, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 26/08/2022, 19:30

“Làm quen” với động đất

HỒNG LAM
(baokontum.com.vn)
Số lượng và cường độ các trận động đất ở Kon Plông đang ngày càng tăng cho thấy cần một phương án phòng, chống động đất bài bản, dài hơi, thay vì những biện pháp nhỏ lẻ.
Vị trí xảy ra động đất tại huyện Kon Plông chiều 23/8. Ảnh: HL

Những cảnh báo dồn dập

Ngày 23/8, tại huyện Kon Plông xảy ra hơn 10 trận động đất, trong đó trận có cường độ lớn nhất từ trước đến nay là 4.7 độ Richter. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Theo xác nhận từ người dân và chính quyền địa phương, dù cảm nhận rung lắc mạnh hơn những trận động đất trước đây, nhưng trận động đất chiều 23/8 chưa gây thiệt hại gì. Hiện chính quyền huyện đang theo dõi sát tình hình.

Điều đáng nói, số lượng và cường độ các trận động đất ở Kon Plông đang ngày càng tăng. Số liệu thống kê của UBND tỉnh cho thấy, từ năm 1903 đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ Richter trở lên tại huyện Kon Plông và lân cận.

Trong đó, chỉ có hai trận động đất xảy ra vào năm 1973 độ lớn 3.9 độ Richter và năm 2015 độ lớn 3 độ Richter.

Nhưng chỉ tính riêng từ tháng 4 năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông và vùng lân cận đã ghi nhận hơn 300 trận động đất. Như vậy, chỉ trong hơn 1 năm, số trận động đất ghi nhận được tăng khoảng 10 lần so với tổng số trận trong 117 năm.

Cường độ các trận động đất cũng ngày càng lớn. Trong đó, ngày 18/5/2022, tại huyện Kon Plông ghi nhận động đất có cường độ 4.5 độ Richter, và ngày 23/8/2022 ghi nhận trận động đất có độ lớn 4.7 độ Richter.

Thông tin tích cực là, theo Viện Vật lý địa cầu, động đất xảy ra ở Kon Plông là động đất kích thích, giống như từng xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Nam.

Động đất kích thích thường là một chu kỳ, có thể kéo dài vài năm đến cả chục năm. Độ lớn của các trận động đất kích thích cũng không quá cao, ít có khả năng gây ra thiệt hại về người và tài sản.

Mặc dù vậy, UBND tỉnh dự báo, trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh, nhất là huyện Kon Plông, tiếp tục có những trận động đất kích thích có cường độ và mật độ ngày càng lớn, gây sập đổ công trình, nhà ở, cầu cống, sạt lở đất gây ách tắt giao thông.

Đặc biệt, có nguy cơ rạn nứt bờ đập, dẫn đến vỡ đập thủy điện, khả năng ngập nước vùng trũng, ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Trong khi đó, cũng theo Viện Vật lý địa cầu, các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết và chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực.

Các nhà khoa học kiểm tra thực tế tại khu vực xảy ra động đất ở huyện Kon Plông. Ảnh: Khoa Điềm

“Làm quen” với động đất

Đã đến lúc chúng ta cần chủ động, tích cực “làm quen” với động đất, với một phương án phòng, chống động đất bài bản, dài hơi và hiệu quả, thay vì những biện pháp nhỏ lẻ.

Trong đó có sự gắn kết chặt chẽ từ quy hoạch, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, đến nghiên cứu khoa học; tuyên truyền, tập huấn cho người dân về ứng phó động đất.

Về phía các nhà khoa học, cần quan tâm triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất tại khu vực và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

Chính quyền các cấp và ngành chức năng cần tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó thảm họa động đất.

Gắn phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của hạ tầng cơ sở, công trình xây dựng và khu dân cư. Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị gắn với quy hoạch phát triển ngành và phòng, chống thiên tai, bảo đảm phát triển bền vững.

Có giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi, thủy điện, các nhà cao tầng và các công trình cơ sở hạ tầng khác trong mùa mưa lũ, bão, động đất và các loại hình thiên tai khác. Nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo; đầu tư mua sắm trang thiết bị ứng phó.

Xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, phương án ứng phó; tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập theo phương án. Trong đó, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”; chủ động huy động, điều phối các lực lượng để sơ tán, phòng, tránh thảm họa và cứu hộ, cứu nạn.

Có phương án khai thác, vận hành, bảo vệ an toàn các công trình lớn, như hồ chứa thủy điện, thủy lợi, hệ thống lưới điện, hệ thống giao thông. Bảo đảm khi xảy sự cố do động đất gây ra mức độ thiệt hại thấp nhất và khắc phục nhanh nhất, phục vụ công tác khôi phục các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân để tăng cường mức độ chủ động ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi động đất xảy ra.

Động đất không thể dự báo trước, song có một số biện pháp có thể làm trong lúc động đất để tránh hoặc giảm thương tích và thiệt hại do động đất gây ra. Vì vậy, đối với người dân, cần được trang bị, và tự trang bị, “phương án sinh tồn” khi xảy ra động đất.

Câu chuyện của chị Y.X (thôn Đăk Tăng, huyện Kon Plông) về cách gia đình chị ứng phó với động đất cho thấy, đa phần người dân vẫn chưa biết phải làm gì khi động đất xảy ra, nên đều hoang mang, hoảng loạn.

“Đang ngủ thì cảm nhận thấy mặt đất rung chuyển, đồ đạc rớt hết xuống nhà. Sợ động đất sập nhà nên cả gia đình chạy ra ngoài sân để tránh. Trong làng nhà nào cũng vậy cả”- chị Y.X kể.

Chính vì thế, đã đến lúc người dân cần được hướng dẫn và tập luyện nhuần nhuyễn các kỹ năng ứng phó, để khi động đất xảy ra ngay lập tức biết làm gì cho đúng.

Ví dụ, khi rung lắc đầu tiên thì ẩn nấp dưới bàn ăn, bàn làm việc, để bảo vệ đầu mình không bị đồ vật rơi xuống; ngắt các nguồn gas, lò sưởi, điện ngay khi xảy ra động đất. Nếu lửa bùng phát, cần dập tắt nhanh chóng. Tránh chạy ra khỏi nhà khi đang xảy ra động đất.

Những quy tắc chung tưởng đơn giản, nhưng không phải ai cũng biết, nhất là đồng bào DTTS. Cần tuyên truyền kỹ và tổ chức diễn tập thì người dân mới biết, hiểu và thực hiện được.      

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất