, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 26/06/2017, 11:28

Làm nông nghiệp, nhìn từ ly rượu vang sóng sánh

TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN

Nhờ có nhiều nắng và mùa đông nhiệt độ lại có thể xuống tới 2-3 độ C, nên việc trồng nho và phát triển ngành công nghiệp rượu vang ở Nam Phi rất thuận lợi. Nhưng tất nhiên, để trở thành một cường quốc rượu vang, sánh vai cùng Ý, Pháp, Australia... thì được thiên nhiên ưu đãi là chưa đủ.

Không nhất thiết phải lớn mới mạnh!

Chúng tôi đến một trang trại trồng nho nằm cách Cape Town khoảng 100 km. Trang trại có 160 ha đất trồng nho, hàng năm sản xuất ra khoảng 1,6 triệu chai rượu vang gồm cả vang trắng và vang đỏ. Thời đầu thế kỉ 20, việc trồng nho ở trang trại không phát triển. Chỉ đến khi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 bùng nổ, việc nhập khẩu rượu vang từ châu Âu gặp khó khăn, ông chủ trang trại mới quyết định đầu tư hệ thống sản xuất rượu vang.

nam

Cánh đồng nho ở tỉnh Constantia, Nam Phi. Ảnh: Benny Marty

 

Với 40 lao động ký hợp đồng dài hạn, người chủ trang trại cho xây một làng định cư, bao gồm cả trường tiểu học, nhà thờ và trạm xá. Vị trí của làng cách khu ở của gia đình ông chủ khoảng 10-15 km. Phần đông những lao động phổ thông sẽ được thuê thêm khi vào vụ thu hoạch chính là vợ hay con em của những người lao động chính.Nhà xưởng đầu tiên được xây năm 1941 và sau đó cách 2 năm xây tiếp một cơ sở nữa liền kề. Cách thức tổ chức sản xuất ở đây khá đặc biệt. Đến thời điểm chúng tôi tới thăm, trang trại ký hợp đồng lao động cố định với 40 lao động. Trong hợp đồng ký với chủ trang trại, mỗi lao động đều phải cam kết vào mùa vụ thu hoạch nho sẽ đưa thêm từ 3-4 lao động phổ thông đến giúp trang trại thu hoạch đúng thời vụ.

Qua quá trình tìm hiểu, tôi được biết công nghệ sản xuất rượu vang ở đây vẫn là công nghệ “gia truyền” từ những thế hệ nhập cư đầu tiên.Việc chế biến rượu vang ở khâu đầu hoàn toàn là thủ công, sau đó áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cái mới trong toàn bộ dây chuyền là những bình xi-lô chứa hàng trăm nghìn lít rượu vang được làm bằng thép inox và có các thiết bị kiểm soát nồng độ cồn, nồng độ axit, nồng độ đường trong từng mẻ rượu. Trong quá trình chế biến, nho thu hoạch được tập trung thành từng lô, mỗi lô đều ghi rõ xuất xứ (cụ thể từng cánh đồng). Với giá thành rượu vang bán buôn trên thị trường, có thể sơ bộ tính người chủ trang trại thu nhập tới 16 triệu USD/năm.

Bí quyết đảm bảo chất lượng sản phẩm nằm ở chỗ áp dụng khoa học công nghệ vào các công đoạn chăm sóc cây nho, đảm bảo đủ nước, hạn chế sâu bệnh, hạn chế sử dụng hóa chất, từ đó cho được sản phẩm sạch. Và bí quyết ổn định sản xuất không phải là người chủ đã tích tụ được nhiều ruộng đất, mà là có chính sách đãi ngộ để “giữ chân” được người lao động lành nghề.

Gắn sản xuất với du lịch ẩm thực

Bên cạnh sản xuất rượu vang, trang trại còn tổ chức những buổi thử rượu cho lượng khách khoảng 30-50 người/ngày. Khi đến thử rượu vang, du khách phải đặt chỗ trước và được sự xác nhận của trang trại, nếu không sẽ không có chỗ.

Trong mỗi buổi thử vang, khách có thể thưởng thức từ 6-10 loại rượu do chính trang trại sản xuất. Một cách thử khác là thưởng thức cùng một loại rượu, nhưng được sản xuất vào những năm khác nhau để phân biệt số ngày nắng, ngày mưa trong từng năm tác động đến chất lượng rượu vang như thế nào.

Đáng lưu ý là việc cung ứng thức ăn cho khách đến thử rượu vang cũng rất hạn chế. Khách chỉ có thể đặt ăn ngay tại trang trại, chứ không thể mua thịt tươi từ trang trại để mang về. Định mua thêm một ít thịt cừu nướng, chúng tôi được hướng dẫn đi sang một trang trại khác cách đó 20 km.

Phải chăng đây là một cách thức khôn khéo để khống chế số lượng khách, đảm bảo chất lượng phục vụ và thể hiện tình đoàn kết với trang trại chăn nuôi lân cận?

Khai thác khôn ngoan báu vật xanh

Quản lý rừng theo mô hình trang trại gắn với du lịch là một kinh nghiệm quý khác. Nam Phi là một quốc gia nổi tiếng với các vườn bảo tồn quốc gia, gắn với tê giác, hươu cao cổ, ngựa vằn… và nhiều loại thú nổi tiếng khác.

Chúng tôi đến thăm một khu trang trại có chủ là người Đức. Năm 2000 ông sang Nam Phi mua 5.000 ha rừng để kinh doanh. Ông chỉ thuê 5 lao động cố định, trong đó 2 người làm nhiệm vụ chăm sóc cây và quản lý, 3 người làm công tác hướng dẫn du lịch, trong đó có cả du lịch săn bắn.

Một số loại thú quý hiếm thì phải có giấy phép của chính quyền, còn những loại như lợn rừng, hươu, nai…thì được săn bắn không cần giấy phép. Người muốn săn bắn phải đăng ký trước để đặt lịch và được hẹn khi đã bố trí được người hướng dẫn. Súng, đạn và người hướng dẫn cùng với xe ô tô được trang trại cung cấp cho du khách.

Trước khi lên xe, người đi săn được phép làm quen với súng săn và nghe hướng dẫn về các quy định trong khu vực săn bắn, sau đó tất cả lên xe pick-up để đi tìm đàn thú mà họ định săn. Việc tìm đàn thú có thể kéo dài cả buổi nhưng nếu gặp may thì cũng có thể chỉ 30 phút đã gặp.

Khi đó, người hướng dẫn sẽ hướng dẫn người đi săn vào các vị trí thích hợp để có thể nổ súng bắn được con mồi. Chi phí cho một chyến săn bắn mỗi một ngày chỉ vào khoảng 200 USD và nếu bắn được một con thú thì người săn bắn phải trả thêm tiền thú, tùy loại.

Theo lời kể của ông chủ trang trại, do biến đổi khí hậu, Nam Phi bị hạn hán từ đầu năm 2017 đến cuối tháng 4/2017, thú trong vườn của ông đã chết khoảng 600 con do không có thức ăn. Vì vậy, trang trại dự kiến trong những tháng còn lại của năm 2017 sẽ phải trồng khẩn cấp vào khoảng 30-50 ha cỏ sử dụng hệ thống tưới của Isarel để cứu đàn thú trong vườn.

Tôi hỏi ông chủ trang trại, với khoản đầu tư như vậy, Chính phủ Nam Phi có hỗ trợ gì cho trang trại không, thì nhận được câu trả lời hết sức bất ngờ: Chính phủ không hỗ trợ một đồng! Thu nhập của khu vườn đủ để ông có kinh phí đầu tư trồng mới 50 ha cỏ để cứu đàn thú của mình, qua đó duy trì được doanh thu từ các hoạt động tổ chức du lịch và săn bắn mạo hiểm. Người dân thu lợi, làm giàu được từ rừng sẽ bằng mọi cách giữ rừng.

Thời gian đi thăm Nam Phi ngắn, nhưng tôi đã có nhiều phát hiện lý thú. Nam Phi có nhiều điểm khác biệt với Việt Nam, song cũng có không ít những điểm tương đồng với hướng phát triển mà chúng ta đặt ra trong thời gian tới. Những câu chuyện nhỏ ghi lại ở Nam Phi qua trải nghiệm thực tế có thể gợi ý cho người làm chính sách vĩ mô về nhiều vấn đề lớn cần giải đáp.

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất