, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 08/12/2021, 10:24

Lạc quan với lực lượng sáng tạo trẻ

MAI AN
(SGGP)
Diễn ra tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong những ngày đầu tháng 12, tuần lễ sáng tạo với chủ đề “Đánh thức truyền thống” đã đem tới nhiều tín hiệu mới đầy lạc quan về những người sáng tạo trẻ. Những sản phẩm tham dự tuần lễ, những ý tưởng được xây dựng công phu, tâm huyết cho thấy giới trẻ không quay lưng, thậm chí rất mặn mà với truyền thống.

Với gần 200 sản phẩm, ý tưởng thiết kế sáng tạo được gửi tới, cho thấy khái niệm truyền thống vốn thường được “đóng đinh” với những không gian, thời gian xưa cũ cứng nhắc đã bắt đầu có dấu hiệu chuyển biến mới về nhận thức với giới sáng tạo. Không còn nhiều sản phẩm “cắt, dán” một cách cơ học như trước, mà đã thấy ở đó tinh thần của lịch sử, của văn hóa truyền thống trong những sản phẩm đương đại.

Ngoài 5 lĩnh vực chính như thiết kế nội thất, thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, thiết kế công cộng và thiết kế sản phẩm, còn có nhiều tác phẩm khá giao thoa. Sản phẩm tham dự đều khai thác hiệu quả các yếu tố biểu tượng có liên quan đến truyền thống văn hóa bản địa, đặc biệt, đã có sự xuất hiện của công nghệ.

Có thí sinh sử dụng phần mềm 3D hỗ trợ thiết kế thời trang cũng như trình bày các bài thời trang, điều này tăng tính kết nối của thiết kế, thể hiện được tinh thần thời đại vì chúng ta đang dịch chuyển sang nền tảng số ở mọi lĩnh vực.

Trái với những lo ngại rằng truyền thống là đề tài khó với lực lượng thiết kế sáng tạo hiện nay - vốn chủ yếu là giới trẻ, ban giám khảo bất ngờ bởi các sản phẩm đã khai thác tốt giá trị truyền thống bằng những hình thức thể hiện với tư duy đương đại.

Tất nhiên, những sản phẩm tham dự tuần thiết kế mới chỉ dừng lại ở mức đơn giản như hộp đựng quà, miếng lót cốc, ốp điện thoại di động; trang phục, quạt tre, đồ nội thất… song mừng là đã được đầu tư công phu. Mỗi thế hệ sẽ có cách tiếp nhận, nuôi dưỡng truyền thống khác nhau và bồi đắp những địa tầng giá trị mới cho truyền thống.

Khi kết nối với quá khứ, được truyền cảm hứng từ các câu chuyện, tìm kiếm, khai thác và vận dụng những yếu tố, đặc điểm của văn hóa - lịch sử..., cùng với quan điểm sáng tạo độc đáo, các nhà thiết kế sẽ cho ra đời những sản phẩm sáng tạo mới mang đậm chất Việt.

Như nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Hoài Sơn chia sẻ, khi mỗi người nghĩ nhiều hơn về việc xây dựng một ngôi nhà không chỉ để ở, cây cầu không chỉ để đi hay ngọn đèn đường không chỉ để chiếu sáng, tất cả phải trở thành công trình mang tính biểu tượng, nghệ thuật… thì lúc đó sáng tạo sẽ được truyền thêm cảm hứng. Và chúng ta có quyền hy vọng không khí sáng tạo mới sẽ tiếp tục lan tỏa, kết tinh để có ngày một nhiều hơn sản phẩm mang dấu ấn dân tộc.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.

Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất