người yêu thương dõi theo và kì vọng. Cũng với Hồi Sinh, anh mạnh dạn phát đi lời cổ vũ ý chí vươn lên, vượt qua nghịch cảnh hay thậm chí là “hồi sinh” từ cõi chết. Một lời cổ vũ mà bất kỳ ai sống trong thời dịch cũng cần được nghe. Với anh, câu chuyện đại dịch đã kết thúc, nhưng với nhiều bệnh nhân khác thì hành trình “Hồi Sinh” chỉ mới bắt đầu.

 
 
 
 

Khi được hỏi về tình trạng sức khỏe hiện tại, anh cười lớn: “Không sao, chuyện nhỏ”. Nhìn anh, khó ai có thể tưởng tượng đây là người có thời kỳ hai lá phổi trắng xóa và được bác sĩ cảnh báo sẽ mất ít nhất từ 6 đến 9 tháng để quay về trạng thái cũ. KTS Hoàng Tuấn Long đã có một sự hồi phục ngoạn mục, anh bình phục hoàn toàn chỉ sau 3 tháng. Bí quyết của anh nằm ở sức mạnh tinh thần và ý chí muốn khỏi bệnh. Không suy nghĩ tiêu cực, không bi quan và xác định rõ ràng mục tiêu sống là cách giúp anh có động lực níu giữ sợi chỉ mong manh của cuộc sống trong nhiều khoảnh khắc.

 
 
 
 

Khi còn mặc áo bệnh nhân, đeo ống thở, anh vẫn sẵn sàng trả lời phỏng vấn báo chí, đài truyền hình vì anh muốn công chúng hiểu rằng Covid-19 “rất ghê gớm và phải dè chừng”. Anh lo ngại khi nhiều người xung quanh mình chưa thấy được sức tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh và không tự giác thực hiện các biện pháp giãn cách, phòng dịch. Cũng qua đó, anh muốn lan tỏa sự yêu đời và lạc quan để những F0 như anh có sức mạnh tinh thần vượt qua bệnh tật. Bằng trải nghiệm của mình, anh Long cho rằng: Covid-19 là một cuộc chiến ngắn hạn, nhưng hậu Covid-19 được xác định là một cuộc chiến dài hơi. Trên thế giới và cả ở Việt Nam, người ta nói nhiều về những dấu hiệu trầm cảm, lo âu, mất phương hướng của nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh Covid-19. KTS Hoàng Tuấn Long khẳng định: “Khi chiến đấu với Covid-19 thì tinh thần phải lạc quan, nhưng khi thắng được Covid-19 rồi thì tinh thần càng phải lạc quan hơn nữa”.

Cuối buổi trò chuyện, anh tâm sự từ ngày khỏi bệnh bản thân anh cũng thay tính đổi nết… Anh thấy mình dễ tính hơn, yêu đời hơn và biết trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống hơn. Ngày anh tự thở được, không khí ngọt lạ thường. Ngày anh về đến nhà sau cả tháng trời nằm viện, tiếng chim hót, tiếng chó sủa bỗng trở nên thi vị, du dương và “cuộc sống này sao mà lung linh dữ vậy”. Nghe tiếng rao “bánh mì Sài Gòn…” trong con hẻm nhỏ, anh hỏi tôi “Thành phố hồi sinh rồi em nhỉ?” Tôi gật gù, phải rồi, thành phố đã hồi sinh, và trước mắt tôi là minh chứng sống động của sự hồi sinh đó.

 
 

(*) Thạc sĩ, Kiến trúc sư, Kỉ lục gia Hoàng Tuấn Long là người sáng lập ra loại hình nghệ thuật Boarc sử dụng tăm giang và nhựa acrylic để tạo nên những mô hình kiến trúc và nhân vật thu nhỏ công phu và độc đáo. Những tác phẩm của anh đã được triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Đức… và nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng trong và ngoài nước.

 
 

Bài viết: NHƯ UYÊN

Thiết kế: NGUYỆT ÁNH

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất