, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 14/08/2022, 07:00

Làm trang sức từ xương rắn

KIỀU TRINH
Nhẫn, vòng tay, dây chuyền, khuyên tai… tất cả đều được làm từ nguyên liệu chính là xương rắn. Bộ môn nghệ thuật mới lạ, độc đáo đem lại thu nhập cao mà ít người biết đến.
Trịnh Quang Nhã - người thiết kế trang sức từ xương rắn.

Cách đây khoảng 2 năm, trong một lần lướt Facebook vô tình thấy bài viết từ một nhóm tiêu bản, lúc đó mình tò mò và bắt đầu tham gia tìm hiểu về tiêu bản xương. Mình thích rắn vô cùng nên hay tìm những món trang sức liên quan hay có hình con rắn để đeo, lướt thấy vòng tay xương rắn nhưng không được bán tại Việt Nam và giá cũng quá cao. Vận dụng những thứ mình biết và quy trình cá nhân của mình, những chiếc vòng tay xương rắn đầu tiên ra đời”. Trịnh Quang Nhã, sống tại Cà Mau, chia sẻ về cơ duyên đến với nghệ thuật làm trang sức từ xương rắn.

Mang đam mê đến với đời thực

Những ngày bắt đầu với bộ môn nghệ thuật mới lạ và độc đáo, Quang Nhã tự tìm tòi, học hỏi và bắt tay vào thử nghiệm. Tuy nhiên, anh gặp phải không ít khó khăn. “Khoảng 2 năm trước, khi vừa bắt đầu tìm hiểu thì mình cũng bắt tay vào làm luôn. Thời gian đầu mình làm hỏng rất rất nhiều xác do trước giờ không có kiến thức gì về giải phẫu hay cấu trúc xương. Cuối cùng, sau nhiều thử nghiệm, mình ra được quy trình riêng và tạo ra những bộ xương hoàn chỉnh, dù không đẹp cho lắm”, Nhã kể lại.

Sản phẩm sau khi hoàn thiện.

Để có thể tạo nên những bộ trang sức làm bằng xương rắn, các vật dụng anh đều đặt mua trên mạng. Xác rắn anh thu mua từ những nơi buôn bán rắn công nghiệp và trong quá trình làm, anh luôn nói không với các động vật còn sống. “Mình ở Cà Mau. Đây là vùng có điều kiện thuận lợi nên có nhiều nơi nuôi, mua bán rắn công nghiệp dùng làm thực phẩm. Những con bị bệnh, đuối sức, thường người ta sẽ vứt đi để tránh lây bệnh cho những con còn sống. Mình dặn họ đừng vứt và thu gom tất cả xác ấy về tự phân loại. Khi rắn đã chết, nó được bán với giá chỉ bằng ¼ hay đôi khi là cho không nhưng mình vẫn luôn trả tiền vì muốn giúp đỡ người nông dân”.

Bắt đầu quy trình lấy xương rắn.

Từng công đoạn chế tạo trang sức đều được Quang Nhã làm thủ công một cách tỉ mỉ. Xác rắn mua về anh mổ lấy hết nội tạng rồi cho bọ cánh cứng vào ăn sạch phần thịt còn sót lại trên xác rắn. Để làm việc này, anh phải nuôi khoảng 10.000 con bọ cánh cứng. Phần xương rắn còn lại, anh tẩy trắng và làm sạch vi khuẩn trong xương bằng oxy già đun sôi, sau đó chế tác, xếp khuôn nếu là nhẫn, hoặc nối chúng lại bằng dây, tết lại nếu là vòng tay dây rút và cuối cùng là mài dũa thành phẩm cuối cùng.

“Theo mình, tất cả gói gọn ở sự kiên nhẫn, chịu khó làm từ từ thì ai cũng sẽ có thể làm được. Ngoài ra, chắc cũng cần có một “tinh thần thép” vì việc mổ động vật loại bỏ nội tạng, máu me và bốc mùi sẽ không hợp với nhiều người, thêm lũ sâu bọ lúc giải quyết thịt chết trên xác thì không khác gì phim kinh dị”, Nhã cho biết.

Xác rắn trước và sau khi được bọ “đánh chén”.
Xác rắn sau khi được bọ “đánh chén”.

Mấy tháng đầu tiên bắt tay vào việc, Nhã thất bại khá nhiều. Sau nhiều lần hư hại, anh bắt đầu có kinh nghiệm và sử dụng nhiều bọ hơn để làm sạch xương trong thời gian ngắn hơn.

 Anh nói: “Khó khăn nhất với mình đó là đổ resin, mình không phải thợ resin, những đốt xương rắn thì có nhiều lỗ khiến cho bọt khí trào lên làm xấu hoặc hư luôn chiếc nhẫn. Mình tốn kha khá thời gian cho công đoạn này. Nhiều người chỉ mình sử dụng nồi hút bọt chuyên dụng nhưng mình thấy cũng không ổn vì nó làm trào bọt trước khi phá bọt, mà bọt trào lên thì những đốt xương được xếp tỉ mỉ sẽ lệch khỏi vị trí…” Cho đến thời điểm hiện tại, Quang Nhã khẳng định ở Việt Nam anh là người duy nhất cung cấp sản phẩm nhẫn làm từ xương rắn.

Cho xương rắn vào khuôn mẫu và tiến hành làm trang sức.
Cho xương rắn vào khuôn mẫu và tiến hành làm trang sức.

Tôn vinh vẻ đẹp của cái chết

Sau hơn 2 năm bắt đầu với công việc làm trang sức từ xương rắn, số tác phẩm của Quang Nhã đã lên tới vài trăm. “Thời gian làm mỗi tác phẩm khác nhau tùy vào độ khó của loại trang sức. Thường thì thời gian cho ra xương khoảng 1 ngày rưỡi, thắt vòng tay khoảng nửa tiếng là xong còn làm nhẫn thì lâu hơn do phải chờ resin khô cứng như đá mới có thể chế tác. Trường hợp làm cả bộ xương thì có khi phải mất 7 - 15 ngày mới hoàn chỉnh tùy theo độ lười của mình chưa kể mình còn phải vẽ - mình vốn là designer mà”, Nhã nói.

Một loại trang sức làm từ xương rắn.
Một loại trang sức làm từ xương rắn.

Nhiều người tò mò hoặc tỏ ra thích thú với những tác phẩm đầu tiên của Nhã. Anh nhận được không ít lời khen bởi nó lạ nhưng một thời gian sau, khi độ lan tỏa của các tác phẩm xa hơn, anh nhận lại nhiều bình luận tiêu cực như “tạo nghiệp”, “quái đản”, thậm chí có người còn bóng gió rằng rắn là hiện thân của xui xẻo. “Mình đơn thuần là nghệ sĩ làm nghệ thuật nên mình chỉ biết cố gắng và cố gắng. Sự cố gắng nào cũng đáng trân trọng, mình tự nhủ vậy và kệ họ nói, cố gắng làm ra nhiều sản phẩm đẹp hơn thôi”.

Một số tác phẩm làm cả bộ xương.

Là một freelancer (người làm nghề tự do) nên thu nhập của Nhã không ổn định. Có tháng thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng nhưng có tháng bán được nhiều hàng, thu nhập của anh lên tới hơn 50 triệu và như Nhã bộc bạch, tiền kiếm được từ nghề “tay trái” thường nhiều hơn tiền từ nghề chính design.

Một số tác phẩm làm cả bộ xương.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Nhã mong muốn lan tỏa bộ môn này đến nhiều người cũng như làm ra nhiều sản phẩm đẹp mắt hơn. Anh chia sẻ: “Nghệ thuật là không giới hạn và việc gì cũng vậy, đi kèm với sự phát triển luôn kéo theo những thứ tiêu cực. Đó là điều không tránh khỏi. Mình chỉ mong nghệ thuật này được phát triển theo đúng ý nghĩa ban đầu là khoa học, nghệ thuật chứ không mang những màu sắc mê tín hay tâm linh mà có người muốn gán ghép vào nó…”

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất