, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 23/10/2017, 14:38

Làm giàu từ mô hình trồng sen lấy ngó kết hợp vụ lúa Đông Xuân

 
Với 12 ha đất canh tác, mỗi ngày, chị Trịnh Thị Châu thu hoạch được 200kg ngó sen, bán thu được 2 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí chị lãi 1 triệu đồng/ngày. 
 

 

Chị Trịnh Thị Châu sinh năm 1977, quê gốc ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Chị cho biết, chị vào Thạnh Hòa - một xã vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước,Tiền Giang lập nghiệp vào năm 1995. Ban đầu, chị gom vốn mua được 3 ha đất. Trong đó. chị dành 0,5 ha lên liếp cất nhà. Còn lại 2,5 ha đất sản xuất chị trồng lúa.

Do đất đai màu mỡ kết hợp với việc chú trọng áp dụng các biện pháp thâm canh theo khoa học nên phần đất chị trồng lúa cho năng suất rất cao. Mỗi năm 3 vụ với sản lượng trên 52 tấn. Sau trừ chi phí, chị còn lãi khoảng 100 triệu đồng.
 
Trong quá trình trồng lúa, chị Châu lại nhận thấy cây sen là vốn đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười, được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là ngó sen. Nên chị đã mạnh dạn thuê thêm 12 ha đất của Trại giam Phước Hòa (thuộc Bộ Công an) đóng trên địa bàn xã Thạnh Hòa để trồng sen lấy ngó.
 
Với đặc tính dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nên chỉ sau 2 tháng, sen của chị Châu đã có thể thu hoạch. Chị cho biết, với 12 ha đất canh tác, mỗi ngày, chị thu hoạch được 200kg ngó sen, bán thu được 2 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí chị còn lãi 1 triệu đồng/ngày.
 
Chưa kể, do thời gian thu hoạch kéo dài 6 tháng nên cả vụ sen, gia đình chị Châu thu về mức lãi lên đến 180 triệu đồng/vụ. Không những thế, chị còn góp phần tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập từ 150.000 đến 200.000 đồng/ngày.
 
Sau khi vụ sen kết thúc, chị Châu lại tiếp tục gieo sạ vụ lúa Đông Xuân. Trên diện tích 12 ha đất trồng lúa, gia đình chị thu về được sản lượng ước đạt gần 100 tấn lúa, lãi trên 170 triệu đồng. 
 
Nhờ nguồn thu nhập từ trồng lúa và trồng sen mà sau hơn 20 năm khai hoang sản xuất trên vùng Đồng Tháp Mười, gia đình chị Châu đã xây được nhà cửa khang trang, có điều kiện lo cho con cái ăn học thành tài.
 
Không những thế, chị Châu còn chia sẻ kinh nghiệm trồng sen lấy ngó, giúp đỡ giống, cho các hộ nghèo quanh xóm mượn vốn để áp dụng mô hình trồng sen lấy ngó. Nhờ vậy mà mô hình này có sức lan tỏa mạnh trong vùng.
 
Cụ thể là tại xã Thạnh Hòa. Diện tích sản xuất theo mô hình trồng sen lấy ngó kết hợp sản xuất vụ lúa Đông Xuân đã tăng lên gần 100 ha. Đồng thời, trở thành nơi cung ứng nguồn ngó sen quan trọng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
 
Theo ông Dương Hoàng Linh, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, Tiền Giang, chị Trịnh Thị Châu không chỉ là gương điển hình phụ nữ nông thôn sản xuất - kinh doanh giỏi của tỉnh mà còn là người hết lòng vì cộng đồng, chung sức xây dựng nông thôn mới trên quê hương Thạnh Hòa.
 
"Chị đã tự nguyện hiến khoảng 200m2 đất để địa phương thi công tuyến đường Đông Kênh Một với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng. Con đường này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, giúp diện mạo nông thôn xã Thạnh Hòa ngày càng tươi đẹp và hiện đại hơn", ông Linh cho biết thêm

Cẩm Vân tổng hợp
 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất