, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 14/05/2023, 19:00

Làm "ma xó" ở chợ Tam Quan Bắc

LÊ KHÁNH XUÂN
Đi quốc lộ 1A đến thị trấn Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định), hỏi người dân lối rẽ xuống Tam Quan Bắc, chạy thẳng 1 đường là đến vùng đất bình dị đầy mùi lúa và biển.
Từ cầu Thiện Chánh nhìn ra biển.

Tôi từng sống ở vùng đất này suốt 11 năm đầu đời, rồi rời xa nó đã hơn 20 năm. Lần này quay lại, tôi định sẽ “du lịch” vùng đất này như một “ma xó” thứ thiệt - một kiểu du khách đã thuộc nằm lòng từng ngóc ngách của vùng đất, đã có sẵn một “bản đồ” trong tim để cứ thế mà trở lại. Máy bay vừa hạ cánh xuống Quy Nhơn lúc trời chập tối, tôi đã nghĩ ngay đến việc phải dậy thật sớm vào sáng hôm sau để chạy xe máy ra biển, rồi tấp vào chợ Tam Quan Bắc trên đường về nhà.

Nhà nội tôi ở Dĩnh Thạnh. Từ nhà nội, lịch trình đi chợ của tôi chừng 3 cây số, xuyên qua ba thôn. Từ Dĩnh Thạnh, ngang qua chợ Tam Quan Bắc ở thôn Tân Thành, rồi xuống thẳng biển Thiện Chánh. Chơi biển chán chê, lại quay về chợ.

Buổi sáng, tôi theo mấy đứa em họ, chạy xe máy ra biển. Chạy xe máy giữa cánh đồng lúa vào buổi sáng sớm là một trải nghiệm vô giá với những tâm hồn thành thị. Nhưng, cái khứu giác đang mê mẩn trong tinh sương đã vội choáng ngợp với mùi bát ngát của biển.

Vừa trôi tuột khỏi con đường bên đồng lúa, chúng tôi đã thấy hơi biển tràn vào trong những làn gió sớm. Chỉ đâu vài tích tắc sau, bờ biển Thiện Chánh đã hiện ra, hiền hòa trong ánh sáng dịu dàng buổi mặt trời còn chưa ló dạng. Tụi nhỏ - mấy đứa em họ dân Hoài Nhơn thứ thiệt của tôi - mời tôi một món chơi khó lòng từ chối: đi dọc bờ biển chờ mặt trời mọc. Tôi gật đầu cái một.

Cá ăn rác - công trình thanh niên địa phương - đặt dọc bãi biển nhắc nhở mọi người bỏ rác đúng chỗ.

Thiện Chánh không phải là bãi biển du lịch. Ngoài cái thanh khiết của sóng và gió, du khách đến đây còn được đi giữa cái thanh thuần của đời sống cư dân ven biển.

Mặt trời chưa lên, nhưng đã thấy từng tốp cô chú đi bộ thể dục trên bờ biển. Vài người đã kịp đầm mình dưới nước biển buổi sớm mai, rồi lên bờ, đào mấy hang cát chôn chân xuống, nằm thư giãn. Ngồi im lặng phía bờ xa, nhìn về phía họ, tôi nhớ cả tuổi thơ đen nhẻm ở chính bãi biển này. Những lần tôi tập bơi sải, tập núp sóng, rồi cả mấy lần hụt chân, uống nước no bụng. Có lần, tôi hụt chân suýt chết. May nhờ có mấy đứa con trai nhanh nhảu lại cứu lên. Trận đó về nhà, tôi bị mẹ la suốt buổi, không phải vì cái tội hụt chân, mà là tội… để bọn con trai phải cứu. Nghĩ buồn cười cho cái nếp “thọ thọ bất thân” của mấy bà mẹ quê xứ biển

Mặt trời mọc thật nhanh. Vừa thấy hòn lửa ló lên ở đường chân trời phía Đông kia, chúng tôi bắt đầu ôn lại những kỷ niệm “cởi truồng tắm biển” năm xưa, thì đã thấy xung quanh sáng rõ. Nắng phủ xuống mặt biển, phủ luôn một lớp vàng rỡ xuống bãi cát quanh chỗ tôi ngồi. Phát hiện cái bụng đang réo sôi, tôi vồn vã đòi tụi nhỏ tiến hành tiết mục quan trọng nhất của chuyến đi chơi sáng nay: quay về chợ Tam Quan Bắc kiếm gì ăn.

Chợ Tam Quan Bắc mùa này.

Chợ Tam Quan Bắc là thiên đường ẩm thực của người địa phương. Người Hoài Nhơn xa quê mà nghe nhắc tên chợ sẽ giật mình nhớ ngay đến các bánh cuốn, bánh bèo, bánh dây, ốc hến… Nên chi, vừa quyết sẽ về chơi, tôi đã bắt đầu luống cuống.

Vừa tấp xe vô chợ, tôi sà ngay vào hàng rau củ. Hàng rau củ ở đây thết đãi phần “nội trợ” trong thôi khá hậu hĩnh. Tôi mua nào là khoai sọ quê, rau quê, kính thưa các thể loại rau và củ quê, nhất là dưa mùng. Món dưa mùng ở chợ Tam Quan Bắc là số dzách. Nhìn dưa mùng, tôi nghĩ ngay đến món cá ngừ kho dưa mùng, nước mắm đường, cốt dừa với ớt cay xè. Vừa nghĩ tới thôi đã… rúng động vị giác.

Chạy xuống hàng cá tôm đồ biển, tôi như… bắt được vàng. Đủ thứ đồ biển tươi ngon. Đợt đó đang mùa mực mành - loại mực mới vớt lên, đựng trong cái mành, còn tươi nguyên vị biển, chưa qua nước. Nhìn lũ mực nhấp nháy “đá lông nheo”, không một kẻ mê ăn nào mà không rộn rã trong lòng. Sang hàng cá, tôi gặp lại bao loại cá thượng hạng: cá căng, cá đổng…

Hàng bún bò kiểu mẫu ở chợ Tam Quan Bắc.

“Gom cả chợ cá” (như lời của một bé em đi cùng), tôi nhận ra cái bụng đang quá đói. Tôi dặn chị hàng cá hàng tôm làm sẵn, rồi nhanh chân sà vào trung tâm “chữa đói” của chợ. Ở đây đầy đủ lựa chọn cho con người thèm món quê. Nào là bún bò kiểu Bình Định, bánh bèo, bánh căn, bún nước tro, bánh đúc, bánh canh chả cá, bún vịt, bánh xèo… Tôi thèm bánh bèo quê nhất nên chạy vô kêu mấy phần bánh bèo chén. Cái vị bột gạo trộn với xíu dầu (ngày trước dùng dầu dừa thơm hơn), rồi thêm đậu phộng xay, mắm nhân, mắm mặn ngọt ớt tỏi, thật phủ phê cho một cơn thèm…

Chợ Tam Quan Bắc còn có mấy hàng nước đậu nành, đậu xanh ngon nhất quả đất. Cô bán nước đậu nổi tiếng huyện này là cô Bảy. Tôi hơi bối rối khi thấy cô vẫn ngồi đó sau hơn 20 năm. Dù cô đã già đi nhiều, nhưng hàng nước đậu và kiểu động tác, nét xoay trở của cô giữa hàng nước này thì không lẫn vào đâu được. Tầm chục năm trước khi tôi chào đời, cô đã là “bà trùm nước đậu” ở chợ Tam Quan Bắc. Rồi cái ngày tôi lũn chũn theo mẹ ra chợ, làm bạn hàng của cô, kể cũng đã hơn 30 năm. Kỳ diệu là mùi vị nước đậu vẫn không hề thay đổi, vẫn thơm bùi một cái mùi xa lắc đó...

Ở hàng nước đậu cô Bảy.

“Con xong rầu, cô tính tiền cho con ih”, tôi hay ôn lại giọng Bình Định mỗi khi lạc vào chợ Tam Quan Bắc. Suốt đợt về Bình Định, sáng nào tôi cũng lặp lại hành trình này. Từ Dĩnh Thạnh đi thẳng ra biển Thiện Chánh, rồi quay về chợ Tam Quan Bắc. Mỗi ngày một món, mỗi ngày một cuộc viễn du vào thế giới ẩm thực rặt quê của vùng đất lắm sản vật của biển, của đất, và của sự khéo léo của con người.

Và ngày nào tôi cũng trở về với cái bụng, cái tâm hồn no nê, để dành cho tháng ngày xa xôi tiếp đó…

Cá đổng tươi xanh mua ở chợ Tam Quan Bắc về kho kiểu Bình Định.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất