, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 24/11/2022, 17:00

Lạng Sơn chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc

HÙNG TRÁNG
(nhandan.vn)
Để hạn chế thiệt hại cho đàn gia súc trong mùa đông, ngay từ khi bước vào đầu mùa đông, các địa phương trong tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho gia súc.
Bà con nông dân ở xã Thạch Đạn, Cao Lộc (Lạng Sơn) xây dựng chuồng trại kiên cố để bảo vệ đàn dê trong mùa đông giá lạnh.

Ông Vũ Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lộc cho biết, mùa đông năm 2021-2022, trên địa bàn huyện có 196 con gia súc bị chết rét, trong đó riêng đàn dê có 125 con bị chết rét. Hiện nay, toàn huyện có hơn 18.800 con gia súc, trong đó có khoảng 2.700 con dê.

Để bảo vệ đàn gia súc, đặc biệt là đàn dê và trâu, bò dưới 2 tuổi không bị chết rét, từ tháng 10/2022, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn hướng dẫn, hỗ trợ thú y viên các xã, thị trấn tuyên truyền người dân các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc; vận động các hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn. Đồng thời, khuyến cáo người dân không thả rông gia súc (nhất là đối với đàn dê và trâu, bò dưới 2 tuổi) khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C.

Là một trong những hộ có thu nhập chính từ mô hình nuôi dê nên ngay từ tháng 10, anh Hà Văn Trưởng, thôn Phú Bình, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc đã chủ động gia cố lại chuồng nuôi và chăm sóc vườn cỏ voi của gia đình.

Anh Hà Văn Trưởng chia sẻ, gia đình anh hiện đang phát triển mô hình nuôi dê với tổng đàn 32 con. Năm ngoái, do thời tiết mưa rét kéo dài, nhiệt độ giảm sâu nên gia đình có 6 con dê bị chết rét. Rút kinh nghiệm năm ngoái, từ đầu tháng 10/2022, anh đã chủ động sửa chữa, nâng cấp chuồng nuôi, sử dụng bạt quây kín, giữ ấm cho đàn dê. Ngoài ra, anh Trưởng trồng thêm 3 sào cỏ voi; dự trữ thêm cám ngô để bổ sung tinh bột cho đàn dê trong mùa đông năm nay. Khi không khí lạnh tràn về, nhiệt độ giảm sâu, gia đình sẽ nuôi nhốt dê và sử dụng nguồn thức ăn dự trữ này bổ sung cho đàn dê.

Không chỉ gia đình anh Trưởng, từ đầu tháng 10/2022, nhiều hộ chăn nuôi gia súc, đặc biệt là gia đình có trâu, bò dưới 2 tuổi và chăn nuôi dê trên địa bàn xã Phú Xá và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cao Lộc cũng chủ động gia cố chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.

Người dân ở thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn, Lộc Bình (Lạng Sơn) đưa đàn trâu về vùng thấp để tránh rét hại, rét đậm.

Tại huyện Lộc Bình cũng đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc trên địa bàn. Bà Chu Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Bình cho biết, toàn huyện hiện có hơn 13,8 nghìn con gia súc; trong đó, có hơn 5.200 con dê. Để phòng, chống đói rét cho đàn gia súc ngay từ đầu tháng 10/2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành công văn chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố chuồng trại, tiêm phòng cho đàn gia súc, chú trọng vệ sinh chuồng nuôi bảo đảm đàn gia súc phát triển khỏe mạnh.

Không chỉ hai huyện trên, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Bên cạnh sự chủ động của người dân, ngành chức năng tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, mùa đông năm 2021-2022, toàn tỉnh có 1.192 con gia súc của 489 hộ chăn nuôi bị chết rét, trong đó gia súc bị chết rét chủ yếu là dê (703 con), trâu, bò dưới 2 tuổi ( 435 con)... Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 288.000 con gia súc, trong đó, có khoảng 40 nghìn con dê, tập trung chủ yếu tại các huyện: Lộc Bình, Cao Lộc, Bắc Sơn…

Đàn dê và trâu bò dưới 2 tuổi bị chết trong mùa đông năm 2021-2022 chủ yếu là do trong các đợt rét đậm, rét hại người dân vẫn chăn thả tự do theo tập quán dẫn tới đàn vật nuôi bị chết rét. Cùng đó, trâu, bò dưới 2 tuổi sức đề kháng kém, dễ nhiễm lạnh nên khi không được giữ ấm, bổ sung tinh bột sẽ dẫn đến suy yếu rồi chết.

Để bảo vệ đàn gia súc, đặc biệt là đàn dê và trâu bò dưới 2 tuổi, ngay từ đầu tháng 10/2022, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp về phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Trong đó, tập trung tuyên truyền người dân dự trữ nguồn thức ăn; quây kín chuồng trại; tiêm phòng vaccine đầy đủ cho vật nuôi…

Đặc biệt, khuyến cáo người dân không chăn thả đàn dê và trâu, bò dưới 2 tuổi khi nhiệt độ giảm sâu; bổ sung tinh bột, nước ấm để đảm bảo đàn vật nuôi không bị đói, lạnh trong mùa đông.

Với sự tích cực tuyên truyền của các cấp chính quyền, ngành chức năng và sự chủ động của người dân, hy vọng đàn gia súc, đặc biệt là đàn dê và trâu, bò dưới 2 tuổi trên địa bàn tỉnh sẽ được bảo vệ, phát triển khỏe mạnh; từ đó, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi nếu thời tiết khắc nghiệt xảy ra trong mùa đông năm 2022 - 2023.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất