, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 15/04/2022, 16:23

Làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ: Thay đổi để tồn tại

CHU KHÔI
Nói đến đồ gỗ mỹ nghệ tại Việt Nam, phải nhắc đến Đồng Kỵ. Làng Đồng Kỵ ở TP Từ Sơn (Bắc Ninh), nổi tiếng với những sản phẩm gỗ chạm khắc tinh xảo như tủ chè, bàn ghế, gụ, sập…

Thời hoàng kim, làng Đồng Kỵ có khoảng 300 doanh nghiệp và 2.500 hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ. 

Một thời oanh liệt… 

Nghề mộc của Đồng Kỵ có từ bao giờ không ai nhớ rõ, nhưng chứng tích xưa lưu lại tại ngôi đình bằng gỗ đã hơn 300 năm tuổi của làng với những đường nét chạm khắc rất tinh xảo - được cho là do thợ mộc Đồng Kỵ thực hiện - cho thấy tay nghề của thợ làng đã có từ hàng trăm năm nay.

Những năm chiến tranh, làng nghề tan tác. Đến cách đây hơn 30 năm, người làng Đồng Kỵ vẫn chủ yếu đi đóng thuê giường, tủ, bàn, ghế… cho các vùng. Từ khi đất nước đổi mới, kinh tế khắp nơi dần khấm khá, nhu cầu mua đồ gỗ xưa của người dân Hà Nội, và đặc biệt là người dân ở các thành phố lớn trong miền Nam, tăng cao. Đón bắt nhu cầu đó, người Đồng Kỵ bảo nhau thu gom, mua lại đồ gỗ cổ ở các nơi rồi chở vào bán ở miền Nam. Nhưng lâu dần, đồ gỗ xưa cũng cạn. Dân làng Đồng Kỵ - với tay nghề mộc khéo léo - đã nghĩ ra cách làm đồ gỗ phỏng cổ.

Sản phẩm tinh xảo do bàn tay người Đồng Kỵ làm ra khách đều ưng ý và sẵn sàng trả giá cao. Nghề mộc của làng Đồng Kỵ bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ. Đồ gỗ chạm khắc của Đồng Kỵ, phần lớn là hàng mỹ nghệ cao cấp với những đồ phỏng cổ như sập gụ, tủ chè, các đồ thờ có khảm trai, khảm đá…, vào TP.HCM rồi đi Lào, Campuchia. Thương nhân Trung Quốc cũng tìm sang đặt hàng. 

Dân làng Đồng Kỵ làm suốt ngày không hết việc nên phải thuê thêm hàng nghìn lao động để dạy nghề rồi cùng tham gia sản xuất. Cả làng trở thành một công trường thủ công náo nhiệt. Đường làng ngõ xóm ngổn ngang bãi gỗ, sản phẩm gỗ đang hoàn thiện. Các loại xe chở hàng tấp nập vào ra. Những con đường xung quanh làng trở thành nơi họp chợ, mua bán, cung cấp các loại nguyên liệu làm đồ mỹ nghệ… 

Vài năm gần đây, hoạt động của làng nghề bắt đầu chững lại. Xe gỗ đã không còn tấp nập vào ra. Nhiều xưởng gỗ, cửa hàng cửa đóng then cài. Ông Dương Văn Mười, người chuyên sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ gần 25 năm, cho biết gần 2 năm nay anh gần như không bán được sản phẩm. “Cả làng gỗ Đồng Kỵ chưa bao giờ vắng vẻ như hiện giờ. Từ 4 năm trước, các đơn hàng đã bắt đầu ít dần và đến giờ thì vắng hẳn…” 

Theo ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội sản xuất kinh doanh gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, trước đây, có tới 70% sản phẩm của làng nghề xuất sang thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu khoảng 4 - 5 triệu USD/tháng. Thế nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, chính sách của Trung Quốc thay đổi khiến lượng hàng xuất sang Trung Quốc giảm chỉ còn bằng 1/3 so với trước. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, do dịch Covid-19, Trung Quốc đã ngừng hẳn việc nhập khẩu đồ gỗ khiến việc xuất khẩu của làng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Cùng với sản lượng xuất khẩu giảm sút, sức tiêu thụ của thị trường nội địa chậm, giá bán các sản phẩm của làng nghề cũng sụt giảm đáng kể. Tình cảnh này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề”, ông Vũ Quốc Vương chia sẻ.

Cần sự thay đổi lớn

Khảo sát mới đây của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tại 5 làng nghề gỗ trọng điểm của miền Bắc (Đồng Kỵ, Vân Hà, Vạn Điểm, La Xuyên, Chàng Sơn), cho thấy, thu nhập của các hộ sản xuất tại làng nghề Đồng Kỵ giảm gần 90%; lượng sản phẩm bán ra tại đây cũng giảm 80 - 90% so với cách đây 3 năm; số lao động làm thuê cũng chỉ còn khoảng 350 người so với trên 6.000 lao động trước đây và hiện tại, đã có 36% số hộ ở Đồng Kỵ ngừng sản xuất hoàn toàn. Trong khi đó, 100% số hộ làm nghề ở Đồng Kỵ phải vay vốn. Không có nguồn thu, nhiều hộ không có khả năng trả các khoản vay theo đúng kỳ hạn. 

“Một số hộ phải đi vay “tín dụng đen” với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng để trả lãi và các khoản vay đến hạn trước khi có được các khoản vay mới từ ngân hàng. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Để hỗ trợ các hộ làm nghề của Đồng Kỵ, chúng tôi đề xuất ngân hàng xem xét và có chính sách giảm lãi suất, cho phép đáo hạn hay cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay đã tới hạn trả nợ. Mức lãi suất phù hợp trong giai đoạn hiện nay, khi các hộ phải giảm quy mô, thậm chí dừng sản xuất, là khoảng 5%/năm thay vì lãi suất 8,5 - 10% mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng”, ông Vương nói. 

Cũng theo ông Vương, sản phẩm của làng nghề Đồng Kỵ vô cùng tinh xảo, thế nhưng dấu ấn thương hiệu của Đồng Kỵ trên các sản phẩm rất mờ nhạt. Những năm trước, phần lớn các sản phẩm xuất sang Trung Quốc đều bị tinh chế lại và gắn thương hiệu của Trung Quốc. Ngay ở trong nước, sản phẩm của làng nghề cũng thường bị làm nhái, làm giả. 

Một trong những vấn đề mà làng nghề gỗ đang phải đối mặt chính là nguồn gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm và các thị trường mới như Mỹ, châu Âu mà làng nghề nhắm đến lại không tiêu dùng sản phẩm làm từ gỗ rừng tự nhiên hay gỗ quý hiếm. “Điều này buộc làng nghề gỗ Đồng Kỵ phải thay đổi, phải chuyển hướng sản xuất từ gỗ tự nhiên sang sản xuất bằng gỗ rừng trồng, cùng với đó là phải thay đổi về mẫu mã sản phẩm nhằm phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại”, ông Vũ Quốc Vương nhấn mạnh. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất