, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 03/10/2022, 16:35

Quảng Nam: Làm giàu từ cây cau bản địa

THIÊN HƯƠNG
Hàng chục năm qua, cây cau tre bản địa đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân Tiên Phước (Quảng Nam). Do đó, diện tích trồng loài cây này ngày càng được mở rộng.

Dạo một vòng quanh các xã Tiên Cảnh, Tiên Lãnh, Tiên Hiệp, Tiên Châu… của huyện Tiên Phước, chúng tôi thấy nhà nhà đều trồng cau, ít thì vài chục cây, nhiều nhà vườn trồng hàng ngàn cây. Đa số các vườn cau đang cho thu hoạch, một số ít cũng được vài năm tuổi. Đặc biệt, người dân chỉ trồng giống cau tre bản địa, vì loại cau này dễ thích nghi mọi thời tiết, cho năng suất cao, được nhiều thị trường ưa chuộng.

Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết, cây cau Tiên Phước là loại cây trồng truyền thống có từ hàng trăm năm nay ở địa phương, đặc biệt xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc là cái nôi của cây cau, cau của 2 địa phương này đã trở thành hàng hóa từ thời Pháp thuộc.

Ông Thành bên vườn cau ươm của Hợp tác xã.

Nắm bắt nhu cầu trồng cau bản địa, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) đã đẩy mạnh ươm giống cau kịp thời cung cấp ra thị trường mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Thành – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) cho biết, nhu cầu trồng cau của người dân địa phương ngày càng tăng cao, vì thế, HTX không ngừng mở rộng diện tích vườn ươm. “Để cây cau tre con phát triển tốt, HTX chú trọng chọn những quả cau tre đạt chất lượng làm giống, đó là những quả cau chín vàng, to bóng, không bị sâu bệnh. Trong quá trình ươm, thường xuyên tưới nước, che lưới hạn chế nắng, bón phân trùn quế...” – ông Thành chia sẻ.

Hiện tại, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng có hơn 3ha đất ươm cau giống, mỗi năm HTX ươm hơn 100.000 cây cau tre. Việc ươm cau bắt đầu từ tháng Giêng đến khoảng tháng 6 là xuất bán. Mỗi cây cau được HTX bán ra thị trường với giá 10 ngàn đồng/cây. Thị trường tiêu thụ cau giống chủ yếu ở các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Hiệp Đức và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Doanh thu đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

Mỗi năm HTX Nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng xuất bán hàng ngàn cây cau giống ra thị trường.

Ông Thành cho biết thêm: “Sở dĩ cau tre bản địa được nhiều thị trường ưa chuộng vì quả dài, đẹp; Khi bán tươi hay sấy khô đều nặng ký. Mỗi buồng cau có thể nặng từ 8 - 10kg là chuyện bình thường”.

Bà Nguyễn Thị Bình (xã Tiên Lãnh, Tiên Phước) phấn khởi nói: Gia đình bà trồng hơn 1ha cau tre bản địa, mỗi năm thu được hơn 200 triệu đồng. “Cây cau tre dễ chăm sóc, không kén đất, chỉ cần bón phân, làm cỏ sau khi thu hoạch là cau lại phát triển tốt, buồng cau nặng trĩu. Nhờ vườn cau mà gia đình tôi có tiền lo cho các con ăn học hàng năm. Trước đây, gia đình tôi trồng keo nhưng hiệu quả không cao, từ khi trồng cau giá trị mang lại khác hẳn”.

Người dân huyện Tiên Phước ưa chuộng trồng cau tre bản địa vì mang lại giá trị kinh tế cao.

Hiện nay cây cau được trồng ở khắp 15 xã, thị trấn thuộc huyện Tiên Phước, tập trung nhiều nhất ở 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc với nhiều vườn cau quy mô 1 - 2ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Toàn huyện Tiên Phước hiện có 1.002ha trồng cau, trong đó diện tích đã cho quả là 523ha. Sản lượng năm đạt khoảng 2.664 tấn quả cau tươi, giá bán cau tươi biến động từ 30.000 – 90.000 đồng/kg tùy thời điểm. Sản phẩm xuất khẩu là quả cau sấy, thị trường tiêu thụ chủ yếu Trung Quốc. Giá trị thu nhập toàn huyện trên 100 - 200 tỷ đồng/năm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất