, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 22/01/2022, 08:45

Làng nghề đan đát hơn trăm tuổi “cháy hàng” dịp cuối năm

NGUYÊN ANH
(laodong.vn)
Những ngày cuối năm, bà con làm nghề đan đát ở xã Minh Hòa, huyện Châu Thành (Kiên Giang) có khi phải sáng đèn cả đêm, tất bật luôn tay để kịp hoàn thành các đơn hàng giao cho khách.

Kiên Giang - Những ngày cuối năm, bà con làm nghề đan đát (một kiểu đan được sử dụng nhiều nhất khi đan các loại đồ đựng ở ĐBSCL) ở xã Minh Hòa, huyện Châu Thành (Kiên Giang) có khi phải sáng đèn cả đêm, tất bật luôn tay để kịp hoàn thành các đơn hàng giao cho khách.

Sề đựng cá cơm... “cháy hàng”

Đến thăm Hợp tác xã (HTX) đan đát Hòa Tân không khí làm việc sôi nổi đã trở lại. Do dịch bệnh nên mọi người tuân thủ nguyên tắc “5K” nhưng không khí làm việc thì rất hăng say, rộn rã. Chị Phạm Thị Diễm Trang, Giám đốc HTX đan đát Hòa Tân chia sẻ: “Đơn hàng đang cháy hiện giờ là sề để phơi cá cơm. Các nơi đặt hàng nhiều nên những thành viên trong HTX phải làm siết để kịp giao. Từ vài tháng cuối năm trở lại đây là xuất được gần 5.000 cái sề, giờ không dám nhận thêm nữa vì chị em làm không kịp”.

Chị Trang cho biết thêm mặt hàng đang hút hiện nay chủ yếu là sề để phơi cá cơm, còn những loại rổ, chậu, giỏ khác thì cũng có hộ làm riêng lẻ ở ngoài thêm. Thương lái và các mối thu mua lần này tự tìm đến HTX đặt hàng chứ chị không phải đi tìm đầu ra như năm trước. Chủ yếu là các địa phương sản xuất mặt hàng khô cá ở Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc tìm đến mua hàng.

Thêm một điều thuận lợi là nguồn nguyên liệu tre, trúc sẵn có tại địa phương nên việc thu mua dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều. Các mặt hàng xuất bán được nên mọi người không phải đi bán lẻ ở các chợ như lúc trước.

Sề phơi cá cơm hiện đang cháy hàng và HTX Hòa Tân cũng không dám nhận thêm đơn vì lo không kịp giao trước tết. Ảnh: PV
Sề phơi cá cơm hiện đang cháy hàng và HTX Hòa Tân cũng không dám nhận thêm đơn vì lo không kịp giao trước tết. Ảnh: PV

Những ngày gần đây, hầu như các thành viên HTX tranh thủ làm cả ban đêm vì đơn hàng nhiều và họ cũng có công việc khác ngoài việc đan. Giá sề năm nay cũng tăng khá nhiều nên các thành viên rất phấn khởi. Bình quân sau khi trừ chi phí thì với 2 đơn hàng HTX nhận lần này mỗi người cũng kiếm thêm được chục triệu chỉ bằng thời gian rảnh ngồi đan.

Khởi sắc trở lại sau đại dịch

Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên từ thời điểm dịch bùng phát mạnh quay ngược về khi mới bùng phát thì các sản phẩm đan đát ở xã Minh Hòa không bán được và số lượng người mua cũng giảm mạnh. Các yếu tố khách quan khiến cho vùng quê vốn nhộn nhịp với nghề phải đìu hiu, vắng bóng thậm chí nhiều hộ cũng đành bỏ nghề.

Công việc đan đát cũng không phải là nghề chính của các thành viên vì họ làm theo mùa vụ. Tùy theo khách đặt mặt hàng gì vào vụ gì thì khi HTX nhận đơn mọi người sẽ tập trung vào làm mặt hàng đó rồi quay về công việc riêng của mỗi người. Có những hộ thì làm nông, làm vườn rẫy có hộ thì buôn bán hoặc làm thuê, thời gian rảnh thì đan thêm kiếm thu nhập.

Cái tết năm nay sẽ đầm ấm hơn với những người sống bằng nghề truyền thống đan đát ở xã Minh Hòa khi các mặt hàng làm ra bán rất chạy. Ảnh: PV
Cái tết năm nay sẽ đầm ấm hơn với những người sống bằng nghề truyền thống đan đát ở xã Minh Hòa khi các mặt hàng làm ra bán rất chạy. Ảnh: PV

Chị Lê Thị Hồng, thành viên HTX vui mừng nói: “Năm rồi dịch kéo dài xong rồi tới mấy tháng giãn cách không đi lại, làm ăn trầy trật khổ sở. Giờ khách đặt hàng lại rồi làm không kịp thở luôn, mừng lắm, có tiền ăn tết rồi”.

Theo những người có thâm niên trong nghề, đan đát là một kiểu đan được sử dụng nhiều nhất khi đan các loại đồ đựng ở ĐBSCL. So với các cách đan khác thì đan đát lâu hơn nhưng sản phẩm làm ra rất chặt và bền. Vì là các sản phẩm đan đát thủ công (rổ, sề, giỏ, cần xé...) nên không thể sản xuất nhanh hàng loạt như máy móc. Tuy nhiên, với độ lành nghề của các thành viên HTX thì các sản phẩm cũng hoàn thành khá nhanh và có độ bền, tốt được khách đánh giá cao. Người dân nơi đây ăn nên làm ra nhờ vào những mặt hàng từ tre, trúc đã khiến họ thêm vững tin hơn vào nghề truyền thống.  

Bà Trang Thị Cẩm Tiên, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa thông tin, địa phương rất quan tâm đến HTX và việc phát triển gìn giữ nghề đan đát hơn trăm năm qua. Do ảnh hưởng dịch nên bà con cũng gặp không ít khó khăn cũng có hộ đã bỏ nghề đi làm ăn xa nhưng nay thì đã khởi sắc trở lại. Địa phương luôn theo sát và xuống tận nơi để biết tình hình sản xuất của HTX cũng như sẵn sàng hỗ trợ khi HTX cần để làm sao gìn giữ và phát huy được nghề truyền thống này. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất