, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 24/11/2022, 06:40

Làng Bắc bộ, “hồi cố” khúc giao duyên đẫm tình

MAI ANH TUẤN
Nói về “vẻ đẹp của châu thổ”, Pierre Gourou (1900 - 1999) - một trong những học giả lớn đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu địa lý nhân văn làng mạc Bắc bộ - cho rằng: “Nó nảy sinh từ màu sắc nhiều hơn là từ những hình dáng. Có khi những khối sẫm của làng mạc vốn chiếm một vị trí hết sức to lớn ở châu thổ đã được sắp xếp một cách may mắn để tạo thành một cảnh quan mà trong đó, tầm mắt được hướng theo từng chặng nối tiếp nhau; một loạt các bình diện được xếp đặt khéo léo đưa mắt ta lướt đến tận chân trời, tạo cho cái vô cùng một vẻ hùng vĩ và hấp dẫn”.

Kĩ lưỡng và chân xác, những mô tả, cảm nhận của Pierre Gourou có thể khiến độc giả hôm nay vỡ lẽ hơn về làng Việt/Bắc bộ xưa, cội gốc của chúng ta, nơi mà chúng ta vẫn đau đáu trở về khi muốn được thanh lọc tâm tư lẫn trí óc sau nhiều năm tháng mải miết phố thị.

Một tác phẩm hội họa vẽ cảnh làng mạc Bắc bộ của Joseph Inguimberty (1896 - 1971) - họa sư nổi tiếng, người có ảnh lớn đối với Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ảnh tư liệu.

1. Là một trí thức Pháp đến Việt Nam vào thập niên 1930 - giai đoạn mà những xung đột bằng súng ống đã tạm ngưng để nhường chỗ cho sự cộng sinh văn hóa, Pierre Gourou nhanh chóng trở thành người quan sát tường tận. Bằng thao tác điền dã dân tộc học rộng khắp Bắc bộ, ông đã cất tiếng nói tri nhận xứ sở đang còn là thuộc địa này một cách hấp dẫn, sáng rõ. 

Trong mô tả của Pierre Gourou, làng Bắc bộ được hiển thị ở nhiều khía cạnh, từ đặc điểm địa hình, khí hậu, đến quá trình di dân, mật độ dân số, địa vực cư trú, đời sống làng mạc, loại hình nhà cửa, phương tiện sống… Nhiều nhận định trở thành từ khóa, dữ liệu tham chiếu cho hầu hết các nghiên cứu làng ở giai đoạn sau. Chẳng hạn, về tính độc đáo của châu thổ Bắc kỳ, P. Gourou lưu ý đến sự khác biệt giữa vùng này với bán đảo Đông Dương và Trung Hoa. Theo ông, châu thổ Bắc kỳ có mật độ dân số cao, có dân cư từ lâu đời, khác với những đồng bằng lớn của Đông Dương đều do dân cư hiện đang sống ở đó mới đến chiếm lĩnh. Người nông dân châu thổ Bắc kỳ sống trong thiếu thốn nhưng không phải trong tuyệt vọng.

Thực tế, người nông dân nghèo túng đó đã tạo ra một nền văn minh phức tạp xung quanh cá nhân trong một mạng lưới các quan hệ gia đình và làng xóm. Đặc biệt, nền văn minh này đã hòa nhập làm một với môi trường mà nó phát triển trong đó. Trái ngược với nhận định rằng nền văn minh này là ngưng trệ và lạc hậu, P. Gourou đề cao sự hài hòa cổ xưa giữa con người với thiên nhiên như là một di sản của vùng địa lí. Những tác động, can thiệp của văn minh phương Tây và sự cải tạo nông thôn vụng về lúc đó, tiếc thay, đã phản lại truyền thống, những thói quen đáng giữ gìn của cộng đồng nông dân. 

Khi đã có độ lùi thời gian, khi đã chứng kiến hàng loạt biến đổi lớn lao của làng xã Việt suốt mấy chục năm qua và đã có thực tế sinh động của công cuộc xây dựng Nông thôn mới hiện nay, chúng ta càng thấm thía hơn đề đạt sắc sảo trên của P. Gourou. Dường như những yếu tố, đặc trưng truyền thống của làng Việt đang mờ dần đi và khi muốn gọi tên, minh chứng một điều gì cụ thể của làng quê, chúng ta lại phải “hồi cố”, phải hạn định mốc thời gian thuộc về quá khứ. Ngay cả vẻ đẹp châu thổ, vẻ đẹp mà P. Gourou đã dụng vốn từ giàu hội họa nhất để miêu tả, cũng rất khó tìm thấy giờ đây giữa quang cảnh đô thị hóa nông thôn triệt để. Những bức ảnh đen trắng trong cuốn sách chụp cổng làng, điếm canh, miếu nhỏ, cây hương, cầu có mái, chợ, bếp và ống khói… hẳn sẽ khiến nhiều người hôm nay “nhớ tiếc” vì sự hưu tàn hoặc bị lãng quên của nó. 

2. Cũng vào thập niên 1930, những nghiên cứu làng Việt của một số trí thức bản địa cũng rất thú vị. Viết bằng tiếng Pháp, những tiểu luận của Phạm Quỳnh như Người nông dân Bắc kỳ qua tiếng nói bình dân (1929); của Nguyễn Văn Vĩnh như Làng với người An-nam; Chơi họ, một hình thức kinh doanh tài chính của người Việt; Ruộng đất, cơ sở tài sản của An-nam; Tình hình lúa gạo… đăng nhiều kì trên báo An Nam mới (L’Annam Nouveau) có thể xem là tiêu biểu của phương pháp tiếp cận dân tộc chí làng xã mà bản thân người viết, vốn chịu ảnh hưởng từ môi trường tân học, muốn những “kẻ xa lạ” bỏ công đọc sâu để hiểu hơn về xứ sở mà họ đang cai trị.

Không dừng lại ở đó, năm 1934, chàng trai gốc Hà Nội Nguyễn Văn Huyên đã công bố công trình Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam, vốn xuất phát từ luận án tiến sĩ mà anh đã bảo vệ xuất sắc ở Đại học Sorbonne. Giới khoa học châu Âu ngỡ ngàng, coi đây là một tư liệu tham khảo hữu ích khi muốn tìm hiểu về tâm hồn, văn hóa Việt Nam. Cuộc giao thoa Đông - Tây ở phạm vi học thuật, như thế, không chỉ có mỗi một tiếng nói mà thường xuyên có sự đối thoại, tạo dựng cái nhìn tôn trọng hơn là phân biệt thua kém. Đọc lại những phân tích của Nguyễn Văn Huyên, chúng ta càng tin rằng đã từng có một đời sống thực sự sinh động ở làng quê Bắc bộ, nơi người dân luôn tham gia nhiều lễ hội định kì để thể hiện tài ứng tác thi ca của họ, để bộc lộ thật mạnh mẽ những cảm xúc về tình yêu, để tuân thủ và hòa vào những nghi thức, tập tục… 

Những bài hát đối, theo Nguyễn Văn Huyên, xoay quanh chủ đề tình yêu bao giờ cũng đầy khiêu khích, bộc lộ nhiều khao khát yêu đương trần thế mà không quá vướng bận vào những giáo lí đạo đức Nho giáo đương nhiên từng gài cắm sâu đậm trên vùng đất này. Chính khi hát đối, những người lao động chân tay, dân cày, thợ thủ công hay nhóm người buôn bán nhỏ đã phá vỡ rào ngăn trai gái rất khắt khe mà tầng lớp quí tộc học hành đặt ra. Sự kiện hát đối, bởi thế, cho thấy tâm hồn người bình dân chưa bao giờ trùng khớp hoàn toàn với quá trình Hán hóa dai dẳng, khốc liệt và nhiều hệ lụy. 

Một bản đồ Bắc bộ thời Pháp thuộc.

Cần chú ý rằng cách cắt nghĩa, phân tích của Nguyễn Văn Huyên về trạng thái tự do trong tình cảm trai gái ở hát đối là một chia sẻ tri thức chung với nhiều học giả đương thời khi chỉ ra tính chất riêng khác của văn hóa bình dân so với sự kiến tạo văn hóa của tầng lớp tri thức Nho giáo. Lực đẩy của quá trình hiện đại hóa, canh tân và sức hút của văn hóa phương Tây giai đoạn giao thời đầu thế kỉ XX đã khiến những Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Trương Tửu lên tiếng nhấn mạnh đặc trưng folklore (những sáng tác có tính chất nghệ thuật của nhân dân) dân gian Việt Nam nhạt chất Nho giáo, không thua kém hoặc ít ra, không hoàn toàn là tấm gương chiếu hậu của văn hóa Trung Hoa. 

Phan Khôi, vào năm 1938, cho rằng trong phong dao “những câu nói về trai gái hay vợ chồng chiếm một phần lớn, chẳng khác trong Quốc phong của Kinh Thi bên Tàu những bài thơ tình chiếm số nhiều […] Chưa nói đến cái hay, chỉ nói cái nhiều, cũng đủ thấy chỗ đặc sắc của phong dao xứ ta”. Vẫn điểm nhìn so sánh như thế, trước đó, trong bài diễn thuyết Người nông dân Bắc kỳ qua tiếng nói bình dân (1929), Phạm Quỳnh nêu nhận định: “Trong khi những nhà nho tự giam mình trong tháp ngà và vui thích soạn những câu thơ Trung Hoa giống như những câu thơ tiếng Latin, hoặc để bình những tác phẩm cổ điển, thì nhân dân làm công việc hình thành ngôn ngữ và sáng tác ra nền văn học bình dân phong phú […] Trong khi bằng những câu thơ bác học, các nhà nho ca ngợi những con người và những sự vật Trung Hoa, thì những bình dân lại tìm được những giọng điệu như vậy để biểu hiện hoài niệm tình yêu và nỗi buồn kỉ niệm”. 

Nhìn chung, giới nghiên cứu nhân văn lúc đó đã không còn giữ nguyên mặc định rằng Nho giáo chi phối tất cả mọi mặt. Họ đến với folklore dân gian để lọc ra cứ liệu và tháo gỡ phần nào nút thắt Trung Hoa trên cây gia hệ văn hóa Việt. Cùng với hoạt động bài Hoa trong thực tế, việc bóc tách đâu là phạm vi đích thực chịu ảnh hưởng của Nho giáo trong văn chương và xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX, rõ ràng, phản ánh ý thức của thế hệ trí thức mới đang cố gắng thoát cái bóng Trung Hoa đã bao trùm cả ngàn năm. 

Một số công trình nghiên cứu về làng Bắc Bộ đáng chú ý.

3. Sau P. Gourou, rất nhiều ông “đồ Tây” danh tiếng khác cũng lần lượt chọn làng Việt làm đối tượng khảo tả, đông đảo và đạt thành tựu lớn từ thập niên 1980 trở đi. Theo nhà nhân học John Kleinen, các nghiên cứu về làng Việt Nam trong giai đoạn này khắc phục được sự vênh lệch học thuật từng diễn ra trước đó khi điều kiện thực địa cũng như thông tin đã không còn bị cản trở bởi chiến tranh. 

Khởi từ Lương Văn Hy (lựa chọn nghiên cứu vùng Sơn Dương ở Vĩnh Phúc), Nguyễn Tùng và Nell Krowolsky (khảo sát làng Mông Phụ, Hà Tây cũ), Shaun Kingslay Malarney (xã Thịnh Liệt, ngoại thành Hà Nội) đến John Kleinen về làng Tơ, A. Terry Rambo về làng Nguyên Xá (Thái Bình)… các nghiên cứu làng Việt nhanh chóng nổi lên như một lĩnh vực trọng yếu của Việt học (Viet-studies) trên bình diện quốc tế. 

Các nghiên cứu làng trong thời gian này hoặc muộn hơn về sau đều nhấn mạnh những biến đổi lớn ở làng quê. Trong đó, đáng chú ý, cùng với sinh kế và thu nhập lao động được cải thiện, là sự trở lại của các nghi thức, nghi lễ truyền thống ngày càng đa dạng, sự nới lỏng kiểm soát của nhà nước đối với các tập tục cũ tái sinh, sự quay về khó cưỡng đối với sức hút huyết thống, gia tộc, dòng họ. John Kleinen gọi đó là “hồi sinh quá khứ”, Philippe Papin thì đánh giá đó là “phục chế truyền thống”. 

Những biến đổi đó, cho đến nay, đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và phức tạp hơn. Nó khiến làng Việt, hình ảnh thu nhỏ của xã hội Việt Nam truyền thống, luôn ở tình thế đòi hỏi nhiều hơn nữa nghiên cứu khoa học công phu, cập nhật và thực sự có tính thực tiễn cao.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất