, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 01/04/2021, 11:51

Lâm Đồng: Gỡ nút thắt về đầu ra cho nông sản

Theo MAI THÙY (baolamdong.vn)

Giá thấp và gặp khó khăn về đầu ra là câu chuyện chung của nhiều loại nông sản trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nay kể cả khi chưa có dịch Covid-19 bởi có nhiều nguyên nhân sâu xa. Điều này đặt ra cho nông dân lẫn cơ quan chức năng cần phải xây dựng “kịch bản” ứng phó phù hợp để gỡ nút thắt về đầu ra cho nông sản. 

 

Nông dân xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng thu hoạch xà lách.
Nông dân xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng thu hoạch xà lách.

Rau rẻ như cho

Huyện Đức Trọng - một trong những địa phương có diện tích sản xuất rau vụ Đông Xuân đứng đầu trên toàn tỉnh. Với hơn 7.000 ha rau với tổng sản lượng cả vụ khoảng 224.000 tấn. Tại thời điểm này, rau vụ Đông Xuân đang thu hoạch rộ. Nông sản không có đầu ra, khiến bà con nông dân trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn.

Những ngày giữa tháng 3, ghi nhận tại xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng, nơi có gần 400 ha rau sản xuất cung ứng cho các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh lân cận. Tình trạng khó tiêu thụ, giá giảm, kéo dài ước tính người dân lỗ từ 7 - 8 triệu đồng mỗi sào. Bà Vương Thị Hằng (thôn Sê Đăng, xã N’Thol Hạ) chia sẻ: “Gia đình tôi đã đầu tư trồng hơn 3 sào cà rốt và 4 sào hoa. Trước tết, mỗi sào củ cải, cà rốt bán được trên 10 triệu đồng, nhưng hiện nay giá chỉ còn 2-3 triệu đồng/sào mà cũng không có người mua. Thương lái hiện nay chỉ mua cà rốt, cà chua loại đẹp với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, những loại xấu hơn thì xác định đổ bỏ”.

Ngoài cà rốt thì cà chua, cải thảo, xà lách và những cây rau màu khác đang trong tình trạng tương tự. Nếu tình trạng tiêu thụ nông sản vẫn chậm và kéo dài, có thể nhiều diện tích rau, củ, quả trên địa bàn huyện Đức Trọng sẽ bị quá lứa, giảm chất lượng và không thể sử dụng được, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Chị Tô Thị Kim Oanh (thôn Sê Đăng, xã N’Thol Hạ) cho biết dù đã chủ động chuyển sang trồng loại nông sản khác và giảm diện tích gieo trồng nhưng thua lỗ là điều không thể tránh khỏi. “Cuối năm vừa rồi, gia đình trồng hơn 1,5 ha cà chua nhưng bị thua lỗ. Hiện, gia đình đã chuyển đổi qua trồng ớt nhưng giá cả cũng khá thấp khi bước vào vụ thu hoạch rộ” - chị Oanh cho biết thêm.

Ông Lê Minh Tân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng cho biết: Thực tế, nhiều hộ chỉ chuyên canh trồng một loại rau vì đơn giản là theo thế mạnh và kinh nghiệm. Đơn cử như vụ Đông Xuân này, nông dân tập trung sản xuất các loại chính như su hào, bắp cải, cải thảo, cà chua, xà lách… chiếm đến 60 - 70% sản lượng, dẫn tới dư thừa, mất giá. Về lâu về dài, để giải quyết vấn đề này thì chính quyền địa phương phải vào cuộc, tìm cách kết nối với doanh nghiệp trong sản xuất, liên kết chế biến thì mới mong có đầu ra ổn định. Để không còn cảnh “giải cứu” nông sản thì cần phải định hướng người dân tổ chức sản xuất, cơ cấu hợp lý các loại rau theo nhu cầu thị trường.

Giá cả xuống thấp, thương lái chỉ chọn mua cà chua loại đẹp, loại trái nhỏ hơn đành phải đổ bỏ.
Giá cả xuống thấp, thương lái chỉ chọn mua cà chua loại đẹp, loại trái nhỏ hơn đành phải đổ bỏ.

Để nông sản không còn phải “giải cứu”

Theo thống kê của cơ quan chức năng, Lâm Đồng có khoảng 23.400 ha rau, với sản lượng ước khoảng 641.000 tấn rau, củ các loại. Hiện, việc tiêu thụ nông sản đang ở mức rất thấp và nhiều nhà vườn, HTX đã lên tiếng nhờ cộng đồng “giải cứu” nông sản. Covid-19 hiện không còn là dịch bệnh đột xuất. Ssau hơn 1 năm ứng phó với dịch bệnh, nền kinh tế đã đi vào giai đoạn “bình thường mới”, điều này đặt ra cho các địa phương phải có các “kịch bản” ứng phó phù hợp.

Trao đổi với Báo Lâm Đồng Online, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho rằng sản xuất hàng hóa nông sản ở địa phương hiện nay ngày càng tăng trưởng và sản lượng rất lớn theo từng mùa vụ. Đây là nguồn cung cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu rất dồi dào nhưng hệ thống phân phối, sự liên kết giữa các vùng miền, hạ tầng vận chuyển thiếu ổn định đã gây thêm những khó khăn cho việc tiêu thụ hàng nông sản. Trong khi đó, cung vượt cầu, liên kết thiếu bền vững, kế hoạch sản xuất của bà con nông dân không ổn định nên đã ảnh hưởng chung đến việc tiêu thụ nông sản như hiện nay. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có thời điểm nhiều địa phương phong toả, hàng hóa vận chuyển khó khăn nên cũng dẫn đến tình trạng ùn ứ nông sản trên địa bàn.

Giá cà rốt xuống thấp khiến người nông dân thua lỗ.
Giá cà rốt xuống thấp khiến người nông dân thua lỗ.

“Để giải quyết tình trạng này, cần tập trung sản xuất những mặt hàng có tính cạnh tranh, những mặt hàng đã được định hình thương hiệu; đa dạng các sản phẩm nông nghiệp để phục vụ và hướng đến thị trường nội địa, vì khi dịch bệnh xảy ra, thị trường xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn; đồng thời, nông dân cần tham gia vào các chuỗi liên kết, cùng với doanh nghiệp và HTX giải quyết bài toán về đầu vào cho nguồn nguyên liệu cũng như đầu ra cho sản phẩm” - ông Sơn khuyến cáo.

Để xây dựng kịch bản ứng phó trước mắt cũng như lâu dài cho việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ông Sơn nhấn mạnh: “Cần tăng cường phát triển nền kinh tế tập thể; trong đó, có HTX và tổ hợp tác. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để làm hạt nhân đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm của người nông dân với doanh nghiệp và nông dân với HTX, có như vậy sản xuất mới bền vững. Tăng cường nhân rộng các mô hình công nghệ sau thu hoạch và các trung tâm chế biến sau thu hoạch trong các dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong chương trình hợp tác với Nhật Bản. Đồng thời, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm về nông nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành; tăng cường giới thiệu và xây dựng các sản phẩm OCOP trên thị trường”.

Theo MAI THÙY (baolamdong.vn)

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất