, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 13/01/2024, 08:00

Làng chổi đót duy nhất ở TP.HCM: Vào vụ Tết nhưng vẫn đìu hiu

TUYẾT HỒNG
Làng chổi đót cuối cùng của TP.HCM lại thêm một mùa vụ Tết. Làng chổi năm nay quạnh vắng, nhiều hộ đã thôi sản xuất, dẫu vậy, những người thợ còn sót lại vẫn tất bật, hối hả gom từng đợt hàng cho mùa Tết sắp tới.
Gọi là làng nhưng thực chất đây là một xóm nhỏ với các hộ theo nghề làm chổi đót từ nhiều đời. 

Đi sâu vào con hẻm nhỏ tại đường Phạm Phú Thứ ở quận 6 (TP.HCM), người ta dễ dàng bắt gặp bụi đót vàng hoe, nghe tiếng lạo xạo và tiếng đinh đóng từng bó chổi. 

Làng chổi đót đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Nghề bó chổi được người di dân từ Quảng Ngãi mang vào và lưu giữ, phát triển đến nay. 

Nghề bó chổi tất bật trong khoảng thời gian hai tháng cận Tết.

Chổi đót được làm hoàn toàn thủ công. Sau khi nhập mua bông đót về, người thợ sẽ trải qua những công đoạn như xé đót, làm tua, cột lọn, bện chổi, chặt đầu chặt đuôi và cuối cùng là cột lại thành bó.

Mỗi người thợ một công đoạn và thay phiên nhau làm. 

Mọi năm, đây là thời điểm những người thợ tất bật chuẩn bị đợt hàng Tết. Từng có dịp, người dân chuộng chổi đót, cả làng rộn ràng sản xuất. Nhiều cơ sở còn nhận những đơn hàng xuất khẩu sang nước ngoài.

Dẫu vậy, năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường buôn bán chậm. Nhiều chủ cơ sở ngậm ngùi một mùa lễ ảm đạm, không còn xuất khẩu nhiều như mọi năm. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - chủ cơ sở sản xuất chổi Hồng Thái cho biết: “Năm nay số lượng xuất ít hơn hẳn do kinh tế khó, cộng thêm sức khỏe của công nhân giảm. Nếu những năm trước trung bình mỗi ngày một thợ có thể làm được 70 cái chổi thì năm nay chỉ làm khoảng 30 đến 40 cái”. 

Bà Hồng tâm sự, mọi năm cơ sở bà xuất 4 chuyến đi nước ngoài, nhưng năm nay chỉ xuất được 2 chuyến.

Sức mua giảm, kinh tế khó khăn cộng thêm việc người trẻ không còn mặn mà với nghề này, khiến làng chổi đót nay chỉ còn lác đác vài hộ hoạt động. 

Nhà 3 đời làm chổi đót trên con hẻm này, anh Nguyễn Hoàng Tuấn - thợ làm thủ công - cho hay: “Nghề này ngày xưa làm đông lắm, nhưng nay đầu hẻm đến cuối hẻm chỉ còn 3, 4 nhà làm thôi”. 

Anh Tuấn tất bật bên quầy hàng của mình.

Theo nghề được hơn 40 năm, bà Nguyễn Ngọc Huệ (70 tuổi, thợ làm thủ công) chia sẻ: “Mấy đứa trẻ giờ không còn theo nghề nữa. Nghề này cực, mà bụi bặm. Mình lớn tuổi thì theo để giữ nghề chứ con cháu không còn làm nữa”. 

Bà Huệ vẫn cần mẫn với nghề suốt 40 năm qua.

Dẫu vậy, những người thợ theo nghề lâu năm vẫn giữ niềm yêu thích với công việc này. Với họ, đây không chỉ là cần câu cơm, mà còn là cái nghề thủ công cha truyền con nối. 

Quyết tâm theo nghề và giữ nghề truyền thống, anh Nguyễn Hoàng Tuấn nói: “Cái nghề của ông bà để lại thì mình nhất định phải làm. Dù khó khăn vất vả nhưng nó nuôi sống và mang những giá trị của gia đình, của truyền thống. 

Thợ thủ công hối hả làm cho kịp tiến độ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - chủ cơ sở sản xuất chổi Hồng Thái cũng tâm sự: “Nếu sau này không còn ai làm nữa thì gia đình tôi vẫn làm. Vì làm quen nó thành một sở thích. Mà những người biết sử dụng chổi đót, người ta cũng rất thích dùng sản phẩm thủ công truyền thống này. Mình làm đến khi nào còn sức thì thôi, làm bán các hàng chổi đặt bán cho bà con xài”. 

Tết đến, các hộ làm chổi đót tất bật sản xuất theo đơn đặt hàng ở chợ, ở các tỉnh. Một số khách quen đến tận nơi để đặt chổi theo yêu cầu. 

Giá chổi dao động 30.000 - 40.000 đồng/cây, tùy loại. 

Một số cây chổi đặc biệt với bông tốt, lá nhiều, được người làm lựa những bông đót đẹp, dày lá có thể lên đến giá 80.000 đồng/cây.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất