, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 19/07/2022, 06:30

Làng tỷ phú nhờ cây dó bầu

TUỆ MINH
Những năm gần đây, nhờ nguồn thu từ cây dó bầu mà nhiều hộ dân tại xã Phúc Trạch huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thoát cảnh cơ hàn…
Một góc vườn dó trầm của bà Nguyễn Thị Hoa tại xóm 8, xã Phúc Trạch.

Bưởi Phúc Trạch được nhiều người biết tiếng và từ năm 2010, loại bưởi này đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân Phúc Trạch lại bỏ dần cây bưởi để chuyển sang trồng cây dó bầu.

Đổi đời nhờ cây dó bầu

Trở lại vùng bưởi Phúc Trạch nổi tiếng lần này, đi từ đầu làng đến cuối ngõ, đâu đâu cũng thấy cây dó bầu. Trò chuyện cùng chúng tôi trong căn nhà khang trang nép mình dưới tán cây dó bầu, bà Nguyễn Thị Hoa trú tại xóm 8 nhớ lại: “Đâu khoảng 2004 - 2005, nhiều thương lái từ khắp nơi bỗng đổ về Phúc Trạch tìm mua cây dó bầu. Vườn nhà tôi lúc ấy có chừng 20 cây dó khoảng 30 năm tuổi. Họ vào vườn nhìn ngó, săm soi mấy cây dó rồi ra giá…”.

Bà Hoa cho biết đến tận bây giờ bà vẫn nhớ cảm giác bất ngờ đến lặng người khi nghe thương lái ra giá mua 20 cây dó bầu trong vườn nhà bà. “Không ngờ mấy cây dó mọc hoang trong vườn lại có giá cao đến thế. Nông dân chúng tôi thấy nó tự mọc nên cứ để dành trong vườn phòng khi cần dựng nhà, làm cột. Đâu ngờ có người tìm mua với giá cả trăm triệu đồng một cây. Mừng không nói thành lời”, bà Hoa nói.

Những tác phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây dó trầm của gia đình ông Lê Trung Hữu.

Thời điểm đó, do cần tiền cho con ăn học nên bà Hoa đã bán 5 cây dó với giá 500 triệu đồng. Một thời gian sau, gia đình bà bán nốt 15 cây còn lại cho thương lái được hơn 1,5 tỷ đồng. Vợ chồng bà dành một phần tiền xây dựng nhà cửa, trồng thêm dó, phần còn lại gửi ngân hàng và lo cho con cái ăn học.

Hiện tại, vợ chồng bà Hoa vẫn còn gần 2 hecta với hơn 3.000 cây dó bầu 10 năm tuổi. Giá thị trường thời điểm hiện tại dao động từ 3 – 10 triệu đồng/cây. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn dó, bà Hoa hồ hởi nói: “Giá trị của dó bầu phụ thuộc vào tuổi đời và lượng trầm trong thân cây. Cây càng già, trầm càng nhiều thì giá càng cao. Không chỉ gia đình tôi mà rất nhiều người ở Phúc Trạch đã thoát nghèo và giàu lên từ cây dó”.

Cách nhà bà Hoa không xa là gia đình ông Nguyễn Trung Trực, Chủ nhiệm HTX Trầm hương Phúc Trạch. Ông Trực cũng được coi là tỷ phủ dó trầm của xã. Ông cho biết từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông cùng đám trai làng đã theo chân các thợ người Huế và Quảng Nam vào đại ngàn Trường Sơn tìm trầm. Trong một lần may mắn, ông và nhóm thợ đã tìm thấy khối trầm lớn trong ruột một cây dó bầu bị gãy đổ do mục nát. Nhờ vậy ông mới biết trầm chính là tinh dầu do cây dó bầu tiết ra và kết tinh lại mà thành. Trở lại quê, ông chợt giật mình khi nhận ra loại cây này mọc khá nhiều tại xã nhà Phúc Trạch. Một mặt lo gìn giữ, chăm sóc những cây dó mọc tự nhiên, mặt khác, ông tìm đủ cách ươm hạt, gây giống để trồng thêm dó bầu trong vườn nhà. Trên khu đất hiện hữu rộng độ 1 hecta của gia đình, ông Trực đang trồng hơn 1.800 cây dó với nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó, 10 cây từ 20 - 30 năm tuổi, 50 cây từ 10 - 20 năm tuổi, số còn lại dưới 10 năm tuổi.

Theo ông Trực, dó bầu trên 30 năm tuổi có giá bán từ 80 đến 100 triệu đồng/cây; cây 10 - 20 năm tuổi trung bình 10 triệu đồng/cây. Nhờ bán dó và làm đồ thủ công mỹ nghệ từ dó trầm, mấy năm gần đây ông đã thu được hơn 3 tỷ đồng. Ông Trực cho biết thêm: “Trầm hương có hai loại, tự nhiên và nhân tạo. Trầm tự nhiên được hình thành khi cây dó bầu tiết nhựa nhằm bịt các lỗ hổng do sâu đục thân gây ra để làm lành vết thương. Loại nhựa này tích tụ qua thời gian thành một hợp chất màu đen giống với nhựa đường, đấy chính là trầm hương”.

Dẫn chúng tôi đi tham quan rừng dó bầu, ông giải thích thêm khi thấy chúng tôi thắc mắc về những dấu sơn xanh đỏ quét trên thân cây: “Thương lái quét sơn đánh dấu những cây dó bầu họ đã “mua đứng” trên vườn. Mua đứng tức là người mua chọn cây, thỏa thuận giá cả xong thì ra UBND xã xin xác nhận việc mua bán và sau đó, có thể thỏa thuận với chủ vườn để cây dó bầu đã mua ấy sống trong vườn từ 1 đến 10 năm sau mới đến chặt hạ”.

Ông Lê Trung Hữu đang gọt bỏ phần vỏ để giữ lại trầm nguyên chất bán cho thương lái.

Ồ ạt trong dó bầu

Theo ước tính, Hương Khê hiện có gần 1.000 hecta dó bầu. Không chỉ người dân mà các trường học, công ty cũng đua nhau trồng cây dó, điển hình như Công ty Cao su Hương Khê đã trồng 20 hecta, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu trồng 171 hecta. Nhiều hộ dân ở Phúc Trạch còn phá bỏ cả những vườn bưởi đặc sản để lấy đất trồng dó bầu như bà Trần Thị Mục, một người trồng bưởi lâu năm. Bà Mục nói: “Cây dó bầu đang lấn át cây bưởi ở Phúc Trạch. Gia đình tôi hiện cũng trồng được hơn ba sào với hơn 1.000 cây dó. Năm trước có một cây dó nhỏ bị lũ ngập thối rễ mà tôi đã bán được 9 triệu đồng…”.

Cách nhà bà Mục không xa, chị Trần Thị Mận ở xóm 7 cũng vừa dựng hàng rào bằng dây thép gai và làm cổng sắt để bảo vệ hơn 2 hecta cây dó. Chị Mận cho hay gia đình từng có hàng trăm gốc bưởi Phúc Trạch đã cho thu hoạch nhưng hiện nay, gia đình đã chặt bỏ hơn một nửa diện tích trồng bưởi để nhường chỗ cho cây dó bầu.

Một điều khá lạ là cây dó bầu sinh trưởng, phát triển tốt tại nhiều địa phương của huyện Hương Khê nhưng chỉ những cây dó bầu trồng trên đất Phúc Trạch mới cho ra trầm tự nhiên. Không chỉ trồng dó bầu bán cây, nhiều hộ gia đình còn thu mua cây dó của người dân trong xã mang về chế tác thành đồ thủ công mỹ nghệ để bán. Rót chén nước chè xanh mời khách, anh Lê Trung Hữu (SN 1970) trú tại xóm 8 - người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dó trầm - cho biết giá thành của mỗi sản phẩm tùy thuộc vào thế và chất lượng trầm. Loại rẻ có giá từ 5 – 10 triệu đồng/sản phẩm, loại đắt lên đến hàng trăm triệu đồng. Không chỉ làm đồ thủ công mỹ nghệ bằng dó trầm, anh Hữu còn thu mua cây dó bầu về dùng dao, đục gọt hết lớp vỏ để lấy phần lõi trầm bên trong bán cho thương lái. Giá thành của loại trầm nguyên chất này dao động từ 20 – 25 triệu đồng/kg.

Ông Nguyễn Trung Trực bên cây dó trầm hơn 30 năm tuổi.

Trồng và bán dó bầu lấy trầm đang thịnh hành ở Phúc Trạch nhưng hầu hết người trồng dó đều không thật rõ về đầu ra của sản phẩm. “Nghe nói là xuất khẩu qua Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… để chiết xuất tinh dầu làm nước hoa và dược liệu”, vài người cho biết vậy.

Theo ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, toàn xã hiện có gần 300 hecta cây dó bầu, trong đó có hơn 200 hecta đang cho thu hoạch. Cũng theo ông Khánh, cây dó và cây bưởi đã mang lại thu nhập lớn, giúp nhiều hộ dân trong xã xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, thì lại băn khoăn: “Cây dó bầu hiện đang cho thu nhập cao nhưng do chưa xác định được công dụng cũng như đầu ra của sản phẩm nên nhiều năm qua huyện chưa có chủ trương đưa loại cây này vào hàng những cây trồng chủ lực tại địa phương. Việc thương lái mua bán với người dân là hoạt động hoàn toàn tự phát, chúng tôi không khuyến khích nhưng cũng không cấm người dân phát triển và mở rộng diện tích…”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất