, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 20/12/2021, 19:00

Làm giàu từ lục bình, mây, tre

NGỌC GIANG
(nld.com.vn)
Các sản phẩm thủ công được tạo ra từ cây lục bình, mây, tre, nhựa giả mây của cơ sở sản xuất do một nông dân tại Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đã vươn khắp thị trường thế giới, mang ngoại tệ về cho đất nước

Trở về từ TP Hà Nội sau lễ trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021" hôm 2/12, ông Lê Văn Đạt - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hiệp Hòa (gọi tắt là Công ty Hiệp Hòa; khu phố Hải Tân, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - vẫn chưa hết xúc động, tự hào khi là một trong 63 người được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh.

Vượt khó, vượt khổ làm giàu

Theo ông Đạt, danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021" là thành quả của hàng chục năm ông cùng các thành viên Công ty Hiệp Hòa đã vượt khó, vượt khổ, vươn lên làm giàu cho gia đình. Danh hiệu này còn là sự ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của ông đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung, đưa sản phẩm đến với thị trường quốc tế, được bạn hàng ưa chuộng, tin dùng.

Ông Đạt cho biết vào năm 2002, khi các sản phẩm từ lục bình, mây, tre vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng quan tâm, cơ sở gia công đan lục bình của ông tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ là nhỏ lẻ, vài nhân công; thị trường tiêu thụ cũng hẹp. Xác định mục tiêu phải đưa sản phẩm của mình vươn xa ra các thị trường khó tính như châu Âu, ông đã thành lập Công ty Hiệp Hòa vào năm 2006, bắt đầu nhận những đơn hàng lớn để xuất đi nước ngoài.

"Để làm quen với thị trường mới, thời gian đầu, công ty chịu nhiều áp lực và khó khăn. Đây là thị trường "khó tính", yêu cầu sản phẩm đạt chất lượng cao hơn, kéo theo chi phí làm ra sản phẩm cũng nâng lên và thời gian đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề đạt chuẩn cũng dài hơn" - ông Đạt nhớ lại.

Dù vậy, bằng sự cần mẫn của một nông dân, cộng với đầu óc biết tính toán của một thương gia, ông Đạt từng bước khẳng định được thương hiệu bằng những sản phẩm chất lượng do công ty mình làm ra, tạo uy tín trên thị trường nước ngoài. "Mọi thứ đều phải làm quen từ đầu. Những đơn hàng xuất đi luôn nhận được phản hồi tốt nên chúng tôi có nguồn vốn tái đầu tư, cứ góp và xây rồi mở rộng. Công ty được như hôm nay là cả một quãng đường gian truân" - ông Đạt bày tỏ.

Qua gần 20 năm hoạt động, nỗ lực tìm kiếm khách hàng và phát triển thị trường, đến nay, Công ty Hiệp Hòa đã mở rộng quy mô. Công ty đã đầu tư hơn 30 tỉ đồng xây dựng nhà xưởng, kho chứa, mua sắm trang thiết bị, máy móc, đáp ứng việc sản xuất hàng xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Đức, Anh, Trung Đông…

Đến nay, Công ty Hiệp Hòa đã xuất khẩu mỗi năm từ 90.000 - 110.000 sản phẩm với hàng ngàn mẫu mã như: ghế, túi, rổ, giỏ, ngăn đựng đồ dùng hay các sản phẩm trang trí nhà cửa. Ở mỗi thị trường khác nhau, công ty lại sản xuất các sản phẩm khác nhau nhằm đáp ứng thị hiếu cũng như thói quen, cách thức sử dụng của người tiêu dùng nơi đó nhưng vẫn bảo đảm yếu tố thẩm mỹ và tính thân thiện với môi trường.

"Do làm từ lục bình, tre, mây, không sử dụng hóa chất, không gây ô nhiễm môi trường nên sản phẩm của công ty được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng. Chúng tôi cũng cố gắng tạo nên các sản phẩm độc đáo, lạ mắt, thu hút và bảo đảm chất lượng để đứng được lâu dài tại những thị trường khó tính" - ông Đạt tự tin.

Làm giàu từ lục bình, mây, tre - Ảnh 1.
Ông Lê Văn Đạt bên sản phẩm được làm từ lục bình
Làm giàu từ lục bình, mây, tre - Ảnh 2.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ lục bình của Công ty Hiệp Hòa chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường các nước

Tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Công ty Hiệp Hòa có doanh thu 3-4 tỉ đồng/tháng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế đất nước, công ty và cá nhân ông Đạt đã giúp hàng trăm lao động tại Bà Rịa - Vũng Tàu và các địa phương lân cận có công ăn việc làm ổn định.

Ông Đạt cho biết Công ty Hiệp Hòa giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 500-550 lao động, với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng tùy tay nghề. Đây là những lao động chủ chốt, được đào tạo tay nghề cao.

Ngoài ra, gần 800 lao động mùa vụ, khi cao điểm lên đến gần 1.000 người - chủ yếu là người già, phụ nữ vùng quê - được công ty hướng dẫn kỹ thuật để tham gia nhiều công đoạn sản xuất. Họ nhận sản phẩm về làm tại nhà, tận dụng thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập cho gia đình khoảng 3-4 triệu đồng/tháng.

Nhiều năm qua, ông Đạt phối hợp với chính quyền và nhiều đơn vị ở địa phương tổ chức dạy nghề cho nhiều đối tượng, trong đó có người khuyết tật, mồ côi tại các cơ sở từ thiện, người đang thi hành án tại các trại giam... Vì vậy, ngoài việc được tôn vinh làm ăn giỏi, người đàn ông 60 tuổi này còn được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là nông dân tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn nhất trong đợt này. 

Được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú

Với những đóng góp của ông Lê Văn Đạt, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015.

Năm 2018, ông Đạt được trao danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp trung ương giai đoạn 2012-2016". Ông còn được Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" năm 2016 vì đã cống hiến trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống. Sản phẩm của công ty ông được trao chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018, năm 2020...

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất