, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 05/10/2021, 19:00

Làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ lo vụ Tết

DUY KHÔI
(baocantho.com.vn)
Dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của bà con làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Vụ hoa Tết đã đến nhưng bà con rất dè dặt, giảm quy mô trồng hoa vì lo ngại thị trường tiêu thụ.
Ông Đoàn Hữu Bốn chăm sóc hoa Tết.

Ông Ðoàn Hữu Bốn, Giám đốc Hợp tác xã Hoa kiểng Bình An, phường Long Hòa, cho biết: Làng nghề hiện có 217 hộ trồng hoa kiểng, trong đó có 90 hộ trồng hoa quanh năm, 6 hộ trồng cây kiểng. Vụ hoa Tết Nhâm Dần, bà con xuống giống rất ít, với nhiều nỗi lo.

Theo ông Bốn, nỗi lo bắt đầu từ gần 3 tháng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ở Cần Thơ, khoảng 90 hộ trồng hoa vạn thọ ở làng nghề đã phải để hoa tàn ngoài đồng vì không thể tiêu thụ. Các cửa hàng bán hoa, chợ truyền thống đều đóng cửa, hoa vạn thọ cũng không thể bán ra thị trường ngoài thành phố nên bà con đành để hoa tàn. Từ ảnh hưởng này, bà con lo ngại thị trường hoa Tết nên giảm quy mô sản xuất. “Bà con cũng thiếu vốn để tái đầu tư vụ hoa Tết do thiệt hại từ những vụ hoa vạn thọ vừa qua”, ông Bốn cho biết thêm.

Theo ước tính của bà con làng nghề, quy mô sản xuất vụ hoa Tết năm nay chỉ bằng 10% so với năm rồi. Cụ thể, nếu như vụ Tết Tân Sửu, bà con làng nghề trồng khoảng 120.000 chậu hoa thì năm nay chỉ còn khoảng 12.000 chậu. Bà con chủ yếu là trồng cúc mâm xôi, cúc Ðài Loan và cúc Tiger, nhưng phải nhập giống từ Ðà Lạt (Lâm Ðồng), chi phí cao mà đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khó hơn vì khác biệt môi trường sinh trưởng. Một nguyên nhân nữa khiến bà con làng nghề lo với vụ hoa Tết là do không dự báo được tình hình dịch bệnh nên các thương lái đến giờ này cũng không đặt hàng, đặt cọc như trước đây.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, người trồng hoa, cho biết: Nếu như năm rồi anh trồng hơn 1.000 chậu hoa cho vụ Tết thì năm nay anh dự tính chỉ trồng khoảng 500 giỏ nhưng “còn chưa chắc” vì đang nghiên cứu tình hình thị trường, chi phí đầu tư và đang chờ cây con từ Ðà Lạt chuyển vào. “Thật sự vụ hoa Tết năm nay nhiều nỗi lo lắm. Vì muốn giữ nghề của gia đình, trồng hoa cho có không khí Tết nên tôi cố gắng duy trì, nhưng ở mức độ dè chừng”.

Thời gian gần đây, ông Lâm Quang Hồng, người trồng hoa ở làng nghề, đã chuyển dần sang mô hình kinh doanh hoa chậu, hoa trồng trong gia đình với nguồn hàng nhập từ Sa Ðéc (Ðồng Tháp) và Ðà Lạt. Dù giá cả vẫn ổn định nhưng ông gặp khó khăn trong việc nhập hàng về do hạn chế đi lại giữa các địa phương. Một số bà con cung cấp hoa kiểng cho ông trong vùng phong tỏa, ảnh hưởng dịch COVID-19, nên không có hàng kịp tiến độ.

Thời gian qua, để khắc phục khó khăn do đầu ra cho hoa kiểng hạn chế, nhiều bà con làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ đã chuyển sang trồng một số nông sản như cải, khổ qua, đậu đũa... Do có sẵn giá thể đất trồng hoa, bà con đầu tư hạt giống và công sức cũng có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình thời gian phòng, chống dịch COVID-19. Ông Huỳnh Văn Tùng, người trồng hoa ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, cho biết: “Tôi vừa mới thu hoạch vụ cải làm dưa và chuẩn bị xuống giống vụ mới. Tôi cũng đã trồng một số chậu cúc mâm xôi từ tháng 6 âm lịch nhưng chỉ số lượng hạn chế, vì sợ bán không được”.

Dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng bà con làng nghề hoa kiểng ở Bình Thủy vẫn cố gắng duy trì vụ hoa Tết vì yêu nghề và mong một vụ hoa Tết tuy nhiều lo toan nhưng vẫn tươi đẹp sắc hương từ làng nghề truyền thống ở Cần Thơ. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất