
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, mức tăng lãi suất 1,8% là quá cao. Ông lấy ví dụ người mua nhà ở xã hội vay 1 tỉ đồng trong 20 năm với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm, giờ tăng lên mức 1,8% tương đương người vay phải chi thêm hơn 18 triệu đồng/năm ngoài tính toán ban đầu. Mỗi tháng người có thu nhập thấp phải trả thêm 1,5 triệu đồng là quá sức.
Do đó, ông Hiếu cho rằng Chính phủ cần xem xét nguồn ngân sách hỗ trợ người vay mua nhà ở xã hội, cấp ngân sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ khoản lãi suất ưu đãi cho người dân.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) đề xuất nên tiếp tục áp dụng mức lãi suất 4,8%/năm với những người vay mua nhà ở xã hội trước thời điểm ngày 1/8/2024; sau thời điểm ngày 1/8 mới áp dụng mức lãi suất 6,6%/năm cho những người vay mới.
Điều này nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình cho vay, giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước; đồng thời, phù hợp với khả năng chi trả của người vay.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trường hợp cân đối được nguồn ngân sách nhà nước thì giải pháp tốt nhất là nên điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ, từ mức 6,6%/năm xuống còn 3% - 4,8%/năm.
HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, từ mức 6,6%/năm cần giảm xuống 3% - 4,8%/năm, tương tự như chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở với lãi suất cho vay 3%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Mức lãi thấp như vậy nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của chính sách đối với hộ nghèo và đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội.