, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 28/12/2016, 10:28

Làng đô thị xanh ở Đà Lạt

NAM VIÊN

Ở phố, nhưng vẫn giữ được những giá trị thôn quê truyền thống với không gian xanh, nhà cửa xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, hoạt động sản xuất theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường và gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống… Đó là mô hình “Làng đô thị xanh” đầu tiên ở Việt Nam, được triển khai thí điểm tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Làng giữa phố

Theo đồ án quy hoạch thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Lạt bao gồm một đô thị trung tâm (là thành phố Đà Lạt hiện hữu) và các đô thị vệ tinh. Xen giữa các đô thị là các vùng ven, phát triển không gian sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp các khu dân cư có chất lượng sống không thua kém ở đô thị, phát triển theo tiêu chí xanh và bền vững, gọi là các “Làng đô thị xanh”. Mặc dù hiện nay mô hình này vẫn chưa định hình, nhưng qua các cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia quy hoạch đã có những quan điểm chung về quy mô cũng như tiêu chí của mô hình này.

Một đặc điểm quan trọng của “Làng đô thị xanh” là nhà cửa xây dựng hài hòa với tự nhiên. Ảnh: Võ Trang.
Một đặc điểm quan trọng của “Làng đô thị xanh” là nhà cửa xây dựng hài hòa với tự nhiên. Ảnh: Võ Trang.

Theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Làng đô thị xanh là một phân khu đô thị có quy mô hợp lý; có kết cấu phức hợp của một đô thị, song có tất cả các đặc điểm của làng; không gian quy hoạch kiến trúc công trình hạ tầng đô thị hài hòa, đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống xã hội của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu. Với “định nghĩa” này, Tiến sĩ Phạm S đề xuất quy mô của “Làng đô thị xanh” khoảng 200 ha. Ở đó, 70% kiến trúc nhà cửa đồng đều dạng nhà biệt lập và liền kề, thiết kế nhà một trệt một lầu hoặc một trệt hai lầu, mái chữ A. Hệ thống hạ tầng và dịch vụ tiện ích được thiết kế đồng bộ, trong đó khuyến khích người dân đi bộ trong làng đô thị và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, xe điện, xe đạp; ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo và chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, làm giàu hệ sinh thái; đảm bảo không gian vui chơi giải trí cho mọi lứa tuổi…

Mang đặc điểm của làng, nên hoạt động sản xuất của “Làng đô thị xanh” phải đảm bảo tiêu chí “xanh” và bền vững, sản phẩm nông nghiệp là chủ yếu và ở đó “nông dân hoạt động như công nhân”. Các mô hình canh tác ở đây được ứng dụng công nghệ cao và có sự liên kết giữa các hộ, nhằm tạo thành vùng chuyên canh nông sản phục vụ tại chỗ và cung ứng cho thị trường. Riêng tại Đà Lạt, hoạt động sản xuất nông nghiệp còn gắn với du lịch canh nông.

Gắn kết cộng đồng

Một trong những tiêu chí quan trọng của “Làng đô thị xanh” mà nhiều chuyên gia đề cập, đó là phải đảm bảo tính nhân văn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và sự gắn kết cộng đồng. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, cho rằng, mô hình làng đô thị Đà Lạt cần khai thác những đặc trưng của quy hoạch làng truyền thống Việt Nam, truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể của Lâm Đồng. Trong quy hoạch khu nhà ở cũng như khu trung tâm của làng, cần dành các không gian thích đáng cho giao lưu cộng đồng. Còn theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, một trong những chiến lược phát triển làng đô thị ven đô tại Đà Lạt là không gian kiến tạo cộng đồng, gắn kết con người với nông nghiệp và tự nhiên. Không gian khuyến khích giao tiếp cộng đồng được tạo ra thông qua các khu vực hỗn hợp - công cộng đa chức năng, gắn với sản xuất nông nghiệp và du lịch tại các làng đô thị. Trong đó, trung tâm sẽ là không gian chợ truyền thống, xưởng thực nghiệm, trưng bày kết hợp giáo dục cộng đồng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo mùa vụ và các hoạt động du lịch, lưu trú.

Hoạt động kinh tế chủ yếu ở “Làng đô thị xanh” là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Đoàn Kiên.
Hoạt động kinh tế chủ yếu ở “Làng đô thị xanh” là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Đoàn Kiên.

Ở trong không gian được quy hoạch bài bản như vậy, người dân cũng phải thể hiện được đẳng cấp của mình. Theo Tiến sĩ Phạm S, “Làng đô thị xanh” phải đảm bảo 3 không: không có hộ nghèo, không tệ nạn xã hội và không có hộ gia đình vi phạm pháp luật. Nếu công dân vi phạm một trong 3 điều trên thì “Làng đô thị xanh” dù có hiện đại và thân thiện môi trường đến mấy cũng vô nghĩa. Cùng với đó, công dân phải giữ được bản sắc văn hóa con người Việt Nam, sống có trách nhiệm, sống có tính cộng đồng cao, từ đó họ có quyền tự hào là công dân đẳng cấp khi sống ở “Làng đô thị xanh”.

Cần bộ máy chính quyền gần dân

Tại một hội thảo vừa diễn ra tại Đà Lạt, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, đưa ra một tiêu chí mà “Làng đô thị xanh” cần phải có, đó là một bộ máy chính quyền gần dân và hiệu quả, vừa giữ vững kỷ cương, vừa phát huy dân chủ, được người dân tin tưởng. Bộ máy đó phải tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và đời sống, cải cách hành chính mạnh mẽ, công khai, minh bạch, không nhũng nhiễu.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất