, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 11/03/2022, 18:00

Lão nông thu “vàng ròng” từ chuối

ĐỒNG VĂN THƯỞNG
(nongnghiep.vn)
Dù tuổi cao nhưng lão nông Chu Quang Liên vẫn giữ vai trò “nhạc trưởng” trong việc làm ăn, phát triển kinh tế của đại gia đình.

Tuổi cao trí càng cao

Ông Chu Quang Liên (74 tuổi, xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) chỉ đạo sản xuất mô hình VAC gồm hàng trăm đầu lợn nái, lợn thịt và vườn cây diện tích trên 3ha, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Nói chuyện với chúng tôi, ông Liên kể ông quê gốc ở Hà Nam, năm 1962, theo tiếng gọi của Đảng, cha mẹ ông đã đưa cả gia đình lên vùng núi heo hút của tỉnh Thái Nguyên để khai hoang làm kinh tế mới.

Lão nông Chu Qung Liên giới thiệu về vườn chuối của gia đình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.
Lão nông Chu Qung Liên giới thiệu về vườn chuối của gia đình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Liên nhớ lại: “Lúc ấy ở đây toàn rừng núi làm gì có đường đi. Đốn cây đốt cỏ, khai hoang rồi thì toàn bộ làm chè, sau thì chè không bán được lại đốn đi để trồng mơ lai, rồi lại chặt bỏ mơ rồi trồng vải, sau vải là cam… Loanh quanh mất hơn 20 năm tôi mới tìm ra hướng đi tạm gọi là yên tâm.

Những năm gần đây, cây chè khởi sắc, Vô Tranh là một trong những xã đi đầu của huyện Phú Lương trong việc phá bỏ vườn tạp để trồng chè, trở thành vùng chè nguyên liệu lớn của huyện. Tại xóm Trung Thành 1, hơn 100 hộ dân đều chuyển đất vườn tạp có giá trị kinh tế thấp sang trồng chè. Cây chè đã trở thành cây kinh tế chủ lực mang lại nguồn thu chính cho người dân trong vùng”.

Ngược dòng tuổi thất thập

Với ông Liên, ông nhận thấy cứ bám mãi vào chè và lúa thì không thể có bước đột phá. Làm chè cần nhiều công lao động, “hộ làm ghê nhất” cũng chỉ thu trên 100 triệu/năm. Sau nhiều tính toán thiệt hơn, ông đầu tư vào chăn nuôi và trồng chuối.

- Già rồi không có sức, cốt làm ít thôi mà hiệu quả - Ông Liên suy tính như vậy.

Thật may mắn, chừng 6 năm trước đây, ông biết đến 1 mô hình tại huyện Đồng Hỷ chuyên trồng chuối để phục vụ dịp Tết nguyên đán, chỉ với 2 sào ruộng quanh nhà mà năm nào cũng thu trên 40 triệu tiền chuối.

Dù tuổi cao song ông Liên vẫn mạnh mẽ chuyển đổi phương thức sản xuất. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.
Dù tuổi cao song ông Liên vẫn mạnh mẽ chuyển đổi phương thức sản xuất. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Quá tâm đắc với mô hình chuối tết, ông Liên đã dành thời gian đi học hỏi, sau đó đầu tư trồng 500 gốc chuối tiêu. Với lợi thế có chuồng trại nuôi lợn chủ động nguồn phân dồi dào nên vườn chuối được ăn phân đầy đủ, thân cây mập khỏe. Theo chia sẻ của lão nông, vốn dĩ chuối là loài cây quen thuộc, gắn bó với mọi khu vườn ở nông thôn nhiều đời nay nên cây rất dễ tính, dễ trồng, không hề kén đất. Cái khó là làm sao bắt chuối trổ buồng, già đúng vào dịp Tết. Theo phong tục từ xưa, mâm ngũ quả trên ban thờ gia tiên không thể thiếu nải chuối xanh, nhiều nhà không chỉ mua 1 nải mà đến vài ba nải. Vì thế, chuối xanh dịp tết được giá gấp 4-5 lần so với ngày thường, thậm chí những nải đẹp, “phong thủy” có giá gấp hàng chục lần mà người mua vẫn vui vẻ rút ví.

Với kinh nghiệp hơn 6 năm trồng chuối Tết, để chuỗi quả đạt độ đẹp nhất trong thời gian từ khoảng mồng 10 tháng Chạp, ăn tết xong ông Liên bắt đầu làm đất để trồng lứa chuối mới vào tháng 2. Tháng 8 chuối sẽ đồng loạt trỗ buồng. Những buồng trỗ sớm nhất nếu gặp thời tiết ấm sẽ chín vào dịp mùa thu, đó cũng là thời điểm chuối chín rất ngon, thường kèm với hồng và cốm non như một món thời trân thanh nhã. Thời điểm này, nếu rẻ nhất cũng bán được 100 nghìn đồng/buồng. Còn vào dịp tết, giá bình quân từ 10 nghìn -15 nghìn đồng/kg, thu từ 200 nghìn - 300 nghìn đồng/gốc.

Đang tiếp tục mở rộng diện tích chuối, ông Liên khẳng định đây là loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao nhất so với các loại hoa quả khác. Nhìn từ thực tế, người làm vườn ở cùng xã thu 1 vụ 50 - 60 triệu đồng là hiếm bởi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, năm được giá thì mất mùa, năm được mùa giá lại rẻ, thị trường rất bấp bênh. Trong khi trồng chuối tết chi phí thấp, không mất nhiều công chăm bón, làm cỏ, bình quân chi phí mỗi cây chưa đến 30 nghìn đồng, cuối năm thu hơn bù kém cũng được 200 nghìn đồng.

Khách hàng mua chuối ở các tỉnh miền xuôi như Thái Bình, Hải Dương… căn ngày, đánh xe lên tận vườn thu mua, không có để mà bán. Chuối tiêu hồng cũng là loại hoa quả “siêu sạch”, an toàn, bổ dưỡng rất cần thiết cho người già, trẻ nhỏ, người ốm bệnh…, ngoài ra, chuối xanh còn được tiêu thụ tại các chợ để nấu một số món ăn truyền thống như nấu ốc đậu, hầm xương, ăn kèm thịt dê, thịt chó… rất nhiều gia đình ưa thích, vì thế thị trường rất rộng mở. Trong khi nhiều loại quả khác không bán được phải đổ bỏ chứ riêng chuối không lo không có đầu ra.

Đừng coi thường quả chuối xanh giá trị không lớn, thực tế mới thấy mỗi xe chuối đi các tỉnh đều thu đến đôi ba chục triệu, tiền bán chuối cuối vụ để ra tương đương vài cây vàng chứ đâu có ít, ông Liên hóm hỉnh.

Mặc dù dễ chăm sóc, mang lại lợi nhuận cao nhưng chuối cũng dễ nhiễm một số loại dịch bệnh cần áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc. Đặc biệt, chuối rất ưa ẩm nên cần nước tưới thường xuyên, để cây không bị cháy lá. Nếu trồng trên đồi, cần phủ lá chuối khô quanh gốc cây để giữ độ ẩm đồng thời, làm rãnh thoát nước ở quanh mỗi gốc để nước không bị ứ đọng quá lâu, nhất là vào mùa mưa.

Ngay từ năm thứ hai, ông Liên đã chủ động được cây giống nhờ tách chồi từ cây mẹ, trung bình một khóm có khoảng 5 - 6 cây con, không chỉ giúp tiết kiệm một khoản chi phí về đầu tư mà ông còn cung cấp giống cho bà con quanh vùng cùng phát triển sản xuất.

Mô hình trồng chuối tết của gia đình ông Chu Quang Liên không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho chính gia đình ông mà đây còn là mô hình cụ thể, tiêu biểu về sự sáng tạo trong việc nâng cao giá trị của những cây trồng hết sức quen thuộc trên chính mảnh đất của mình.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vô Tranh tự hào cho biết, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, việc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả đã trở thành một phong trào sôi nổi đối với nông dân ở tất cả các xóm của xã. Hầu hết các triền dốc, khe đồi trên địa bàn đều được người nông dân cải tạo, các vườn tạp cũng  được chuyển đổi sang trồng chè, trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Với tư duy năng động trong sản xuất, người dân đã biến Vô Tranh từ một vùng đất nghèo trở thành nông thôn mới no ấm, đủ đầy hơn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất