, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 10/03/2017, 15:38

Lão nông 70 tuổi và trang trại gà quý trên núi

HÙNG ANH

Nghề này cực nhọc mà chuyện trúng, thất hên xui lắm”, Ba Thuận bùi ngùi nói.

Đàn vịt hơn 3.000 con của anh Thuận đang chạy đồng kiếm ăn ở ấp 5, xã Mỹ Thành Bắc (Cai Lậy, Tiền Giang).

Lăn lóc theo dấu chân vịt

Mới 3 giờ sáng, trời còn tối đen như mực, Ba Thuận đã lồm cồm ngồi dậy, đội chiếc đèn pin lên đầu, khệ nệ bưng mấy chiếc cần xé có lót rơm, đi ra phía bãi quây bầy vịt đẻ hơn 3.000 con. Ngó sang tôi, Ba Thuận nói: “Ông ngủ tiếp đi, tui đi lượm hột vịt, để tới sáng tụi nó (vịt) đạp tới đạp lui dơ hột hết, thương lái chê”. Trời sáng rõ, Ba Thuận khệ nệ bưng mấy cần xé đầy ắp trứng vịt vừa đẻ trắng phau vô căn chòi lợp ni-lông, chờ thương lái tới đếm. Đêm qua, hơn 3.000 con vịt của Ba Thuận đẻ được trên 2.000 trứng, thương lái đếm sỉ với giá 1.800 đồng/trứng, mới hừng đông mà Ba Thuận đã vô gần 4 triệu đồng. Nhấp ngụm trà sớm, Ba Thuận nói: “Sau tết Nguyên đán giá trứng xuống, bán 180.000 đồng/trăm cũng có lời rồi, nhưng không bằng lúc trước tết giá lên 2.100 đồng/trứng, có bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu”.

Ba giờ sáng anh Thuận đi thu hoạch trứng vịt.

Ăn qua quít xong bữa sáng với món bánh mì kẹp… trứng vịt chiên, Ba Thuận mở rào lưới, lùa bầy vịt đẻ ra cánh đồng mới thu hoạch lúa ở ấp 5 xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Hàng ngàn con vịt túa ra cánh đồng đầy gốc rạ xâm xấp nước kiếm ăn, kêu la quàng quạc vang dội một góc trời. Ba Thuận, tay cầm cây tre dài trên ngọn buộc một túm vải đủ màu sắc, chạy tới chạy lui khắp cánh đồng, luôn miệng hò hét lùa những con vịt tìm cách tách đàn đi sang ruộng khác phải trở về hàng ngũ. Lúc đám vịt đã được thiết lập trật tự, thi nhau mò mẩm kiếm ăn trên ruộng, Ba Thuận mới lên bờ ngồi thở dốc. “Tui quê ở xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thâm niên gần 15 năm trong nghề chăn vịt chạy đồng rồi. Nhà không có nhiều đất đai nên muốn làm ruộng, trồng rẫy, nuôi cá… đều không xong, đành chọn nghề chăn vịt chạy đồng, dù nghề này cực nhọc không thể tả xiết”, Ba Thuận kể. Theo Ba Thuận, vịt con mua về phải quây trong sân nhà chăm sóc đến thời điểm từ 1 đến 3 tháng tuổi, lúc vịt biết tự kiếm ăn, là bắt đầu tìm mua đồng cho vịt chạy. Trước đây, nghề nuôi vịt chạy đồng bao gồm vịt lấy thịt và vịt đẻ, nhưng sau này những bầy vịt chạy đồng toàn là vịt đẻ, vì nuôi vịt thịt không có lời. Một nguyên tắc bất di bất dịch của người nuôi vịt chạy đồng là phải nắm rõ thời điểm thu hoạch lúa của từng địa phương ở miền Tây Nam bộ để đưa vịt đến thả. “Trước khi cho vịt chạy đồng, người nuôi phải đến xem xét cặn kẽ từng miếng ruộng, sau khi ưng ý mới thỏa thuận giá cả mua đồng với chủ ruộng. Mấy năm nay giá mua đồng dao động từ 30.000 đồng/công (1.000m2) đến 50.000 đồng/công, tùy theo ruộng tốt xấu. Sau khi thỏa thuận giá cả, chồng tiền cọc, trước khi chủ ruộng thu hoạch lúa 2-3 ngày thì chủ vịt phải thuê xe tải hoặc vỏ lải chở bầy vịt đến ruộng chờ sẵn. Lúa vừa cắt xong thì thả vịt vào ăn. Vịt ăn gần hết đồng này thì phải tìm hỏi mua đồng khác cho vịt ăn tiếp”, Ba Thuận cho biết. Theo Ba Thuận, những đám ruộng vừa thu hoạch lúa xong nếu thả vịt chạy đồng thì có nhiều điều lợi như vịt quần nát gốc rạ, tiêu diệt sạch các loại sâu bọ gây hại, kể cả ốc bươu vàng, phân vịt giúp làm tốt đồng ruộng… Nhưng từ trước đến nay không có chủ ruộng nào đồng ý cho thả vịt chạy đồng miễn phí mà đều bắt buộc chủ vịt phải mua đồng, dù giá chỉ vài chục ngàn đồng/công. Thông thường thả vịt chạy đồng đến tháng thứ 6-7 thì bầy vịt bắt đầu đẻ rộ, lúc này ngoài chuyện chăn vịt thì người chủ còn phải chạy đôn chạy đáo kiếm mối bán trứng mỗi ngày, vì không có chỗ vựa lại. “Lúc đầu chạy kiếm mối bán trứng vịt trần thân, nhưng gần 15 năm trong nghề tui đã thả vịt khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ, nên đi đến đâu cũng có mối quen bán trứng. Trong nghề này, ngán nhứt là chuyện giá cả lên xuống thất thường. Giá trứng nằm khoảng 1.400 đồng/hột là huề vốn, còn dưới nữa thì cầm chắc lỗ, bởi lẽ ngoài việc ăn thức ăn trên đồng ruộng thì buổi chiều khi quây vịt vào bãi đẻ còn phải đổ thêm lúa cho tụi nó ăn no, đến tối nó mới chịu đẻ”, Ba Thuận nói. Theo Ba Thuận, sau khi bầy vịt đẻ rộ khoảng 3-4 tháng thì ngưng đẻ, lúc này con vịt ốm nhom, bộ lông xơ xác. Chủ vịt nào yếu vốn thì ra sức bồi dưỡng, chăm sóc lại bầy vịt cho nó thay lông, sau khi thay lông khoảng một tháng là vịt đẻ trở lại, nhưng năng suất chỉ bằng 80% lúc đầu. Người nào mạnh vốn thì khi vịt ngưng đẻ sẽ kêu thương lái bán vịt thịt với giá 45.000 đồng- 50.000 đồng/con, chỉ bằng 1/3 so với vịt chuyên lấy thịt, sau đó gầy lại bầy mới. “Thông thường khoảng một tháng trước khi vịt ngưng đẻ thì phải gầy lại bầy mới để khi vừa bán thịt bầy cũ thì có bầy mới thả ngay. Làm như vậy trung bình một năm có thể nuôi được 3 lứa vịt đẻ chạy đồng”, Ba Thuận cho biết.

Nỗi niềm nghề chăn vịt

Ba Thuận nói, anh chỉ là một trong số hàng trăm ngàn người làm nghề nuôi vịt chạy đồng ở miền Tây Nam bộ, nhưng theo kinh nghiệm của anh thì không ai có đủ khả năng chạy đồng cùng lúc 10.000 con vịt đẻ, vì không thể chăm sóc, quản lý tốt. “Ông bà nói muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt, nên nghề này cực nhọc mà chuyện trúng, thất hên xui lắm. Nghề này chủ yếu lấy công làm lời, nuôi nhiều quá phải thuê mướn nhân công thì coi như không có ăn”, Ba Thuận bùi  ngùi.

Sau khi thu hoạch trứng, anh Thuận chuẩn bị thả vịt chạy đồng.

Nhưng chuyện trúng, thất, giá cả thị trường bấp bênh chỉ là một trong số những ám ảnh thường xuyên của người nuôi vịt chạy đồng. Lâu nay ở miền Tây Nam bộ, hầu như người nuôi vịt chạy đồng nào cũng từng lâm cảnh dở khóc dở cười vì tình trạng “xin đểu” tại những nơi họ đưa vịt đến chăn thả. Hai Lợi, quê xã Hậu Thành (huyện Cái Bè, Tiền Giang, có hơn 10 năm trong nghề nuôi vịt chạy đồng), kể: “Khi đưa vịt đến chạy đồng ở địa phương nào thì phải đến xã, ấp xin đăng ký tạm trú, kèm theo cặp vịt làm quà nhậu chơi, để có xảy ra chuyện gì còn cậy nhờ họ giúp. Nhưng dân chăn vịt sợ nhất là mấy ông bợm nhậu địa phương. Túng mồi, mấy ổng đến xin chục trứng, vài con vịt đem về lai rai. Trứng vịt thì không sao, còn xin nguyên con vịt thì phải lựa những con ốm o mà cho, không cho không được”. Theo Hai Lợi, nếu chủ vịt không chiều lòng mấy tay bợm nhậu thì sẽ bị họ phá tới nơi tới chốn. Chiêu thức thường gặp là họ canh đêm khuya lúc vịt chuẩn bị đẻ sẽ giả bộ đi soi cá, soi ếch ngang bãi nhốt vịt để rọi đèn pha, gây tiếng động bất ngờ, làm đàn vịt hoảng sợ… nín đẻ. Vài ba đêm bị như vậy thì chủ vịt chỉ còn nước dời đàn đi nơi khác làm ăn. Trong khi đó Ba Thuận nói anh sợ nhất là cán bộ thú y địa phương làm khó dễ, vì lâu nay họ nói vịt chạy đồng khó quản lý dịch cúm gia cầm do đàn vịt di chuyển hết nơi này đến nơi khác. “Nói thiệt đàn vịt đẻ mấy ngàn con là cả gia tài, nên đi tới đâu tui cũng lo tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, nên nói vịt chạy đồng không được tiêm chủng là oan cho tụi tui lắm. Hơn ai hết, tụi tui biết nếu không tiêm chủng cho đàn vịt thì lỡ nó ngã ra chết, bị tiêu hủy sạch, dân nuôi vịt sẽ lâm cảnh vỡ nợ, trắng tay”, Ba Thuận nói.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất