, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 21/04/2022, 06:00

Làm gì để giảm tốc độ tuyệt chủng của các loài?

TƯỜNG NGUYỄN
(theo Reporterre)
Tốc độ tuyệt chủng của các loài hiện cao gấp từ 10 đến 100 lần so với mức trung bình của 10 triệu năm qua, khiến các nhà khoa học có cơ sở để đánh giá rằng hành tinh của chúng ta có lẽ đang trải qua giai đoạn “đại tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu” trong lịch sử.
Chim hồng hoàng mũ cát (Rhinoplax vigil) đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì bị săn bắt quá nhiều chỉ để lấy phần đầu (mỏ và “mũ”) làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ sau khi được điêu khắc, chế tác tinh xảo. Ảnh: National Geographic

Một nghiên cứu khoa học đăng tải vào tháng 01/2022 trên tạp chí Science có tên “Những tác động từ thực trạng quần thể động vật đang biến mất ảnh hưởng lên khả năng của cây cối trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu” (The effects of defaunation on plants’ capacity to track climate change) của tác giả Evan Fricke đã cảnh báo rằng thảm thực vật trên trái đất đã mất đi 60% khả năng thích ứng với hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Khi động vật biến mất, cây cỏ cũng chết theo

Một số lượng lớn chim và động vật có vú đã chết, trong khi nhiều loài trong số đó là nhân tố then chốt trong tự nhiên giúp phát tán hạt cây đến những nơi có điều kiện khí hậu thích hợp hơn để cây non phát triển tốt. Hậu quả là nhiều loài thực vật có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Để có thể đưa ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu đã thu thập và phân tích dữ liệu từ hàng nghìn nghiên cứu về cách thức mà động vật có vú và chim đã góp phần phát tán hạt cây trên khắp thế giới.

Ví dụ, hạt ngưu bàng (Arctium tomentosum) có móc dính bám vào lông những con thú trên đường di chuyển và nhờ đó chúng phát tán được khắp nơi. Nhiều loại quả có màu sắc và mùi vị hấp dẫn thu hút động vật đến ăn và hạt của chúng sẽ phát tán sau khi được thải ra qua đường tiêu hóa của các loài thú. Ví dụ, loài voi thảo nguyên châu Phi (Loxodonta africana) có thể mang hạt cây đi xa đến 65km.

Khỉ đột trông rất đẹp và cũng là “nhà phân phối” hạt cây rừng tốt nhất trong tự nhiên. Ảnh: Pixnio/USFWS

Việc phát tán hạt đi xa giúp thực vật có cơ hội phát triển mạnh hơn trong các vùng đất mới đủ rộng lớn, nơi có điều kiện ánh sáng và thổ nhưỡng tốt hơn. Song hiện nay, theo chuyên gia Evan Fricke, khí hậu toàn cầu đã thay đổi nhiều, kéo theo môi trường sống của động thực vật ngày càng khắc nghiệt hơn. Và các thế hệ con cháu của nhiều loài thực vật cũng cần phải “di chuyển” xa thêm từ vài trăm mét đến hàng chục cây số mỗi năm mới có thể tìm được vùng đất thích hợp để phát triển.

Do không biết “đi”, không thể chủ động di chuyển trong không gian tự nhiên, cây cỏ phải “nhờ vả” đến động vật bốn chân và chim chóc là chủ yếu để có thể “di cư” từ vùng này qua vùng khác.

Ảnh mô phỏng hạt ngưu bàng (Arctium tomentosum) bám vào lông động vật nhờ gai dính, nhờ đó được phát tán đi xa trên quãng đường di chuyển của con vật. Ảnh: Plantura

Tác động nghiêm trọng từ con người

Quy trình tồn tại mang tính tương hỗ của hệ động - thực vật trên hành tinh đã và đang bị đe dọa từ nhiều hoạt động của con người. Theo báo cáo mới nhất từ Diễn đàn liên chính phủ về đa dạng sinh học (IPBES), sau 5 thập kỷ, sinh khối (số lượng sinh vật sống trên một đơn vị diện tích vùng) của động vật hoang dã đã giảm đến 82%. 

Tốc độ tuyệt chủng của các loài hiện cao gấp từ 10 đến 100 lần so với mức trung bình của 10 triệu năm qua, khiến các nhà khoa học có cơ sở để đánh giá rằng hành tinh của chúng ta có lẽ đang trải qua giai đoạn “đại tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu” trong lịch sử, do môi trường sống tự nhiên của sinh vật bị phá hủy trầm trọng, nạn săn bắt trộm ngày càng nhiều và tinh vi, và các quần thể thực vật có hại đang xâm lấn ngày càng mạnh. Tất cả những yếu tố vừa nêu đang gây hại đến sự sống còn của động vật, khiến quy trình phát tán hạt mầm thực vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Khi voi bị giết để lấy ngà, trong dạ dày chúng thường chứa đầy hạt cây. Khỉ đột, gấu nâu nhìn trông rất bắt mắt, nhưng không chỉ có thế, chúng còn là những “nhà phân phối” hạt giống tốt nhất của tự nhiên”, Evan Fricke dẫn chứng.

Bắc Mỹ, châu Âu và khu vực Nam Mỹ La tinh là những nơi hệ thực vật chịu thiệt hại nhiều nhất. Quần thể động vật kích thước lớn có khả năng phát tán hạt cây trên một diện tích rộng tại những khu vực địa lý nói trên, như gấu xám ở California, đã biến mất từ lâu. Trong tương lai, nhiều quần thể động vật có vú và chim bị giảm sút số lượng rất có thể đe dọa các hệ sinh thái vùng nhiệt đới, đặc biệt là ở Madagascar và Đông Nam Á, vì chúng có khả năng giúp phát tán đến 90% số lượng hạt cây trong các khu rừng nhiệt đới. Nhóm các nhà khoa học ước tính rằng một khi các loài động vật này không còn nữa thì khả năng cây cỏ thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ giảm đi thêm 15%.

Loài voi thảo nguyên châu Phi (Loxodonta africana) có thể mang hạt cây đi xa đến 65km. Ảnh: National Geographic

Môi trường sống tự nhiên bị phá hủy

Chuyên gia sinh thái học người Pháp Jonathan Lenoir đã chỉ ra nhiều yếu tố khác nhau làm chậm trễ tiến trình “di cư” của một số loài thực vật: “Một trong những hệ quả tai hại lớn nhất là môi trường sống của cây cối đang bị con người chia cắt, xẻ nhỏ. Khi con người mở rộng thành phố, khi đa số các không gian đô thị được bê-tông hóa, môi trường sống tự nhiên ngày càng trở nên manh mún và bị cô lập. Do đó, một số loài thực vật rất khó được phát tán trên diện rộng. Thêm vào đó, các tác nhân phát tán hạt cây, là muôn thú, cũng không thể tiếp cận được môi trường sống mới thuận lợi hơn”.

Loài heo vòi ở Nam Mỹ (Tapirus terrestris) được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cảnh báo đang có nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: Getty Images

Tác giả Evan Fricke hy vọng nghiên cứu trên đây sẽ giúp phác họa được một bức tranh toàn cảnh rõ nét về những mối liên hệ rất khăng khít giữa biến đổi khí hậu và cân bằng đa dạng sinh học. Ông nhận định: “Khi nhiều loài động vật giúp phát tán hạt cây biến mất, thì sẽ có nhiều quần thể thực vật giảm diện tích, thậm chí nhiều loài cây sẽ tuyệt chủng. Đối với rừng già, hậu quả không chỉ là mất đi đa dạng sinh học thực vật, tức mất đi môi trường sống của muôn thú, mà còn là mất đi lượng carbon do thực vật tồn trữ, hệ lụy là sẽ đẩy nhanh tiến trình biến đổi khí hậu trên trái đất”.

Chỉ ra điều quan trọng bậc nhất hiện nay là phải bảo vệ các loài động vật ăn quả, hạt và đấu tranh chống lại việc chia cắt môi trường sống của chúng, Evan Fricke kết luận: “Tất cả đều được kết nối đan xen lẫn nhau; cây cối, muôn thú và con người đều có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau một cách chặt chẽ”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất