, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 03/02/2022, 13:00

Làng nón ngựa hơn 300 tuổi

HOÀNG TRỌNG
Làng Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định) lưu giữ nghề làm nón ngựa độc nhất vô nhị, tương truyền đã hình thành hơn 300 năm và có liên quan đến cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn.
 

Theo cụ Đỗ Văn Lan (74 tuổi, ở làng Phú Gia), nghề làm nón ngựa ở làng Phú Gia đã hình thành ít nhất 300 năm. Những chiếc nón ngựa của làng này từng theo nghĩa quân Tây Sơn ngày xưa vào Nam ra Bắc. Vì nón là đồ dùng của quan lại, mà quan thường đi ngựa nên có tên gọi là nón ngựa. Nón ngựa Phú Gia nổi tiếng có hoa văn tinh xảo, sang trọng mà ít ở đâu có được.

Đặc trưng của nón ngựa là trên đỉnh nón có chụp bằng đồng hay bạc, thân nón được thêu long lân quy phụng, lưỡng long tranh châu - biểu tượng cho sự uy nghiêm của con nhà võ; hoặc mai lan cúc trúc, cảnh vật, hoa lá - biểu tượng của người thanh tao, đài các. Về sau, nón ngựa cũng có phiên bản dành cho tầng lớp bình dân. Cụ Lan kể: “Từ xưa cho đến bây giờ, gia đình tôi làm 2 loại nón ngựa. Loại khuôn nón trảng, lòng nón không sâu như nón trùm, trên chóp có gắn chụp đồng hay chụp bạc, có ngù ở trên, dành cho quan lại. Loại khuôn nón trủm, tức giống chiếc nón bình thường bây giờ, dành cho người bình dân đội”.

Nghề làm nón ngựa của gia đình cụ Đỗ Văn Lan đã có truyền thừa đến 6 đời, cụ Lan là thế hệ thứ 4. Mỗi thế hệ trong gia đình cụ đều giữ lại một đôi nón ngựa tâm đắc nhất để làm kỷ vật. Nhờ vậy, gia đình cụ Lan có 4 đôi nón ngựa hơn 100 năm và chiếc nón mà người mẹ quá cố của cụ Lan để lại cũng đã hơn 75 năm. Hiện cụ Lan không chỉ là người cao tuổi nhất mà còn là người sản xuất nón ngựa nổi tiếng nhất ở làng Phú Gia. 

Cụ Lan cho biết, nguyên liệu chính để làm nên nón ngựa Phú Gia gồm: lá kè (lá cọ để lợp nón), rễ dứa (làm vành nón), cây giang (làm sườn), cước (thắt vành nón), chỉ (thêu hoa văn trên nón). Một chiếc nón ngựa phải trải qua 10 công đoạn làm thủ công, trong đó có bốn công đoạn quan trọng nhất là tạo sườn mê, thắt nan sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá cho nón. Khó nhất vẫn là thêu hoa văn, tùy vào mục đích sử dụng và yêu cầu của khách hàng mà người làm nón chọn họa tiết cho phù hợp. Nón có đường kính từ 20 - 100cm, thời gian hoàn thành có nhanh cũng mất 4 - 5 ngày. Thậm chí, có những chiếc nón phải mất cả tháng ròng mới làm xong.

Cụ Nguyễn Thị Tâm (70 tuổi, ở làng Phú Gia) cho rằng người thợ làm nón phải có sự tinh tế, dứt khoát, khâu nào ra khâu đó, bất cứ khâu nào làm không tỉ mỉ thì cũng sẽ ảnh hưởng giá trị đến chiếc nón. Càng lao nhọc, khéo léo, kiên nhẫn bao nhiêu thì người thợ làm nón sẽ cho ra đời chiếc nón ngựa đẹp, bền bấy nhiêu. “Phải chăm chăm con mắt ngó để đan bện từng sợi nan nhỏ hơn cái tăm, thêu ren từng đường kim mũi chỉ sao cho không bị lỗi”, cụ Tâm nói.

 

 

Người thợ làm nón ở làng Phú Gia luôn sự tinh tế trong nghề
 

Ngày nay, nhu cầu sử dụng nón ngựa trong cuộc sống hàng ngày không còn như trước, nhưng những gia đình tâm đắc với nón ngựa ở làng Phú Gia vẫn sống được với nghề vì du khách khi đến tham quan làng rất thích mua nón về làm quà. Ngoài du khách tại chỗ, nón ngựa Phú Gia còn được phân phối khá ổn định cho một số cơ sở, địa điểm du lịch hoặc bán trên các kênh thương mại điện tử…  

Hiện tại, mỗi chiếc nón ngựa theo kiểu của quan lại ngày xưa do gia đình cụ Đỗ Văn Lan làm ra có giá từ 20 triệu đến 40 triệu đồng, loại nón bình dân từ 250.000 đồng đến 3 triệu đồng. Một số hộ khác ở Phú Gia làm nón ngựa với giá thấp thì cũng phải từ 150.000 đến 170.000 đồng mỗi chiếc. “Dịp Tết năm nay, nhà tôi tập trung làm hai cặp nón ngựa, trong đó một cặp cho khách đặt hàng với giá 10 triệu đồng/chiếc và cặp còn lại để tỉnh mang đi dự thi sản phẩm thủ công cấp quốc gia vào đầu năm 2022”, cụ Lan cho biết.

Theo ông Nguyễn Kế Sinh - Chủ tịch UBND xã Cát Tường, làng nghề nón ngựa Phú Gia có hơn 50 hộ với khoảng 120 người trực tiếp làm nón ngựa, đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và được chọn xây dựng mô hình Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. UBND xã Cát Tường đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Bình Định triển khai đề án thí điểm du lịch làng nghề tại làng Phú Gia.

Ở Bình Định, làng nghề làm nón lá truyền thống khá nhiều nhưng nón ngựa Phú Gia vẫn được đánh giá là tinh xảo, bền và đẹp hơn cả. 

Cụ Đỗ Văn Lan (bìa trái) giới thiệu đặc điểm nón ngựa Phú Gia cho du khách.
 

 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất