, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 06/09/2022, 07:53

Lão nông góp sức giữ lại giống nếp đặc trưng

MỸ HẠNH
(baoangiang.com.vn)
Tự hào với giống nếp đặc trưng làm nên danh tiếng của huyện Phú Tân (tỉnh An Giang), hơn 10 năm qua, ông Võ Văn Me (tên thường gọi Út Me, ngụ ấp Hưng Thạnh, xã Phú Hưng) miệt mài sản xuất giống CK92.
Ông Út Me tâm huyết với giống nếp CK92

Gắn bó với nghề nông mấy chục năm, như phần lớn người dân ở xứ đạo này, ông Út Me chuyên trồng nếp thương phẩm. Con trai ông học ngành nông nghiệp, gợi ý ông chuyển sang sản xuất giống nếp. Dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của con, ông Út Me thử nghiệm, thấy rất khả quan. Kinh nghiệm trên đồng ruộng cộng với kiến thức bài bản tạo điều kiện thuận lợi để ông rẽ hướng sản xuất giống lâu dài.

 “So sánh với trồng nếp bán theo sản lượng, thì sản xuất nếp giống có thu nhập vượt trội hơn nhiều. 10 năm nay, tôi dành 10ha đất chuyên sản xuất nếp giống CK92, áp dụng biện pháp cấy bụi, khử tạp lẫn để cho ra giống nếp thuần phục vụ bà con nông dân” - ông Út Me chia sẻ.

Ở “xứ nếp”, hầu hết nông dân sản xuất đại trà theo cách bán thô sản lượng, trong khi người sản xuất giống khá khiêm tốn. Ở tuổi 72, ông Út Me là một trong số ít người sản xuất nếp giống được nông dân tin cậy. Không xây dựng thương hiệu, nhưng chất lượng nếp do ông trồng đủ uy tín, được bà con truyền tai đến mua.

 Ông cho biết, nhờ con hướng dẫn, ông chọn giống nếp phục tráng, số khác được tuyển từ kỹ sư, chuyên gia trong và ngoài tỉnh để nhân chia giống. Muốn sản xuất được nguồn giống chất lượng, khâu nào cũng quan trọng và phải làm thật kỹ, từ dọn đất, cày xới, ương mạ, thuê người cấy thủ công…

Hơn ai hết, ông nắm rõ “tánh nết” của cây nếp, tạo quy trình sản xuất của riêng mình nhằm thu về những hạt nếp thuần. “Ví dụ, tôi cấy mạ khoảng cách 2 tấc, dày hơn so với cấy bằng máy, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Bông nếp đỏ đuôi, giống thuần hình thức rất đẹp. Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục chọn lại để gầy giống thêm, tránh lẫn tạp. Mỗi bước, mỗi vụ phải kỹ như thế, không thể qua loa…” - ông giải thích.

Từ khi bắt tay sản xuất nếp giống, ông Út Me được Trạm Khuyến nông huyện đến hỗ trợ về kỹ thuật, khuyến cáo cách làm mới. Kết hợp với kinh nghiệm bản thân thành kỹ thuật đồng bộ, ông đảm bảo năng suất cao và cân bằng được nguồn vốn. Từ giống nếp của ông, nông dân trồng đạt năng suất bình quân 1,2 - 1,3 tấn/ha. “Mối” quen thuộc của ông là nông dân trồng nếp trong vùng và một số trại giống ở tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, vụ đông xuân đạt năng suất tối ưu đến 1,3 tấn/ha, còn vụ hè thu tuy nắng nhiều nhưng vẫn đạt được 1 tấn/ha. Mỗi năm, 10ha đất mang về cho ông Út Me thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Năm nào sản xuất thuận lợi, phấn khởi hơn thì thu nhập cao hơn.

Nhẩm tính những năm trước, ông Út Me cho biết, mỗi vụ ông bán được 300 - 400 tấn giống mà vẫn không đủ. Vài năm gần đây, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến lưu thông giữa các địa bàn gián đoạn, nguồn giống không vận chuyển được, khách hàng quen thuộc chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, các loại cây trồng ngắn ngày…

Ông cũng bắt nhịp với nông dân chuyển đổi cây trồng, thử nghiệm tiên phong với 1ha sầu riêng. Tuy nhiên, nếp vẫn là “cây chủ lực” của huyện Phú Tân, được nhiều người giữ lại để xây dựng thương hiệu. Phục vụ cho những khách hàng bền vững này, ông Út Me kiên trì sản xuất nếp giống thuần CK92.

Tự hào về hạt nếp quê hương, ông khẳng định, dù trên thị trường có nhiều loại nếp, nhưng CK92 vẫn có vị thế, bởi vậy mới “biến” Phú Tân trở thành “xứ nếp” vang danh. Giống nếp này đặc trưng hạt dài, năng suất cao, dễ trồng, chất lượng hạt thơm dẻo, được ưa chuộng để làm bánh, nấu xôi. Trong khi các giống nếp khác, trồng trong vụ đông xuân gặp thời tiết lạnh sẽ khó vào hạt gạo, nếp không đạt chuẩn… thì CK92 phát triển tốt cả 3 vụ như thường.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn cho biết, địa bàn huyện có nhiều nông dân sản xuất nếp giống, trong đó ông Út Me là người có kinh nghiệm nhiều năm và nổi trội. “Tuổi cao, nhưng ông Út Me vẫn say mê lao động, tích cực học hỏi, kết hợp các mô hình chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng… Bản tính năng động và nhạy bén với kiến thức mới là điều kiện để nâng cao kỹ thuật, góp phần sản xuất nếp giống chất lượng. Cùng với đó, sự tâm huyết, trách nhiệm gìn giữ dòng nếp thuần của quê hương đã giúp ông gầy dựng được uy tín với nông dân. Nhiều năm liền, ông Út Me được bình chọn là nông dân giỏi cấp huyện và tỉnh” - ông Lê Văn Ẩn chia sẻ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất