, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 06/07/2023, 14:38

Lễ hội đập trống và “đêm ngoại tình” của người Ma Coong

HOÀNG BÙI
Lễ hội đập trống được tổ chức hàng năm vào đầu mùa xuân tại bản Cà Roòng – nơi được xem là vùng đất thiêng của người Ma Coong.
 
 
 
 
 

Từ thành phố Đồng Hới, tôi ngược ngàn theo đường 20 Quyết Thắng - con đường lừng lẫy trong thời chiến tranh để lên với bản Cà Roòng 1, với đồng bào Ma Coong. Đường 20 Quyết Thắng uốn lượn giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, ẩn hiện trong sương sớm như một dải lụa nằm vắt ngang giữa Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Tuy nay đã được bê tông hóa, nhưng đây vẫn là cung đường khiến những người yếu tim phải rùng mình. Có khoảng hơn 300 hộ sinh sống rải rác ở 18 bản nằm dọc theo biên giới Việt – Lào của vùng Thượng Trạch. Lễ hội đập trống được tổ chức hàng năm vào đầu mùa xuân tại bản Cà Roòng – nơi được xem là vùng đất thiêng của người Ma Coong.

 
 
 
 

Tục đập trống là một hoạt động tâm linh đã hình thành và đồng hành cùng với quá trình tồn tại của người Ma Coong trên dãy Trường Sơn hùng vĩ này từ rất lâu. Lễ hội được tổ chức vào mùa xuân, khi cây lúa trên nương, cây bắp trên rẫy đã chín, vừa để gọi lúa về, vừa để cầu cho mưa thuận gió hòa để mùa sau được mùa hơn trước. Tiếng trống Ma Coong vang vọng núi rừng. Người dân quan niệm năm nào trống vỡ nhanh thì năm đó nhất định sẽ được mùa to.

Trong lễ tế, chủ lễ không chỉ xin Giàng cho đồng bào được mùa, no đủ, mà còn xin Giàng cho người Ma Coong được một đêm tình yêu… Bên chén rượu hiêng (nước đầu của chum rượu cần), khi men đã ngấm, khi rượu đã nồng, Trưởng bản Cà Roòng - anh Đinh Xon chậm rãi kể cho chúng tôi nghe huyền tích về lễ hội này. Theo truyền thuyết từ xa xưa, tại bản của người Ma Coong sinh sống xuất hiện một con khỉ già cùng với một chiếc trống thần. Đến mùa thu hoạch, khỉ già đánh trống và thế là bao nhiêu của cải, thóc lúa, ngô khoai của bà con dân bản đều “chạy” về nhà khỉ già, khiến đời sống của người Ma Coong đói khổ triền miên. Người Ma Coong nghĩ kế, bàn mưu để lấy lại của cải. Đúng vào đêm trăng sáng nhất, sau khi thấy con khỉ già ăn no, uống say và lăn ra ngủ như chết, già làng sai người lẻn vào hang của nó để lấy chiếc trống thần mang về, lập bàn thờ Giàng, đốt lửa và nổi trống. Mất trống thần, con khỉ già đã phải rời khỏi vùng đất này, từ đó người Ma Coong làm ăn được mùa, con cái không còn đau ốm. Lễ hội đập trống cũng bắt đầu từ dạo ấy.

 
 
 
 

Theo lời già làng bản Bụt - già Đinh Sầm, những dòng suối chảy ngoằn nghèo giữa rừng Trường Sơn đại ngàn, chảy qua các bản làng và nuôi sống người Ma Coong. “Người dân gọi là đó là dòng suối của Trường Sơn, là dòng suối của người Ma Coong ta đấy” - già Đinh Sầm nói. Dòng suối của người Ma Coong được hợp từ ba nhánh nhỏ. Nhánh thứ nhất xuất phát từ chân núi A Ky, sang bản Cờ Đỏ, tới Chăm Pu, đến bản 51 và vòng qua bản Bụt. Nhánh thứ hai bắt nguồn trên đất bạn Lào, qua bản Km61, hướng tới bản Troi, về bản Cà Roòng I, Cà Roòng II. Nhánh còn lại từ bản Cồn Roàng, qua bản Cốc, sang bản Cu Tồn rồi đến bản Cà Roòng II. Ba nhánh này hội lại một dòng lớn tại bản Cà Roòng II.

Suối Cấm chỉ là một đoạn suối chừng 500m với 7 cái vực lớn nhỏ nằm giữa hai bản Rào Bụt và bản Nồng Mới. Gọi là suối Cấm vì ở đây có một tục lệ đã ăn sâu vào tâm trí người Ma Coong gắn với lời nguyền cấm đánh bắt cá. Chỉ sau khi lễ hội đập trống diễn ra thì bà con mới được tự do khai thác. Theo lý giải, do cuộc sống của đồng bào Ma Coong phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên nên từ trong tâm thức, người Ma Coong luôn có ý thức bảo vệ thiên nhiên. Cấm bắt cá ở đoạn suối này như là một cách mà người Ma Coong bảo vệ nguồn tôm cá để chúng được sinh sôi nảy nở, để muôn đời dòng suối của người Ma Coong luôn có đầy ăm ắp cá tôm. Trước đây, khi nguồn thủy sản còn dồi dào, thời gian cấm đánh bắt cá trên suối Cấm ngầm quy định trong vòng chín tháng của một năm, bắt đầu từ ngày 20/4 âm lịch đến ngày 16/1 âm lịch năm sau. Thế nhưng hiện nay do nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt nên Bản đã nới lỏng thời gian cấm để bà con có thể đánh bắt thêm một tháng.

 
 
 
 

Trước đêm lễ hội diễn ra, từ sớm chưa tỏ mặt người, dù trời còn rét buốt, người đàn ông quyền lực nhất bản - trưởng bản Đinh Xon phải ôm lưới ra suối Cấm bắt cho bằng được 12 con cá, họ gọi đây là 12 con cá thần dùng để làm lễ cúng Giàng. Buổi sáng ngày diễn ra lễ hội, già bản Đinh Năng của bản Cà Roòng (chủ tế) dậy từ sớm, một mâm cơm cúng được chuẩn bị để ông làm lễ cúng động rừng và làm trống hội.

Năm thanh niên nhanh nhẹn và khỏe mạnh nhất bản được cử vào rừng Bụt, tìm chặt đủ 5 cây tre cật (loại tre đực) và 15 cây mây già để về làm trống. Trống của người Ma Coong là loại trống rất đặc biệt với tang trống liền, được làm từ một loại cây rừng, rỗng ruột, có tuổi đời trên chục năm trong rừng. Tang trống được tuyền từ đời này qua đời khác, chỉ khi nào hư hỏng thì mới phải thay mới. Nghe nói tang trống đang dùng hiện tại đã vượt 100 năm tuổi. Mặt trống thì mỗi năm đều được thay mới trong mùa lễ hội. Trước đây, mặt trống được làm từ da của loài sơn dương rừng, nhưng ngày nay do loài vật này ngày càng ít đi, mặt khác bà con dân bản đã cam kết với Ban quản lý Vườn di sản sẽ không săn bắt động vật quý hiếm thế nên mặt trống được thay bằng da trâu. Trong năm, khi làm thịt trâu, người dân bản chọn miếng da trâu đẹp nhất đem treo lên gác bếp để hong khô, đến trước ngày lễ hội thì mang ra làm mặt trống. Để làm mềm, các thanh niên trong bản dùng cây đập vào tấm da. Người Ma Coong không dùng búa, đinh để nong mặt trống. Họ dùng dây mây rừng xâu chéo với nhau, sau đó lấy những cái nêm bằng tre đực néo để kéo căng mặt trống. Chính vì vậy, trống của người Ma Coong trông như một quả cầu gai xù xì.

Đến chiều tối, chiếc trống sau khi đã làm xong sẽ được treo lên giữa sân. Buổi tối, đến giờ làm lễ, trong chiếc lán được dựng sẵn từ trước, có 4 mâm lễ cúng nhỏ, mỗi mâm có 1 con gà (thể hiện chăn nuôi phát đạt), một nong xôi (thể hiện trồng trọt được mùa), một đọt mây rừng, đọt măng rừng, đọt cây Đoác – một loài cây mọc nhiều trên dãy Trường Sơn (thể hiện sự kính trọng của dân làng đối với thần rừng) cùng 4 con cá được bắt từ khúc suối cấm để cúng 4 vị thần mà người Ma Coong sùng bái đó là thần Núi, thần Rừng, Giàng và Ma xó. Trước mỗi mâm cỗ cúng có đặt 3 bình rượu hiêng, là loại rượu cần ủ từ men lá rừng và lúa nếp, được chưng cất từ năm trước. Trưởng bản mặc một chiếc váy màu đỏ có những sọc chỉ chạy dọc màu xanh lá cây, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, luôn đứng thẳng bất chấp mưa gió đại ngàn như cây rừng của người Ma Coong. Ông thắp những cây nến bằng sáp ong, ngọn lửa lung linh trong đêm huyền ảo. Giọng già bản khan khan trầm đục hòa lẫn với tiếng gió đại ngàn: “Khấn mời Giàng, mời con ma mót về ăn nắm xôi, uống rượu cần, coi lễ hội để phù hộ cho người Ma Coong được mùa, được cái ăn, sinh sôi như cây trên rừng, dẻo dai như suối trước bản. Mời về, mời về”…

 
 
 
 

Sau khi cúng, khấn mấy hồi, già bản phát lệnh đêm hội đập trống chính thức bắt đầu. Già bản cầm gậy mây đánh ba hồi trống khai hội, sau đó từng tốp thanh niên, trai bản mạnh dạn ùa vào. Người lớn, trẻ nhỏ, khách đến tham quan cũng hòa vào đập trống, kể cả những bà con người Lào ở bên kia biên giới cũng vượt cả ngày đường để đến dự lễ hội. Mọi người vừa đập mạnh vào trống vừa vui vẻ hô lớn: “Roa lữ Giàng ơi! Roa lữ Giàng ơi” (sướng quá, vui quá trời ơi!). Trước đó, tất cả người dân Ma Coong, không kể già trẻ, thanh niên đều phải tắm rửa sạch sẽ trước khi đến hội. Các cô sơn nữ trẻ diện những bộ váy áo mới nhất, trang điểm phấn son, nước hoa thơm phức. Trong lúc tiếng trống đang dồn vang, các cô gái chàng trai sẽ kết bạn, thì thầm trò chuyện làm quen, tặng quà cho nhau, cùng nhau uống rượu hiêng.

Đến nửa đêm, khi rượu đã ngấm, chuyện đã nồng, những ánh mắt đưa tình đã ướt nóng, thanh niên trai tráng chen nhau vào đập trống, họ đập mãnh liệt, thúc dục, liên hồi. Mặt trống hứng lấy muôn vàn uy lực từ những con dân của Giàng giáng xuống. Những thanh niên với những cánh tay chắc khỏe như cành cây, khúc gỗ của núi rừng cầm dùi mây đập không ngừng nghỉ vào mặt trống. Tiếng trống nghe mỗi lúc một dồn đập như hơi thở gấp gáp, mong mỏi của mọi người. Hàng ngàn ánh mắt đổ dồn về phía mặt trống. Mặt trống cứ thế rung lên bần bật và rồi “bụp” một tiếng, mặt trống rách toang. Lúc này, từng đôi, từng đôi nắm tay nhau dắt đi. Họ đi xuyên qua bóng tối, đến những gốc cây, hốc đá, những bãi đất trống bên bờ suối để tự tình. Đêm nay chỉ có họ biết với nhau. Những người ngày xưa không đến được với nhau thì sẽ tìm nhau, những người đang yêu nhau đợi đêm hội này để đốt cháy tình yêu…

 
 
 
 

Mỗi năm chỉ có một ngày, ngày của núi rừng, ngày của những chuyện tình dài như con suối trước bản. Đêm nay không có ghen tuông, không có giận hờn, chỉ có yêu thương nồng nàn của đam mê, của men nồng đôi lứa. Họ bên nhau công khai, quấn quýt nhau trong rừng, bên khe suối; dâng tình lên đôi môi, ánh mắt; vòng tay ghì chặt, hơi thở hối hả… để rồi sáng hôm sau ai về nhà nấy, coi như không có chuyện gì xảy ra, lại vui vẻ với chồng mình, vợ mình. Họ lại cùng nhau lên nương, lên rẫy, tiếp tục cuốc cày để mang lúa ngô về nhà trong một vụ mùa mới, cùng ríu rít với đàn con bên mâm cơm mỗi tối. Những người trẻ thì cùng nhau ước hẹn, chọn ngày mời bố mẹ, già bản đến nhà cô gái đặt lễ…

Sáng hôm sau, tôi rời bản Cà Roòng khi màn sương sớm còn vương trên cành cây ngọn cỏ. Đêm hội đã qua, nhưng dư âm tiếng trống và cả những lời ca tình tứ, dìu dặt vẫn còn vương vít chúng tôi suốt nẻo đường về.

HOÀNG BÙI

 
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất